Hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều người trong cuộc sống. Sự tương tác qua lại giữa những cá thể khác nhau trong nhiều môi trường khác nhau hình thành nên những mối quan hệ có mức độ tình cảm riêng biệt. Đối với những mối quan hệ xã hội hầu hết chúng ta đều rất trân quý, thậm chí còn “nâng niu” hơn cả tình thân trong gia đình. Thế nhưng, cụm từ “mãi mãi” dành cho những mối quan hệ này dường như là một điều xa xỉ. Cứ đến một khoảng thời gian nhất định nào đó, hai người trong một mối quan hệ thân thiết dần cách xa nhau, rồi đến cuối cùng lại trở thành người lạ đã từng quen trên hành trình cuộc đời.
Tại sao lại như vậy? Bạn đã có bao giờ thắc mắc về chủ đề này chưa? Bạn đã có bao giờ đi tìm lý do cho những mối quan hệ không trọn vẹn đã qua?
Mối quan hệ thân thiết của hai người từng yêu nhau
“Làm sao để biết anh ấy có còn yêu tao không mày?”. Trong những buổi trà chiều, trong những lần cà phê dưới phố, có thể nhỏ bạn thân đã đôi lần tâm sự với bạn về sự lạnh nhạt của người nó yêu, nó cần một câu trả lời thẳng thắn về tình cảm nhưng lại ngại không dám hỏi trực tiếp người ấy. Thế rồi, mối quan hệ cứ xa dần và bẵng đi một thời gian, khi bạn gặp lại nhỏ bạn thân của mình, bạn nhận được tin nó đã chấm dứt tình cảm với người kia với lý do muôn thuở “Chẳng còn hợp nhau nữa”.
Rất dễ dàng để bắt gặp những mẩu chuyện như vậy từ những người thân thiết xung quanh chúng ta, hoặc thậm chí đôi khi bạn còn là nhân vật chính trong câu chuyện. Thật khó để đoán định chuyện tình cảm. Nếu một người thật sự yêu thương bạn, bạn nhất định sẽ nhận ra, nhưng nếu thật sự người ấy đã không còn tình cảm với bạn, hay muốn lừa gạt tình cảm của bạn thì bạn không nhất thiết phải biết.
Nhiều người từng nói, trong hôn nhân, trong chuyện lứa đôi, lời thật lòng nhất là câu nói “Đã từng yêu”. Chia tay không phải bắt đầu từ giây phút hai người ngồi xuống xác nhận với nhau. Khi một người nghiêm túc nói với bạn rằng họ muốn kết thúc thì trong lòng họ, tình cảm dành cho bạn đã trở thành câu chuyện thuộc về quá khứ.
Mối quan hệ thân thiết giữa hai người bạn từng thân
Thật dễ dàng khi bước ra khỏi cuộc sống của một ai đó. Điều đáng sợ nằm ở chỗ liệu người đó có rời xa bạn hay không, bạn vốn không thể biết được.
Điều này rất đúng cho mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp. Có những cô cậu chơi rất thân với nhau từ những thời cấp 2, cấp 3, nguyện ước sẽ đi chung cùng nhau trên mọi đoạn đường ở tương lai, nhưng lên đại học thì những lời hỏi thăm ít dần, những câu chuyện phiếm mà cả hai thường ngồi tán ngẫu rồi cười ngả nghiên cũng chẳng còn. Nguyên nhân đưa ra có thể vì suy nghĩ cả hai đã thay đổi, khoảng cách địa lý xa vời…
Càng trưởng thành ta càng khó kiếm được những bạn tri kỷ, tâm đầu ý hợp. Ta cần có cuộc sống riêng, mà đôi khi sự quan tâm của người khác trở nên thừa thãi vì chẳng khác nào đó là một sự làm phiền. Đó là kết thúc thường thấy cho một tình bạn. Dù bạn có tiếc nuối, khóc lóc thì cũng không ảm đạm bằng cái lý do lòng người đã nguội lạnh, và chỉ đơn giản là như vậy thôi.
Lý do nào khi người thân trở thành người lạ?
Rốt cuộc phải dành bao nhiêu thời gian và sự quan tâm cho đối phương mới có thể bảo vệ được mối quan hệ tình cảm khắng khít giữa hai người? Thật sự là câu hỏi này không có câu trả lời. Nó cũng giống như không ai nói rõ được vào lúc nào, trong khoảng khắc nào thì bạn hết tình cảm với một ai đó. Điều này đòi hỏi một chút kiên nhẫn và cái nhìn tinh tế để phát hiện ra.
Có quá nhiều lý do để hai người đẩy xa nhau ra, nào thì bất đồng quan điểm, nào thì không cùng đẳng cấp, thiếu sự quan tâm, thiếu sự trưởng thành, không có sự cảm thông, và rất nhiều lý do khác. Có những mối quan hệ mà chúng ta sẽ không thể nào làm hài lòng được đối phương và buộc phải rời đi. Nhưng có cũng có những người dù chúng ta rất muốn níu họ lại nhưng không thể.
Lời kết
Chắc hẳn rất ít người có thời gian để suy tư về vấn đề này, bởi chúng ta vẫn thường hay tự động viên mình “Khi một mối quan hệ kết thúc, ắt hẳn sẽ có một mối quan hệ mới mở ra”. Thế nhưng, những tổn thương tình cảm trong bất kỳ cuộc chia xa nào cũng hình thành nên quan niệm, góc nhìn mới của chúng ta đối với những mối quan hệ sau này.
Điều quan trọng là hãy giữ thật chặt tất cả những người có ý nghĩa trong cuộc đời của bạn một cách lâu nhất có thể. Bồi đắp cho mối quan hệ ấy nhiều những hình ảnh đẹp nhất có thể để khi xa nhau rồi, những ấn tượng tốt đẹp vẫn còn lưu giữ và để cho mỗi lần hoài niệm về nhau chúng ta không ray rứt, hối hận về những điều mình đã từng.
Cuối cùng, dù là tình bạn thân hay là người yêu, cho dù mối quan hệ đã từng sâu đậm đến đâu, một khi đã chấm dứt thì chấp nhận sự nguội lạnh đó chính là thông điệp mà mỗi chúng ta cần phải nhận lấy để vun bồi cho sự phát triển bản thân sau này.