Muối đã được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm từ thời cổ đại. Muối giúp bảo quản thực phẩm bằng cách giảm hàm lượng nước và phá vỡ các tế bào vi sinh vật, nhưng cần có nồng độ muối rất cao (khoảng 10% trở lên) để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn – cao hơn nhiều so với nồng độ có trong hầu hết các loại thực phẩm bạn ăn.
Mặc dù muối có thể giữ thức ăn tươi lâu hơn nhưng không loại trừ hoàn toàn khả năng bạn vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn phải những loại thực phẩm đã được để quá lâu này.
Vì sao muối được xem như một chất bảo quản thực phẩm?
Từ xa xưa, nhiều người đã dùng cách ướp thật mặn thức ăn nhằm bảo quản thức ăn được lâu hơn. Hiểu một cách đơn giản, chúng ta đang sử dụng muối như một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên. Điều này là do muối có 2 công dụng:
Muối làm khô thức ăn
Muối hút nước ra khỏi thực phẩm và khử nước. Tất cả các sinh vật sống đều cần nước và không thể phát triển nếu thiếu nước, kể cả những loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Một ví dụ dễ dàng thấy được đó chính là bơ. Muối có thể hút nước ra ngoài và để lại chất béo, giúp bơ không bị hỏng.
Muối giết chết vi khuẩn
Sử dụng muối làm chất bảo quản thực phẩm tự nhiên bởi hàm lượng muối cao có khả năng gây độc và làm chết hầu hết các loại vi khuẩn do ảnh hưởng bởi áp suất nước. Hàm lượng muối càng cao thì các vi khuẩn này càng có nguy cơ phát nổ do chênh lệch áp suất giữa môi trường bên ngoài và bên trong vi khuẩn
Có nên dùng muối như một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên?
Nếu bạn đang nhận thấy những lợi ích của muối và muốn dùng muối như một chất bảo quản thực phẩm, có lẽ bạn cần phải suy nghĩ lại. Bởi cần lưu ý rằng không phải loại sinh vật nào cũng bị ảnh hưởng bởi muối và bị giết chết bởi muối. Một số loại vi sinh vật vẫn có thể tồn tại trong môi trường này.
Mặc dù đúng là nhiều vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm không phát triển tốt trong điều kiện môi trường mặn, nhưng vẫn có một số vi khuẩn cần muối để phát triển.
Những loại vi khuẩn này được gọi là “sinh vật ưa mặn”, chúng không thực sự thích muối, nhưng chúng có thể tồn tại trong đó vì cơ thể chúng có hệ thống cảnh báo đặc biệt để phát hiện các điều kiện môi trường rất mặn và từ đó thích nghi, giúp chúng tránh mất nước và vẫn có thể tồn tại, sinh ra độc tố làm hỏng thực phẩm, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm.
Hơn nữa, không nên sử dụng muối để làm chất bảo quản thực phẩm bởi vi khuẩn không phải là nguyên nhân duy nhất có thể gây ngộ độc. Nấm mốc cũng có thể là nguồn gây bệnh ở bên trong thực phẩm của bạn.
Cách bảo quản thực phẩm an toàn bạn cần biết
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng, hàng năm tại Mỹ có đến 48 triệu người, tức cứ 6 người thì sẽ có 1 người nhiễm bệnh do thực phẩm, 128.000 người phải nhập viện do một bệnh và 3.000 người chết. Có thể thấy, việc bảo quản thực phẩm đúng cách vô cùng quan trọng.
Nếu không thể dùng muối như một chất bảo quản thực phẩm thì làm sao để có thể bảo quản được các thực phẩm sau khi đã mua về? Một số nguyên tắc để giữ cho thực phẩm được tươi lâu, an toàn cho sức khỏe mà không cần dùng đến chất bảo quản thực phẩm mà bạn cần lưu ý như sau:
- Giữ không gian chế biến được sạch sẽ: Trước tiên, bạn cần lưu ý giữ cho không gian chế biến của gia đình bạn luôn được sạch sẽ. Luôn chú ý lau dọn thật sạch khu vực chế biến và nấu nướng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý không bao giờ sử dụng cùng một thớt cho thịt sống và các loại thực phẩm khác như rau, trái cây.
- Lựa chọn thực phẩm còn hạn sử dụng: Khi mua thực phẩm, bạn nên chú ý chọn thực phẩm còn hạn sử dụng. Bên cạnh việc để ý đến hạn sử dụng ghi trên bao bì, nhãn mác, bạn cũng nên chú ý đến mùi, hình thức hoặc kết cấu của sản phẩm, đặc biệt là những loại thực phẩm không có chất bảo quản thực phẩm. Chẳng hạn như khi mua thịt đông lạnh, nếu sờ vào thấy thịt nhớt, mềm nhũn thì không nên mua.
- Với các loại thực phẩm tươi sống, nên chia thành từng phần nhỏ và bảo quản trong từng túi zip hoặc hộp riêng.
- Ghi ngày mua và hạn sử dụng của từng loại thực phẩm, cố gắng sử dụng các loại thực phẩm gần hết hạn sử dụng trước.
- Với rau củ, không nên rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng liền. Sau khi mua về, có thể sơ chế bằng cách cắt bỏ phần rễ và loại bỏ đi phần héo úa, dập úng rồi chia thành từng phần nhỏ, cho vào túi zip hoặc hộp để bảo quản. Tốt nhất nên cho rau củ quả vào trong ngăn mát ở nhiệt độ khoảng 5 độ C.
- Với các loại thực phẩm đã nấu chín, cần để nguội ít nhất 2 tiếng trước khi cho vào bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý phải đậy kín trong quá trình bảo quản. Thời gian để lưu trữ và sử dụng các loại thực phẩm này là khoảng 3 ngày. Vì những loại thực phẩm này không sử dụng chất bảo quản thực phẩm nên tốt nhất không nên để lâu hơn, tránh vi khuẩn sinh sôi bên trong gây ngộ độc.
- Lưu ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi bên trong tủ lạnh và xâm nhập vào bên trong thức ăn.
Muối có thể là một cách hiệu quả để bảo quản thực phẩm nhưng cũng làm tăng hàm lượng natri trong thực phẩm. Sử dụng quá nhiều muối như một chất bảo quản thực phẩm để cố gắng giữ cho thực phẩm tươi ngon cũng có thể gây tác dụng ngược và tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Vì thế, bạn có thể thử thay bằng những cách bảo quản thực phẩm khác không dùng muối để đảm bảo an toàn hơn bạn nhé!