Mụn bọc ở cằm không những gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp của người bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tự ý nặn mụn bọc ở cằm. Điều này có đúng không? Và đâu là cách trị mụn bọc ở cằm tại nhà an toàn? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nào.
Mụn bọc ở cằm là gì?
Mụn bọc ở cằm là những nốt mụn lớn, nổi gồ ghề trên cằm. Loại mụn này thường bắt đầu với những biểu hiện như mẩn đỏ, sưng tấy, cứng và có màu đỏ hồng. Khi bị mụn bọc ở cằm, người bệnh thường cảm thấy nhức và ngứa dữ dội mỗi khi chạm vào.
Nguyên nhân mụn bọc mọc nhiều ở cằm
Để trị mụn bọc ở cằm nhanh chóng và triệt để, trước tiên chúng ta cần xác định nguyên nhân cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu. Dưới đây là một số lý do gây nên mụn bọc ở cằm phổ biến như:
Nội tiết tố bị rối loạn do chu kỳ kinh nguyệt
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì thời điểm trước khi sắp bắt đầu chu trình kinh nguyệt của phụ nữ (giai đoạn nửa sau của chu kỳ hoặc tiền kinh nguyệt) thì hiện tượng mụn bọc mọc nhiều ở cằm sẽ diễn ra.
Điều này được lý giải là do cơ thể sản sinh nhiều testosterone khiến các tuyến dầu trên da hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều, dẫn đến lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Đồng thời, nội tiết tố cũng sẽ tác động khiến lỗ chân lông giãn nở tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập gây nên mụn trên da.
Do dùng thuốc tránh thai
Từ lâu chúng ta đã biết thuốc tránh thai có thể hỗ trợ ngăn ngừa mụn xuất hiện trở lại trên da. Bởi vì những hormone bên trong thuốc tránh thai khi kết hợp sẽ giúp nội tiết tố androgen lưu thông trong máu được giảm đáng kể, từ đó giảm sản xuất bã nhờn trên da. Tuy nhiên, khi ngưng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, lượng hormone sẽ hoạt động trở lại bình thường và vẫn có khả năng gây nên mụn nói chung và mụn bọc ở cằm nói riêng.
Mụn bọc ở cằm do giấc ngủ bị rối loạn
Những nguy cơ mất ngủ gây căng thẳng tâm lý chắc chắn sẽ mang đến các bất thường cho cấu trúc và sức khỏe làn da nói chung. Và cụ thể là:
- Mức độ đề kháng insulin tăng dẫn đến lượng glucose trong máu tăng theo tạo nên mụn trứng cá, mụn bọc ở cằm
- Sự gia tăng nồng độ hormone căng thẳng trong cơ thể (cortisol) – một nội tiết tố giữ vai trò điều tiết bã nhờn trên da. Đồng nghĩa với việc da sẽ dễ nổi mụn hơn khi nồng độ hormone này trở nên tăng trưởng khó kiểm soát.
Trang điểm quá dày
So với các vùng da khác trên mặt thì cằm thường nhạy cảm hơn cả. Vì vậy thói quen trang điểm thường xuyên và quá dày sẽ cản trở quá trình bài tiết bã nhờn của tuyến da trên cằm. Cùng với việc trang điểm dày, tẩy trang không kỹ cũng sẽ khiến cặn bã trang điểm tích tụ vào sâu lỗ chân lông. Gây viêm nhiễm, sưng tấy và hình thành nên bọc mủ.
Đắp mặt nạ chăm sóc da sai cách
Nếu bạn đang cung cấp dưỡng chất hàng ngày cho da nhưng da vẫn nổi mụn trứng cá, mụn bọc ở cằm thì có thể bạn đang làm sai cách. Trường hợp này, tình trạng mụn bọc ở cằm có thể là do:
- Thực hiện đắp mặt nạ trên nền da chưa được làm sạch triệt để, vẫn còn tế bào chết, bụi bẩn và cặn mỹ phẩm.
- Chưa lựa chọn loại mặt nạ có công dụng phục vụ đúng đắn cho nhu cầu của từng loại da.
- Sau khi đắp mặt nạ, da thường trở nên bí bách do không khí ẩm lưu thông giữa mặt nạ và làn da bị ứ trệ trong một thời gian nhất định. Đây là điều kiện hoàn hảo khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn hình thành mụn.
