Lang thang suốt cả buổi chiều, vậy mà Quỳnh vẫn chẳng nghĩ ra món quà nào ưng ý. Ngày mai đã là sinh nhật ba rồi. Để xem, một chiếc cà vạt thật đẹp. Một đôi dày thể thao, một tách uống trà xinh xinh… À, một bữa ăn do chính tay Quỳnh nấu. Phải rồi, chắc chắn ba sẽ rất bất ngờ. Ba thường kể cho Quỳnh nghe ngày xưa mẹ nấu ăn ngon lắm!
Mặc cho vú hốt hoảng can ngăn, Quỳnh vẫn khăng khăng đòi vào bếp. Chăm sóc Quỳnh từ ngày mới lọt lòng, nên tính khí Quỳnh thế nào chỉ có vú hiểu nhất, cho nên cũng chẳng xa lạ gì với tính ngoan cố của Quỳnh trong lúc này. Đành phải đứng gần để… quạt vì sợ Quỳnh nóng.
***
Chiều.
Những tia nắng thôi không còn nhảy nhót trên dàn hoa giấy trước cổng nhà. Chiếc đồng hồ thong thả gõ nhịp báo hiệu sáu giờ. Quỳnh dọn sẵn thức ăn và ngồi đợi ba về.
***
7 giờ.
Ba vẫn chưa về. Màn đêm như một khối đen khổng lồ, cái khối đen ấy úp chặt lấy căn phòng, làm cho căn phòng như trở nên trống trải rộng thêm ra. Vú đi qua đi lại nhìn càng thêm sốt ruột. Vú bảo Quỳnh thôi đừng chờ nữa, có lẽ ba bận việc nên về trễ, nhưng mắt vú vẫn không rời ô cửa sắt ngoài kia.
***
8 giờ.
Quỳnh vui mừng nhận ra tiếng xe quen thuộc của ba trước cổng nhà. Nhưng chưa kịp để ba bất ngờ, Quỳnh đã bất ngờ trước bởi mùi nước hoa quen thuộc của cô Dung, cô là thư ký riêng của ba. Nhưng mọi ngày Quỳnh chỉ gặp cô ở công ty ba. Quỳnh đã không nghĩ tới ngày này; ngày ba chở cô về nhà. Tất cả chợt vỡ oà, điều mà Quỳnh lo sợ cuối cùng rồi cũng đến.
Quỳnh tựa lưng vào ghế, mắt nhắm nghiền, nghe rõ tiếng giày bước đều và giọng ba đầy yêu thương:
“Ôi con gái, sao con không về phòng ngủ?”
Giọng nói ba nghe nhẹ lắm, mà sao Quỳnh thấy xót xa quá! Chẳng lẽ ba không còn nhớ hôm nay là ngày gì ư?
“Con bé dễ thương quá, chắc là nó giống mẹ hả anh?”
Cô vừa nói vừa hôn nhẹ lên trán Quỳnh. Mặc dù nụ hôn của cô không gợi nên cảm giác ấm áp như nụ hôn của mẹ, nhưng khiến Quỳnh nhớ mẹ đến da diết.
Ba đặt thức ăn mua sẵn lên bàn, bảo:
“Em cùng ăn với cha con anh nhé, bữa nay về trễ thức ăn vú làm đã nguội cả”.
Có một cái gì đó lớn hơn cả nỗi buồn dâng lên trong Quỳnh. Lúc này, Quỳnh chỉ muốn được chạy về phòng để khóc một trật thật hả hê. Nhưng không, Quỳnh không thể làm điều đó. Bổn phận là một đứa con ngoan đã ngự trị trong Quỳnh từ lâu. Vả lại Quỳnh rất thương ba.
Quỳnh mở mắt, cố giữ cho giọng bình thản:
– Ba đã về!
Rồi quay sang cô Dung, Quỳnh lễ phép:
– Con chào cô!
– Ừ, con chờ ba về cùng ăn tối đấy à!
– Dạ không, con chờ ba về là để …
Quỳnh ngập ngừng thật lâu:
– Dạ là để, để xin ba một việc ạ!
– Sao hôm nay con gái ba lạ thế. Có chuyện gì nói cho ba biết với nào?
