Mẹ và Con - Cho dù bạn có cuồng công việc đến đâu đi chăng nữa, việc nhiều ra sao đi chăng nữa, cũng đừng mang việc về nhà nhé! Bởi chúng sẽ chẳng thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn đâu...

Không phải lúc nào tắt máy tính, đi về nhà cũng đồng nghĩa với việc bạn đã được “giải thoát” khỏi công việc, deadline, dự án… Điều này đặc biệt xảy ra với những người cuồng công việc và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta. Đôi khi, bí quyết để hạnh phúc đơn giản chính là không mang việc công ty vào thế giới riêng của mình đấy bạn ạ!

Cuồng công việc luôn xoay quanh bạn, bất kể nơi đâu

Bạn đã bao giờ nghĩ đến tác hại kinh khủng của việc đem công việc về nhà và để công việc tại công ty chiếm cả thời gian cá nhân và cuộc sống? Sẽ ra sao nếu trong khi ngồi ăn tối, cô con gái bé bỏng của bạn đang muốn tâm sự cùng bạn và kể một câu chuyện, nhưng… thay vì nghe lắng nghe cô bé, bạn lại đắn đo tự hỏi liệu sếp đã gửi email công việc cho mình hay chưa.

Hơn thế, những người cuồng-công-việc sẽ mang những suy nghĩ về deadline, về dự án, về tất tần tật những điều bạn bỏ lại ở công ty vào cả giấc ngủ, cả khi tập thể dục hoặc nói chuyện với bạn bè, gia đình của mình. Bạn luôn dán mắt vào máy tính xách tay của mình.

Và có thể, bạn là một người sếp thành công, một nhân viên chăm chỉ luôn cuồng công việc, cuồng làm việc nhưng lại là một “phiên bản lỗi” trong cuộc sống của chính mình khi bạn chẳng có đủ thời gian cho cuộc sống riêng tư. Nhà cửa bừa bộn, hóa đơn điện nước vẫn chưa đóng, kế hoạch du lịch, nghỉ hưu vẫn dang dở…

Đó chính là bức tranh miêu tả chính xác nhất về bạn – một con người luôn luôn dành thời gian cho công việc của mình. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc tạm gác công việc ở công ty và tự thưởng cho mình một khoảng thời gian riêng?

cuồng công việc

Bí quyết nào giúp bạn ngừng thói quen mang việc về nhà?

Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi những thói quen trong cuộc sống của mình, kể cả thói quen cuồng công việc và luôn dành hầu hết thời gian cho công việc. Bạn có thể bắt đầu bằng việc xem xét các việc mà mình cần làm, tính chất công việc ra sao, văn hóa công ty như thế nào, đồng nghiệp…

Những điều này có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác bị phân tâm và nghĩ về công việc ngay cả khi đã quyết định tắt máy tính đi về nhà. Nếu muốn thay đổi thói quen mang công việc ra khỏi công ty, bạn có thể áp dụng 4 bước dưới đây:

Bước 1: Xác định rõ khung giờ làm việc

Xác định rõ đâu là giờ làm, đâu là giờ nghỉ sẽ làm mọi thứ trở nên khoa học hơn, bạn cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn. Cho dù có cuồng công việc đến đâu thì bạn cũng sẽ có thể tách bạch rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian cho bản thân.

Bạn có đang có một công việc cố định thời gian, phải “trình diện” vào 9 giờ sáng và ra về lúc 5 giờ chiều? Hay bạn có một khung giờ làm việc vô cùng linh động? Nếu thuộc trường hợp thứ hai, bạn cần phải suy nghĩ kỹ khung giờ nào là phù hợp để làm việc. Nếu người sử dụng lao động có một số khung giờ làm việc nhất định, điều đầu tiên mà bạn cần làm chính là kiểm tra ngay thời gian biểu của bản thân.

Khung giờ mà sếp yêu cầu có trùng với lịch đón con, thời gian đi tập gym, các cuộc hẹn hò… ? Hãy cố gắng để sắp xếp sao cho hai khung giờ này hoàn toàn khác nhau, bạn nhé!

Ngược lại với hai tình huống trên, nếu công ty không yêu cầu về thời gian làm việc mà chỉ cần hoàn thành hết việc thì bạn muốn làm lúc nào cũng được thì bạn nên giải quyết như thế nào? Lúc này, hãy làm ngược lại với các bước ở trên.

Hãy liệt kê các hoạt động mà bạn cần làm trong ngày, trong tuần… mỗi hoạt động sẽ chiếm của bạn bao nhiêu thời gian, bạn cần thực hiện các kế hoạch cá nhân vào khung giờ nào. Sau khi “loại trừ” các kế hoạch này, bạn sẽ dễ dàng lên thời gian biểu cho công việc của mình mà không gặp phải tình trạng mang công việc vào cuộc sống cá nhân.

phụ nữ cũng cuồng công việc

Bước 2: F5 lại tinh thần làm việc của bạn

Việc F5 lại tinh thần làm việc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người, từ người cuồng công việc đến người đang chán nản vì công việc. Bạn cần xác định rõ ràng về những gì cần phải hoàn thành và khi nào bạn sẽ hoàn thành.

Hãy tìm một công cụ để có thể viết ra khối lượng công việc bạn cần phải giải quyết như một cuốn sổ tay, ứng dụng ghi chép trên điện thoại, ứng dụng quản lý thời gian và lịch trình của bạn. Như thế, bạn sẽ thoát khỏi cảnh ngày làm đêm mơ về lượng công việc khủng khiếp này.