Sử dụng mỹ phẩm không có nguồn gốc rõ ràng
Những loại mỹ phẩm không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường hay lạm dụng các mỹ phẩm không hợp với da khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Chính vì thế, các hại khuẩn, nấm mốc sẽ có điều kiện xâm nhập, làm ổ trong nang lông và gây mụn bọc ở cằm dễ dàng.
Mụn bọc ở cằm có nên nặn?
Nếu tình trạng mụn bọc ở cằm nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà và chăm sóc như các trường hợp mụn thông thường khác. Và dù mụn bọc ở cằm mọc nhiều hay ít, mức độ nặng hay nhẹ thì bạn tuyệt đối không được tự ý nặn ra. Cách nặn mụn bọc ở cằm khác với những mụn thông thường và đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật và biết cách sơ cứu… Nếu tự ý làm có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng da, gây tổn thương, sẹo thâm, sẹo rỗ, mất thẩm mỹ…
Cách trị mụn bọc ở cằm
Khi phát hiện tình trạng mụn bọc ở cằm xuất hiện, bạn có thể thử một số phương pháp điều trị chẳng hạn như:
- Thăm khám tại các trung tâm uy tín để nhận được lời khuyên và sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu về phương án điều trị/ kê toa thuốc uống, bôi một cách an toàn, khoa học và hữu hiệu.
- Tối giản chu trình chăm sóc da nhưng vẫn đảm bảo các bước cần thiết: Làm sạch – Dưỡng Ẩm – Điều trị da – Bảo vệ da.
- Sử dụng các sản phẩm chứa những thành phần có công dụng điều trị mụn bọc ở cằm hiệu quả như: Glycolic acid (AHA); Beta Hydroxy Acid (BHA); Salicylic acid; Benzoyl peroxide; Retinoid/ Retinol/ Tretinoin/ Sulfur (Lưu huỳnh)/ Tinh dầu tràm trà;…
- Điều trị vết thâm đỏ/ đen bằng do mụn bọc ở cằm bằng những sản phẩm có chứa các thành phần sau: Vitamin C; Axit Azelaic; Hydroquinone; Mandelic acid; Kojic acid; Niacinamide.
Cách phòng ngừa tình trạng mụn bọc ở cằm
Để phòng tránh cũng như ngăn ngừa tình trạng mụn bọc ở cằm xảy ra, bạn nên:
- Rửa cằm và tất cả các vùng da trên mặt bằng xà phòng nhẹ hai lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Không lên giường đi ngủ nếu chưa thực hiện tẩy trang.
- Thường xuyên thực hiện tẩy tế bào chết cho da mặt 1-2 lần/tuần.
- Không nên tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ và nhiều đường.
- Hạn chế những căng thẳng, tránh thức khuya hoặc các tác nhân gây kích thích hormone khác.
- Tránh sờ chạm quá nhiều vào mặt bằng bàn tay, ngón tay và móng tay.
- Khuyến khích sử dụng kem chống nắng không chứa dầu.
- Giữ cho khăn trải giường, gối đầu sạch sẽ và giặt giũ thường xuyên.
- Tránh các sản phẩm chăm sóc da hay trang điểm có chứa dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Giữ tóc xa vùng cằm và thường xuyên làm sạch tóc.
- Những người cạo râu nên sử dụng kem cạo râu dưỡng ẩm, dùng một con dao cạo sắc bén và giảm thiểu số lần cạo râu nhằm tránh gây kích ứng hơn cho da và giảm nguy cơ lông mọc ngược.
- Xông hơi da mặt giúp dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn. Tuy nhiên khi xông hơi cho mặt, người bị mụn bọc ở cằm nên để nhiệt độ thích hợp khoảng 40 độ C để tránh làm tổn thương đến da.
- Thay khẩu trang mỗi ngày.
Mụn bọc ở cằm là hiện tượng phổ biến có thể xảy ra trong suốt tuổi dậy thì, trưởng thành, đặc biệt là ở nữ giới do thay đổi hormone. Mụn xuất hiện khiến làn da trở nên dễ bị kích ứng, đau nhức, khó chịu. Do đó, hãy thường xuyên vệ sinh da tốt, chăm sóc da đúng cách với các sản phẩm phù hợp, vừa mau chóng kiểm soát sự phát triển của mụn bọc ở cằm, vừa phòng tránh chúng quay trở lại bạn nhé!