– Con xin phép ba cho con sang ở chung với chị Thu, ở đó gần trường … Với lại có hai chị em học cũng vui hơn.
Ba ngạc nhiên nhìn Quỳnh, Quỳnh tránh cái nhìn của ba một cách khổ sở. Không biết mình vừa nói gì thế nhỉ? Xa ba ư? Có bao giờ Quỳnh nghĩ đến chuyện đó đâu. Bỗng dưng Quỳnh thấy giận cô Dung khủng khiếp!
Cuối cùng ba cũng đồng ý để Quỳnh đi. Chẳng hiểu sao điều đó lại khiến Quỳnh hụt hẫng. Thì ra ba chẳng còn cần đến Quỳnh nữa. Sự có mặt của Quỳnh chẳng khác nào một vật cản mà người lớn tế nhị không nói ra. Nghĩ đến đó Quỳnh thấy chua xót quá!
Vú với khăn đưa lên chặn nước mắt, dặn dò Quỳnh phải ăn uống thật nhiều, muốn ăn gì thì cứ nói với bác hai, bác cũng thương Quỳnh lắm. Quỳnh cũng khóc. Cả hai ôm chầm lấy nhau. Trong vòng tay của vú, Quỳnh thấy ấm áp quá. Đến độ cô hoang mang: Mình có nên đi hay không? Những người có tình cảm với nhau, có mấy ai xa nhau mà không buồn đâu.
Ba nghỉ hẳn một ngày để đưa Quỳnh đến nhà bác hai. Trên đường đi, ba căn dặn đủ điều. Chẳng hiểu sao lúc này Quỳnh thấy thương ba quá! Cứ muốn quên hết mọi giận hờn để xiết chặt lấy cổ ba mà nấc lên: “Ba ơi con không muốn đi, con không muốn xa ba”. Nhưng khi nghĩ đến mẹ, đến hình ảnh cô Dung bên ba, Quỳnh lại nhanh chóng quên đi con người yếu mềm trong mình.
Hàng tuần, ba vẫn đều đặn ghé thăm Quỳnh. Lần nào cũng gặng hỏi xem Quỳnh có muốn về nhà không. Quỳnh nhớ ba nhớ vú đến quay quắt. Nhớ cả tia nắng tinh nghịch nhảy nhót bên cửa sổ phòng Quỳnh vào mỗi buổi sáng, nhớ tiếng xe máy quen thuộc của ba và nhớ cả những bữa cơm ít người nhưng ấm cúng. Vậy mà chẳng hiểu sao hình ảnh cô Dung lại đánh đổi tất cả niềm nhớ mong trong Quỳnh.
Quỳnh dụi mắt mấy lần, cố tập trung nhìn xem sinh vật gì vừa mới xuất hiện trên cánh hoa mà Quỳnh đang say sưa ngồi ngắm. Chợt Quỳnh há hốc mồm khi nhận ra đó chính là cô tiên đã từng xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích. Quỳnh mừng đến phát khóc khi nghĩ cô sẽ đến và ban cho Quỳnh ba điều ước.
Cố không để cho cô tiên giật mình, Quỳnh ngồi im lặng nghĩ xem mình sẽ ước gì trong vô số những ước muốn hiện hữu trong đầu. Quỳnh đã lọc ra ba điều ước nhưng quay sang vẫn thấy cô tiên đứng im. Lúc này chẳng biết do cô tiên đã lớn thêm hay do trí tưởng tượng của Quỳnh phóng đại lên, mà rõ ràng Quỳnh nhìn thấy cả từng nét đẹp đến sắc sảo trên gương mặt cô. Đợi mãi, Quỳnh sốt ruột lấy tay nâng nhẹ cạnh hoa lên sát miệng, thì thào thật khẽ:
– Cô tiên ơi, có phải cô đến để ban cho em ba điều ước!
Vẫn là sự im lặng đến ngột ngạt, mãi khi khả năng kiên nhẫn của Quỳnh sắp cạn kiệt thì cô chịu động đậy, giọng cô vang lên thật nhẹ, nhưng đủ để Quỳnh nghe rõ từng tiếng một:
– Ta rất tiếc khi đến đây không phải để ban cho em ba điều ước, mà để báo cho em biết một tin rất quan trọng. Đó là cuộc sống nơi trần thế của em chỉ kéo dài năm phút nữa.
