Mẹ&Con – Do sự thay đổi nội tiết tố, khi mang thai mẹ bầu sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến da như: xuất hiện đốm đen ở ngực, vú, thâm nám ở mặt, rạn da, mụn trứng cá, giãn tĩnh mạch…

Đốm đen trên da

Những đốm đen, thâm nám được xem là biểu hiện của sự thay đổi ngoài da khi mang thai dễ nhận thấy nhất. Nó là kết quả của sự tăng melanin trong cơ thể – một chất tự nhiên tạo nên màu của da và lông.

Nốt đen và thâm nám thường tự mờ đi sau khi em bé được sinh ra. Tuy nhiên, vài phụ nữ vẫn còn những nốt đen nhiều năm sau khi sinh.

Rạn da

Sự thay đổi ngoài da khi mang thai tiếp theo là vết rạn da. Khi bụng ngày càng to trong suốt thai kì, da của bạn sẽ xuất hiện các đường sậm đỏ gọi là vết rạn. Đến tam cá nguyệt thứ ba, phụ nữ thường bị những vết rạn da ở bụng, mông, ngực hoặc đùi.

Hầu hết các vết rạn da sẽ biến mất sau khi sinh, nhưng cũng có thể chúng sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn.

Một số thay đổi ngoài da khi mang thai mẹ bầu nên biết 5

Tĩnh mạch hình mạng nhện

Những thay đổi nội tiết và sự tăng thể tích máu trong cơ thể sẽ tạo nên những tĩnh mạch nhỏ màu đỏ, gọi là tĩnh mạch hình mạng nhện, xuất hiện trên mặt, cổ và cánh tay.

Nguyên nhân do trọng lượng và sức ép của tử cung sẽ làm giảm lượng máu trở về tim của vùng thân dưới, khiến những tĩnh mạch ở chân của bạn sưng, đau và có màu xanh. Chúng gọi là giãn tĩnh mạch.

Sự giãn tĩnh mạch còn có thể xuất hiện trong âm hộ, âm đạo và trực tràng. Trong hầu hết các trường hợp, giãn tĩnh mạch chỉ là những biến đổi tạm thời và sẽ biến mất sau khi sinh.

Mụn trứng cá

Nhiều phụ nữ bị mụn trứng cá khi mang thai. Một vài người đã bị mụn trứng cá trước khi mang thai và thấy tình trạng mụn trở nên nặng hơn khi mang thai. Những phụ nữ khác không bị mụn cũng có thể sẽ bị mụn trứng cá khi mang thai.

Cách trị mụn trứng cá trong thai kì?

Nếu bạn bị mụn trứng cá khi mang thai, những cách sau sẽ giúp chăm sóc da bạn:

  • Rửa mặt hai lần một ngày với nước rửa mặt nhẹ và nước ấm.
  • Nếu tóc bạn có nhiều dầu, gội đầu hằng ngày và đừng để tóc chạm vào mặt bạn.
  • Tránh phá hoặc nặn mụn trứng cá, điều này sẽ giúp phòng ngừa việc để lại sẹo đến mức tối đa có thể.

Một số thay đổi ngoài da khi mang thai mẹ bầu nên biết 6

Những thay đổi ở hệ lông và móng

Những thay đổi trong hệ nội tiết khi mang thai sẽ làm tóc và lông mọc nhiều hơn hoặc dày hơn. Đôi khi, phụ nữ mọc lông ở những vùng mà bình thường không có lông, ví dụ như ở mặt, ngực, bụng và cánh tay. Đây là sự thay đổi ngoài da khi mang thai hầu hết chị em đều gặp phải.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng sau sinh, hầu hết phụ nữ bắt đầu thấy rụng tóc. Điều này là do hóc-môn đã quay trở lại mức bình thường, khiến tóc trở lại chu kì mọc và rụng bình thường.

Vài phụ nữ nhận thấy móng tay chân mọc nhanh hơn khi mang thai. Một số khác lại thấy móng tay chân dễ chẻ và gãy móng. Cũng giống như trường hợp của hệ lông, hệ móng sẽ trở lại bình thường sau khi bạn sinh con.

Những thay đổi hiếm gặp ở da có thể xảy ra khi mang thai?

Một vài thay đổi hiếm gặp ở da có thể xảy ra khi mang thai. Chúng sẽ gây nên nhiều triệu chứng, bao gồm nổi nốt đỏ và ngứa.

  • Sẩn ngứa và mề đay

Khi mắc phải tình trạng này, những sẩn nhỏ, đỏ và mề đay sẽ xuất hiện trên da trong giai đoạn sau của thai kì. Những sẩn này có thể tạo thành những mảng gây ngứa. Những vết sẩn ngứa này xuất hiện đầu tiên ở trên bụng rồi lan ra đùi, mông và ngực. Nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được tìm ra nhưng tình trạng này sẽ dần biến mất sau khi bạn sinh con.

  • Bệnh mụn nước trên da

Bệnh mụn nước trên da (pemphigoid) ở phụ nữ có thai là một bệnh da liễu hiếm gặp, thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba hoặc một thời gian sau khi sinh.

Khi mắc phải bệnh này, những bọng nước sẽ xuất hiện trên bụng và trong những trường hợp nặng, bọng nước có thể nổi ở một vùng rộng trên da.

Nguyên nhân của bệnh này được cho rằng do rối loạn tự miễn. Bệnh có thể làm tăng nhẹ nguy cơ xuất hiện những biến chứng cho thai nhi, bao gồm sinh non và sinh con nhẹ cân.

Bài viết liên quan