Bạn có đang thực sự mở lòng? Nếu chưa, bạn nên làm gì để thực sự mở lòng với những người xung quanh? Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang chưa thực sự mở lòng:
- Những cuộc nói chuyện của bạn thường khá nhàm chán. Bạn ngại đi sâu vào một vấn đề hay câu chuyện nào đó. Bởi điều này tạo cho bạn cảm giác an toàn, không sợ làm phật lòng người khác.
- Bạn loay hoay giữa một công việc và lối sống tẻ nhạt mà bạn chẳng lấy gì làm thích thú chỉ vì người khác cho rằng đây là một cuộc sống ổn định, và bạn thì không muốn làm họ thất vọng.
- Bạn không muốn bản thân trông quá nổi bật. Bạn cố tình sống cẩu thả, không quan tâm đến vẻ ngoài và không chăm sóc bản thân đúng đắn.
- Bạn không cảm thấy thoải mái khi phải chải chuốt, ăn diện.
- Bạn ngại giao tiếp, bắt chuyện với người lạ. Bạn thường né tránh ánh mắt, để tránh phải bắt đầu một câu chuyện xã giao với họ.
- Bạn sợ bị từ chối, dù đó chỉ là lời mời ai đó đi ăn, đi chơi bình thường. Từ đó, bạn cũng khép mình mà không dám kết nối với mọi người.
Tất cả những điều này cho thấy, bạn không thực sự có khả năng mở lòng. Việc không mở lòng đồng nghĩa với việc bạn không biết cách bộc bạch cảm xúc, ngại chia sẻ những suy nghĩ, hoặc những gánh nặng tâm lý với mọi người xung quanh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến bạn không mở lòng có thể bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình, bạn không được bố mẹ dạy cho cách thể hiện cảm xúc, bản thân bố mẹ bạn cũng không phải là người biết hoặc tạo điều kiện để bạn bộc lộ chính mình; có thể bạn đã trải qua một sang chấn tâm lý nào đó trong quá khứ, khiến bạn có thói quen che giấu cảm xúc, đè nén mọi thứ và không dám bày tỏ. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống tinh thần và xã hội của chính bạn. Bởi, mở lòng là nền tảng cốt lõi, giúp bạn có thể kết nối với những người xung quanh, từ đó có thêm những mối quan hệ xã hội, công việc hay hẹn hò thú vị.
Vậy làm thế nào để mở lòng?
Thực tế, việc mở lòng không quá phức tạp như bạn nghĩ. Nó đơn thuần là việc bạn có đang cảm thấy thoải mái để chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của bản thân với người khác, mà không ngại việc bị họ phán xét hay suy nghĩ sai về mình hay không.
Mở lòng đồng nghĩa với việc, bạn phải chấp nhận đối mặt với sự từ chối, với sự bất đồng quan điểm; phải hiểu một cách sâu sắc rằng không phải lúc nào việc chia sẻ cũng mang lại sự đồng điệu như bạn mong muốn. Chỉ khi bạn chấp nhận sự khác biệt và dám đón nhận những rủi ro đó, bạn mới thực sự mở lòng.
Thừa nhận khuyết điểm của bản thân
Có thể nói, đây là một biểu hiện của sự dũng cảm, khi dám đối diện với những điều không tốt của bản thân, và mang nó ra chia sẻ với người xung quanh. Với một người dám thừa nhận những khuyết điểm của chính mình, bạn có thể sẽ tôn trọng người đó nhiều hơn.
Nếu bạn thực sự dở trong việc học ngoại ngữ, hay thừa nhận và xin lời khuyên từ bạn bè để có thể làm tốt hơn; nếu nấu ăn không phải là sở trường của bạn, đừng cố che dấu mà hãy học công thức “nữ công gia chánh” từ những cô bạn đảm đang xung quanh mình…Khi bạn mở lòng, bạn sẽ tự giải thoát cho chính mình, đến gần hơn với mọi người, cho họ thấy rõ con người thật của bạn hơn. Từ đó dễ dàng kết nối và cùng nhau tốt lên hơn. Hãy nhớ rằng, đừng cố gắng trở thành ai đó, hoặc một thứ gì đó đó không phải mình.
Hãy biết chịu trách nhiệm.
Đây chính là cách để bạn làm chủ giải pháp. Bởi khi đổ lỗi cho ai đấy không phải mình, có nghĩa là bạn đang trao cho họ quyền kiểm soát và sự thật là bạn chẳng thể nào điều khiển được mọi người xung quanh mình. Việc thừa nhận lỗi sai, cho thấy bạn không sợ hãi hay hoang mang bởi những áp lực từ bên ngoài. Thay vào đó, bạn chấp nhận thực tế, dám nhìn vào bên trong và nỗ lực để giải quyết vấn đề mình đang gặp phải. Và khi bạn nói ra rằng: “Tôi đang có vấn đề. Tôi thực sự không hoàn hảo và điều đó thì có sao nào. Tôi sẽ đối mặt, và tìm cách giải quyết nó” với người khác, nghĩa là bạn đã thực sự mở lòng với họ và với chính mình. Bạn không còn lảng tránh, hay lẩn trốn nữa.
Cho người khác biết rằng họ đang khiến bạn bị tổn thương
Đừng cố tỏ ra mạnh mẽ khi bạn thực sự không ổn. Đừng cố gồng mình lên để che đậy sự yếu ớt bên trong. Điều bạn cần làm là nói ra những gì bạn nghĩ, mà không ngại làm mất lòng người khác.
Hãy “dám bị ghét”, hãy thẳng thắn chia sẻ để đối phương hiểu rằng những lời bông đùa của họ với bạn thật sự quá đáng; hãy thẳng thắn góp ý khi họ đang không lịch sự và đối xử thiếu công bằng với bạn. Việc nói thật những gì mình nghĩ, có thể sẽ khiến họ thay đổi, và từ đó thấu hiểu bạn hơn; hoặc nếu không, ít nhất họ cũng không được sự phản kháng của bạn mà dừng lại những hành động không tốt ấy. Khi bạn sống đúng với cảm xúc của mình, ra sức bảo vệ nó, nghĩa là bạn đang mở lòng.
Cuối cùng, hãy thường xuyên nói những lời yêu thương, trân trọng và cảm ơn đối với những người bạn yêu quý. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là hình thái cao nhất của việc mở lòng và cũng là điều mà chúng ta thường không quá coi trọng. Việc chia sẻ, bày tỏ sự yêu thích của mình với một ai đó, nghĩa là bạn đang mở lòng cho họ thấy suy nghĩ thật của bạn. Điều này không chỉ giúp chữa lành chính bạn, mà còn khiến cho mọi mối quan hệ trở nên xích lại gần nhau hơn.