Khung giờ nào sẽ là giờ làm việc, từ mấy giờ đến mấy giờ sẽ có cuộc họp diễn ra… Có kế hoạch làm việc cụ thể sẽ giúp bạn làm việc hăng say hơn, không còn lo lắng làm sót việc và phải mang việc về nhà.

Và cuối cùng, để dọn dẹp lại tinh thần đang “lộn xộn” và lo lắng về công việc của bạn cũng như sự cuồng công việc của bản thân, hãy tự làm một bản nghiệm thu cuối ngày để xem bạn đã làm được những gì, cần phải làm gì vào ngày mai. Bạn cũng có thể  tra nhanh email của mình để đảm bảo mọi tin nhắn khẩn cấp được gửi đến trước khi bạn rời văn phòng. Bạn có thể kiểm tra email trước giờ về 1-2 tiếng hoặc ít nhất là 15-30 phút. Đừng để về nhà rồi mới bắt đầu lọ mọ kiểm tra email bạn nhé!

mẫu người cuồng công việc

Bước 3: Giao tiếp và chia sẻ với đồng nghiệp của bạn

Giao tiếp với đồng nghiệp có thật sự ảnh hưởng đến những người cuồng công việc và giúp họ không còn mang việc công ty về nhà? Bạn đã tự đặt ra nguyên tắc sẽ không phản hồi email và điện thoại liên quan tới công việc sau khi tắt máy tính và rời công ty? Hãy chia sẻ với đồng nghiệp của bạn điều này! Điều này sẽ tránh việc bạn bị làm phiền trong lúc đang tận hưởng khoảng thời gian cá nhân đầy tuyệt vời của mình.

Nhưng đối với những người đang làm công việc có tính chất phải kết nối và giữ liên lạc liên tục thì sẽ như thế nào? Làm sao để có sự rạch ròi giữa giờ làm việc và giờ nghỉ? Bí quyết cho bạn chính là hãy đặt ra các nguyên tắc để kiểm soát cách mọi người liên lạc với bạn.

Cụ thể hơn, bạn có thể nói rằng mọi người hãy nhắn tin cho bạn trong giờ làm việc (từ 9 giờ đến 5 giờ chiều). Sau 6 giờ chiều, hãy thay thế các tin nhắn bằng email trừ khi thực sự khẩn cấp. Chúng ta có thể thong thả tận hưởng bữa cơm gia đình bên người thân rồi mới check mail thay vì liên tục khó chịu bởi tiếng ting ting từ tin nhắn điện thoại.

Ở một tình huống khác, nếu thời gian làm việc của bạn linh hoạt hơn, hãy chia sẻ với mọi người những cách khác nhau để làm việc hiệu quả. Bạn có thể nói cụ thể về những khoảng thời gian mà bạn không thể ngồi trước bàn làm việc hay không thể sử dụng máy tính để đồng nghiệp có thể gọi hoặc nhắn tin trực tiếp cho bạn nếu xảy ra các tình huống cần giải quyết gấp. Tuy nhiên, cũng chẳng ai mong muốn các tình huống này diễn ra phải không nào?

cách hạn chế cuồng công việc quá mức

Bước 4: Hoàn thành công việc tại nơi làm việc

Bạn sẽ cảm thấy thật điên rồ khi nghe bí quyết này: hãy cho phép mình làm việc tại nơi làm việc. Thật kỳ lạ phải không nào? Với nhiều người, dù có cuồng công việc hay không thì họ thích được làm việc sau khi những người khác rời khỏi văn phòng hoặc làm việc vào buổi tối, khi mọi người đã đi ngủ.

Đây là khoảng thời gian khá yên tĩnh, bạn sẽ không bị làm phiền, bị quấy rầy bởi bất kỳ ai xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngừng tình trạng cuồng công việc đến mức mang việc về nhà, hãy cố gắng hoàn thành tất cả công việc của mình trước khi tắt máy tính và quay về với không gian sống riêng tư nhé.

Và nếu bạn phải (hoặc muốn) hoàn thành một số công việc ngoài thời gian làm việc ở công ty, hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian để thực hiện những việc này mà không ảnh hưởng đến các kế hoạch cá nhân đã đặt ra từ trước.

Tốt hơn hết, hãy cho mình một khung thời gian cụ thể cho những công việc sau khi rời khỏi công ty. Vừa không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà cách này còn giúp bạn có động lực để làm việc hiệu quả hơn nữa đấy. Lúc này, bạn sẽ có mục tiêu, động lực để hoàn thành hết mọi công việc trước thời gian được đặt ra.

làm việc

Cho dù bạn có là ai đi chăng nữa, là nhân viên, trưởng phòng, hay là sếp, chúng ta cũng cần nghỉ ngơi cả về mặt thể xác lẫn tinh thần để làm việc tốt nhất. Việc dành thời gian cho bản thân mà vẫn không ảnh hưởng đến công việc sẽ giúp bạn trở nên hoàn hảo hơn đấy. Chỉ với 4 bước mà Tạp chí Mẹ và Con vừa chia sẻ trên, hy vọng bạn sẽ nhanh chóng có thể thay đổi thói quen cuồng công việc ngày nào của mình.

Bài viết liên quan