Mẹ&Con – Vẹo cột sống không những làm mất dáng đẹp mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Chào bác sĩ!

Con gái tôi được 8 tuổi. Tôi rất lo khi thấy lưng con cứ gù gù. Bé ngồi học, ngồi xem phim hay làm bất cứ gì cũng khòm lưng như bà già. Tôi nhắc thì bé ráng ẹo qua ẹo lại thẳng lên được một chút lại khòm như cũ. Bác sĩ cũng biết đó, con gái mà… Tôi lo bé sau này mất dáng, lưng gù, chưa gì đã khòm khòm như vậy thì làm sao mà đẹp được. Nhưng tôi không biết chỉnh cho con bằng cách nào. Hồi còn nhỏ bé đâu có bị như vậy, chỉ đến khi bắt đầu đi học mới như vậy thôi. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Lê Ngọc Quỳnh Như (Quận Tân Phú)

Bác sĩ trả lời

 

 

 

 

Vẹo cột sống, khòm lưng không chỉ làm mất đi “dáng đẹp” như chị lo lắng đâu. Có những tác hại khác còn đáng ngại hơn, ví dụ như tùy mức độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, tim mạch, dẫn đến các bệnh sa dạ dày, méo xương chậu, ảnh hưởng đến cả chức năng sinh nở, làm mẹ của cháu sau này khi lớn lên.

Bé mới 8 tuổi đã có dấu hiệu khòm lưng rõ rệt như vậy là rất cần chấn chỉnh càng nhanh càng tốt. Trước hết, chị cần xem lại xem cháu có mang vác gì nặng hàng ngày không? Ví dụ cặp đi học có quá nhiều sách vở dư thừa không. Nên hướng dẫn cháu cách soạn sách vở, sao cho càng nhẹ cặp càng tốt. Chị cũng nên chọn cho cháu loại cặp có hai dây đeo, đeo đều trên hai vai sẽ tốt hơn là cặp xách một bên.

Kế đến, cần kiểm tra lại bàn ghế học tập của bé ở trường cũng như ở nhà có quá cao, quá thấp hay không. Vì ví dụ ghế quá cao, bàn quá thấp thì khi ngồi, cháu sẽ bắt buộc phải khòm lưng xuống, lâu dần thành vẹo cột sống. Chị lưu ý là bàn ghế không đúng quy chuẩn không những làm vẹo cột sống mà còn có thể gây nên cận thị ở trẻ (khi tầm mắt không phù hợp).

Chị hãy uốn nắn cháu ngay bây giờ, luôn nhắc nhở cháu đứng ngồi đúng tư thế. Ví dụ như ngồi ngay ngắn, để chân xuống đất, cẳng chân thẳng góc với đùi, đùi thẳng góc với mình, đầu hơi cúi, để cả hai cẳng tay lên mặt bàn, tránh so vai, ngoẹo cổ, nghiêng vẹo, cúi gù, cho chân lên ghế hoặc ngồi xổm, ngồi bệt. Trong trường hợp sau tất cả những nỗ lực nói trên chị vẫn không thể tự uốn nắn cho cháu được, có thể đứa cháu đến bác sĩ chỉnh hình để được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp tích cực hơn.

Tags:

Bài viết liên quan