Canada cấm cho trẻ dùng xe tập đi
Ở Canada việc cho trẻ dùng xe tập đi đã bị cấm. (Ảnh minh họa).
Xe tập đi thường có thiết kế xinh xắn, màu sắc sặc sỡ kèm theo nhiều đồ chơi. Tuy nhiên, loại xe này đang được nhiều nước và cả các tổ chức Y tế khuyến cáo bố mẹ không nên dùng. Canada là nước đầu tiên ban bố lệnh cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em. Tại Mỹ, Hội đồng Nhi khoa cũng hy vọng chính phủ Mỹ cấm bán xe tập đi trên thị trường.
Trên thế giới có khoảng 21.300 trường hợp trẻ dùng xe tập đi gặp tai nạn. Riêng tại Canada, theo thống kế năm 2003, mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh bị thương khi ngồi xe tập đi. Nhẹ thì trẻ bị gãy tay chân, trầy xước da, nặng có thể gây tổn thương não.
Cứ mỗi 24 giờ sử dụng xe tập đi, trẻ sẽ chậm thêm 3,7 ngày để có thể tự đứng và chậm thêm 3,3 ngày tự đi. Tức là khi bé sử dụng xe tập đi càng nhiều, bố mẹ càng kìm hãm sự phát triển vận động tự nhiên của con.
Trẻ sử dụng xe tập đi thường xuyên có tốc độ phát triển các kỹ năng vận động như ngồi, bò, đứng, đi chậm hơn so với những trẻ không sử dụng.
Cho trẻ ngồi xe tập đi, lợi ít hại nhiều
Trẻ đối mặt với nhiều nguy hiểm khi dùng xe tập đi. (Ảnh minh họa)
1. Nguy cơ bị chấn thương nặng
Bởi khi trẻ ở trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã sẽ có xu hướng chúi đầu về phía trước. Hơn nữa, trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên mức độ chấn thương sẽ nặng hơn so với những đứa trẻ ngã tự do.
Đa số trường hợp là ngã cầu thang. Đối với những nhà không có cầu thang, trẻ vẫn có nguy cơ té chấn thương đầu do xe mất cân bằng khi đụng với những vật dụng ở sàn nhà hoặc sàn nhà không bằng phẳng.
2. Bỏng
Theo một thống kê, bỏng chiếm khoảng 5% là do tai nạn xe tập đi. Phỏng xảy ra khi trẻ ở trong xe tập đi với tay lấy ấm nước nóng, cốc nước hay tô đựng canh nóng. Thậm chí trẻ có thể rơi vào nguồn tỏa nhiệt cao như lò, nồi nấu hoặc lửa.
3. Bị ngộ độc
Xe tập đi có thể làm trẻ ngộ độc do hệ quả của việc trẻ tiếp cận với những vật cần tránh. Một nghiên cứu ở Australia cho rằng, xe tập đi là nguyên nhân thứ hai gây ngộ độc ở trẻ nhỏ. Còn ở Mỹ, đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất.
Ngoài những tai nạn trên, xe tập đi còn khiến trẻ nhỏ đối mặt với các tai nạn khác như ngạt nước, chấn thương cột sống, vỡ răng, chấn thương mắt, kẹt tay…
4. Hạn chế sự phát triển chiều cao
Các sụn xương phải chịu một áp lực lớn có thể dẫn đến xơ hóa sớm, làm cho xương phát triển chậm lại. Như vậy, bé sẽ không đạt được chiều cao như bình thường. Sụn ở cột sống, sụn ở khớp gối và háng là những phần bị ảnh hưởng nhiều nhất.
5. Giảm khả năng vận động và trí thông minh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sử dụng xe tập đi có chỉ số kỹ năng nhận thức thấp hơn so với những đứa trẻ tự vận động và tập đi bằng đôi chân của mình.
Đồng thời, hàng ngày trẻ bị gò bó trên chiếc xe tập đi, chúng sẽ bị giới hạn không gian tiếp xúc và hạn chế sự phát triển của các giác quan.
6. Nguy cơ bị gù lưng, cong vẹo cột sống
Nếu cho trẻ ngồi xe tập đi quá sớm khi hệ xương vẫn còn quá yếu dễ dẫn tới biến dạng xương và tăng nguy cơ bị gù lưng. Ngoài ra, việc chịu một áp lực chèn lên cột sống có nguy cơ khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.
7. Tăng khả năng bị chân vòng kiềng
Xe tập đi được thiết kế với một đai lót ở phía dưới để đỡ khung chậu và toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, điều này lại khiến cơ thể bị biến dạng xương phần đùi, tăng khả năng bị chân vòng kiềng.
Nên cho trẻ tập đi khi nào?
Khi bé được 10 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng để mẹ tập đi cho con. (Ảnh minh họa).
Các cụ thời xưa cho rằng: “4 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9-10 tháng lò dò biết đi”. Nhưng trong thực tế, 3 tháng trẻ mới cứng cổ, 5-6 tháng mới biết lẫy thành thạo, đến tháng thứ 8 thì có thể ngồi được và 10 tháng trẻ sẽ lẫm chẫm bước đi.
Vì thế, khi bé yêu của bạn được 10 tháng tuổi, đó chính là thời điểm lý tưởng mẹ cho con tập đi. Việc chọn thời điểm phù hợp vừa đảm bảo an toàn cho con vừa giúp con nhanh biết đi.
Dạy trẻ tập đi đúng cách và hiệu quả nhất
Nâng đỡ vai con và dìu đi từng bước một. (Ảnh minh họa).
Theo các bác sĩ Nhi khoa, khi hệ xương đã vững chắc, trẻ có thể tập đi bình thường mà không cần đến sự hỗ trợ của xe tập đi. Tuy nhiên trong quá trình cho con tập đi, mẹ nên lưu ý một vài điều sau đây để tránh để lại những di chứng cho hệ xương của bé.
– Cho con tập đi khi thấy con đã ngồi vững, cứng cáp.
– Hỗ trợ con tập đứng bằng cách cho chân con đứng lên chân mẹ, mẹ di chuyển cùng con. Sau đó, mẹ dạy con ngồi xuống từ từ, có thể giúp con gập đầu gối xuống trước để tránh tổn thương phần mông và cột sống.
– Mẹ nên nâng đỡ từ khuỷu tay, vai bé và dìu con đi từng bước một , không đẩy bé về phía trước, vì hành động này có thể làm trật xương vai hoặc cổ tay.
– Cho bé đi chân trần khi tập trong nhà, để bé cảm nhận được từng bước đi và sớm biết đi hơn.
– Hạn chế cho bé phụ thuộc hoàn toàn vào xe tập đi.
Trường hợp trẻ ngồi xe tập đi:
– Mẹ nên để mắt đến trẻ, đừng để trẻ một mình vì trẻ dễ gặp các tình huống nguy hiểmnhư đã nêu ở trên.
– Làm cửa chặn ở đầu cầu thang, bậc tam cấp vì bánh xe tập đi rất trơn, dễ đẩy trẻ đi xa khó kiểm soát.
– Tuyệt đối không cho trẻ lại gần bếp, vật dụng nóng.