Mẹ&Con – Đi công tác về, Hạnh tá hỏa khi nghe bé Na đang đứng trên ghế, tay chống nạnh, miệng sa sả chửi… con búp bê: “Đồ chó chết, mày cút ngay đi cho tao. Mày có để tao yên không hả?”.

Phát hoảng khi bé bỗng dưng quát tháo như người lớn

Sau một thời gian hai vợ chồng Hạnh lận đận với việc thuê ôsin, cả hai đều ngán ngẩm. Chẳng phải riêng gì vợ chồng Hạnh, cảm đám bạn thân của cô cũng gặp những chuyện trời ơi đất hỡi, sao mà nhọc nhằn đến vậy. Khi tìm được ôsin như ý thì có chứng này tật kia, hoặc không có tật gì thì lại toàn làm hỏng việc được giao. Nghĩ lại, thà làm cố một tí cho đỡ bực bội còn hơn. Nhưng đó là chuyện khi chưa có con, có con mọi việc chồng chất thêm lên. Việc thuê ôsin là không thể tránh khỏi.

Sau khi ôsin thứ “n” của nhà Hạnh bị cho thôi việc, chồng Hạnh đề nghị rước bà cô ở dưới quê lên, vừa an tâm vừa là người nhà, coi như giúp đỡ để cô có công ăn việc làm. Hạnh có hơi “lăn tăn” trong đầu vì cô cũng thấy nhiều tấm gương ôsin từ người nhà phiền phức như thế nào nhưng chồng thuyết phục quá nên cô xuôi theo. Vả lại, không đồng ý thì giờ biết sao. Tìm ôsin mới thì cô đã quá ngán ngẩm và gần như mất hẳn lòng tin có thể tìm được một người được việc được nết.

Cô của chồng Hạnh là người miền bắc, có chồng nhưng lục đục không hạnh phúc. Ông chồng suốt ngày cờ bạc, rượu chè và la mắng cô. Chán cảnh cãi vã hàng ngày nên khi nghe chồng Hạnh đề nghị vậy, cô khăn gói vào Nam ngay. Cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống, công việc, bé Na cũng ngày càng quý mến bà. Hai vợ chồng Hạnh thở phào nhẹ nhõm. Cả hai yên tâm lao vào công việc, giao hẳn nhà cửa và bé Na cho bà trông.

Dạo gần đây, Hạnh thấy cô có vẻ cáu gắt, khó chịu. Hỏi ra mới biết ông chồng sau khi nghe tin vợ vào nhà thằng cháu thì cũng theo vào. Ông tá túc nhà bà con gần đó và tiếp tục rượu chè, cờ bạc. Hết tiền thì ghé ngửa tay đòi tiền vợ trắng trợn. Tuyệt nhiên không ghé lúc có mặt vợ chồng Hạnh. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, cáu quá, cô chửi toàn những từ khó nghe. Bé Na nghe riết thành quen, từ đó, khi buồn lôi con búp bê ra chửi đúng như cách mà bà từng chửi chồng, không sai một li.

Giao con cho o-sin

(Ảnh minh hoạ)

Bé có bị ảnh hưởng từ người giúp việc?

Một số bà mẹ khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của bé đối với người giúp việc, câu trả lời là có. Thậm chí có người còn khẳng định bé ảnh hưởng 100% từ tính cách đến giọng nói, ngôn ngữ hay dùng thường ngày. Điều này cũng dễ hiểu vì ngoài thời gian ở trường, bé tiếp xúc với người giúp việc là chính. Vì vậy, việc tuyển người giúp việc ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Chị Kim (Q. Tân Phú) tâm sự về vấn đề này như sau. Chị thuê một ôsin ở tận Hưng Yên. Bé nhà chị đang tuổi tập nói nên hầu như phát âm sai chữ N thành L và ngược lại. Đến khi chị phát hiện ra thì đã rất khó đổi. Chị tá hỏa vì không ngờ mức độ ảnh hưởng của con lại nghiêm trọng như thế. Chẳng lẽ lại thay người giúp việc trong khi mọi thứ đang rất suôn sẻ như thế?

Chị Hải (Q.4) thì kêu trời khi con đột nhiên dùng những ngôn từ hết sức thô tục và còn tỏ ra thích thú. Chị rất “dị ứng” với những ngôn từ đó nên buộc lòng phải thay đổi người giúp việc kẻo ngôn từ đó ăn sâu vào đầu con thì không “gỡ” ra được. “Mình thuê họ về làm, chứ không phải để uốn nắn, giáo dục như một đứa trẻ. Vả lại, điều đó cũng không thể. Nếu may mắn tìm được ôsin có chút văn hóa, đạo đức tốt thì cũng đỡ cho con. Nhưng nghĩ lại, những người đó cũng ít khi đi làm ôsin. Hình ảnh ôsin ngày nay khác xa với hình ảnh bà vú già của năm xưa rồi” – chị Hải tâm sự.

Người giúp việc có thể thay ba mẹ?

Chị Hạnh sau khi chứng kiến xong màn chửi rất chua ngoa của bé Na với búp bê, chị toát hết mồ hôi, tay chân bủn rủn. Trong khi bà cô đứng đang nấu ăn gần đó chỉ đứng cười. Quá choáng, chị chưa nghĩ ra được cách xử lý cho phù hợp thì ông xã chị về tới. Bao nhiêu nỗi lo lắng, bức xúc chị trút lên anh. Anh chồng bênh bà cô chằm chằm, thế là xảy ra xung đột, cãi nhau nảy lửa. Chị Hạnh vẫn quyết định cho bà cô nghỉ việc, trong khi anh chồng khăng khăng bảo không nghiêm trọng đến như vậy.

Đúng như chị Hải tâm sự, ngày nay, khó mà tìm được hình ảnh hiền lành, cần mẫn, yêu thương của ôsin như người vú ngày xưa. Ôsin của thời nay cũng trẻ măng, có khi vừa học hết cấp 3 ở quê là khăn gói lên thành phố kiếm việc. Vì vậy mà ít có kinh nghiệm. Đó là chưa kể, có những ôsin còn ham chơi, mê điện tử, lướt web đen… vô tình ảnh hưởng đến trẻ.

Ngày nay, nhu cầu tìm ôsin của từng gia đình cũng khó khăn hơn. Ôsin không đơn thuần là làm việc nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc trẻ nữa mà còn phải chú trọng đến vấn đề phát triển nhân cách của trẻ ở từng thời điểm. Tuy nhiên, đòi hỏi là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được người ưng ý. Có những trường hợp gia đình thay đổi ôsin đột ngột, gấp quá nên tìm đại một người thay thế. Không ngờ là bao nhiêu chuyện phát sinh sau đó.

Biết rằng, ôsin không thể thiếu trong những gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ hiện nay nhưng không phải vì thế mà cha mẹ giao hẳn việc chăm sóc bé cho người giúp việc. Ngay cả khi tìm được một ôsin như ý nhất thì cũng không thể thay thế ba mẹ làm việc này. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái. Người giúp việc chỉ nên là người giúp việc theo đúng nghĩa của từ này mà thôi.

Tags:

Bài viết liên quan