Rồi cô tiên biến mất. Người Quỳnh lạnh dần, mồ hôi trên trán rịn ra ướt đẫm, toàn thân như muốn chết lặng đi vì quá bất ngờ. Giọng cô tiên như còn phảng phất đâu đó: “Ta rất tiếc, rất tiếc …”
Cô tiên không thể nói dối Quỳnh, nhưng Quỳnh đang khoẻ mạnh kia mà! Quỳnh thử sức mình bằng cách vịn tay vào thành cửa đứng lên, nhưng ngay sau đó, Quỳnh lại khụy xuống, mồ hôi nhỏ từng giọt xuống nền nhà. Chiếc đồng hồ trên tường phát chói vào tai Quỳnh cái âm thanh “tích tắc, tích tắc” đều đều và muôn thủa, cây kim phút cứ thế nhích dần lên.
Năm phút. Quỳnh hoang mang. Quãng đường về nhà Quỳnh ít nhất cũng mất bốn mươi năm phút đi xe máy. Biết đâu ba đã đi công tác ở một nơi nào đó không thể về ngay với Quỳnh được. Kim đồng hồ nhích dần lên đến phút thứ ba, rồi thứ tư. Quỳnh gục xuống, thẫn thờ bất động.
– Quỳnh! Quỳnh dậy đi, mơ gì mà ú ớ không ra tiếng vậy?
Quỳnh choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn quanh. Thu lo lắng hỏi:
– Quỳnh sao thế, làm chị lo quá!
Thu lấy khăn thấm vài giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán Quỳnh, nói bằng giọng hết sức người lớn:
– Tại hôm qua đi học về dầm mưa chứ gì? Nói hoài mà Quỳnh không nghe chị. Nằm đó đợi chị pha cho ly nước chanh uống cho tỉnh nghen?
Quỳnh gạt đi:
– Em không sao mà!
Rồi như chưa tỉnh hẳn, Quỳnh phải lấy tay đập đập vào trán mình. Chỉ là một giấc mơ thôi mà, nhưng sao Quỳnh nhớ rõ từng chi tiết và cả cái suy nghĩ sau cùng trước khi chết của mình. Sao lại có giấc mơ liên quan đến sự thật như vậy?
Tối.
Quỳnh choàng tay qua người Thu hỏi đùa:
– Thu nè, nếu như còn năm phút nữa chị chết, chị sẽ dành thời gian đó để làm gì?
Thu quay sang nhìn Quỳnh hơi chút ngạc nhiên, rồi cười:
– Để suy nghĩ xem…
Thu vắt tay lên trán, lát sau quay sang choàng tay qua người Quỳnh, giọng nghịch ngợm:
– Chị sẽ dành năm phút đó để… để… À, để tắm. Xong lấy một cây viết, một tờ giấy viết lại cho má, rằng: Con tắm rồi, má khỏi phải tắm cho con nữa! Rồi lên giường nằm, giống như mình đang nằm vầy nè!”.
Cả hai cùng cười ngặt nghẽo, Thu đính chính thêm:
– Chứ để cho người khác tắm… eo ôi! Ngại chết, mà lại đến mấy người chứ đâu phải một.
***
Cảm ơn cảm tiên trong giấc mơ. Cô đã giúp Quỳnh hiểu ra một điều: Người ta sống không chỉ là sống sao cho có ý nghĩa, mà còn phải sống sao cho đến khi nhắm mắt chẳng phải vương vấn, nghĩ ngợi gì.
Bất chợt, Quỳnh choàng tay qua người Thu, nói thật khẽ:
– Ngày mai em về thăm ba, thăm vú Thu ạ!
Nói xong, Quỳnh nhìn sang đã thấy Thu ngủ say từ lúc nào. Quỳnh còn muốn đi gặp cô Dung nữa kia, để kể cho cô nghe về giấc mơ kì diệu.
Đêm ấy, Quỳnh chìm vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng.