Mẹ và Con - Sau khi mổ để cắt bỏ tử cung, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và hơi đau ở vị trí vết mổ. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ dễ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn khi không biết mổ cắt tử cung xong có còn khả năng mang thai hay không...

Làm mẹ là thiên chức, niềm vui của người phụ nữ sau khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Vì thế, việc sau khi mổ cắt tử cung có còn khả năng mang thai hay không là điều mà rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Nếu có thể mang thai thì khả năng đậu thai là bao nhiêu, liệu nguy cơ sảy thai có cao hay không?

Mổ cắt tử cung để loại bỏ phần tử cung ra khỏi cơ thể là một phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị một số tình trạng bệnh lý. Đây là một phương pháp can thiệp xâm lấn, tác động trực tiếp đến cơ thể của người phụ nữ và tạo ra những thay đổi đáng kể.

Phẫu thuật mổ cắt tử cung là gì?

Tử cung là bộ phận đặc biệt quan trọng trong cơ thể người phụ nữ. Bên trong tử cung có chứa trứng để trứng có thể gặp tinh trùng, thụ tinh và phát triển, hình thành và nuôi dưỡng thai nhi. Nhìn chung, tử cung là bộ phận có chức năng hỗ trợ sinh sản.

Mổ cắt tử cung là một dạng phẫu thuật cắt bỏ tử cung (có thể chỉ loại bỏ tử cung hoặc loại bỏ luôn cả tử cung và cổ tử cung). Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ bệnh mà bác sĩ có thể cân nhắc đến việc chỉ định mổ để loại bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng.

mổ cắt tử cung

Các trường hợp cần được chỉ định mổ cắt tử cung

Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể cân nhắc việc chỉ định bệnh nhân mổ cắt tử cung. Thông thường, việc phẫu thuật tử cung sẽ được thực hiện khi bệnh nhân mắc các bệnh lý sau đây:

  • Ung thư tử cung hoặc cổ tử cung
  • U xơ tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Sa tử cung
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau vùng chậu mãn tính

Có mấy hình thức mổ cắt tử cung?

Hiện nay, có 4 hình thức mổ cắt tử cung là:

Phẫu thuật cắt tử cung qua vết mổ ở bụng

Bệnh nhân có khối u trong tử cung lớn hoặc ung thư tử cung sẽ được bác sĩ chỉ định mổ cắt tử cung qua vết mổ ở bụng. Vết mổ sẽ to khoảng 10cm nhằm đưa tử cung ra ngoài qua vết rạch này.

Mổ cắt tử cung qua vết mổ ở bụng sẽ gây đau đớn, thời gian phục hồi chậm, có vết sẹo trên bụng gây mất thẩm mỹ nên ít được sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật này khá cao so với các phương pháp khác vì có thể quan sát được tử cung và các bộ phận xung quanh trong quá trình mổ.

mổ cắt tử cung qua ổ bụng

Mổ cắt tử cung qua đường âm đạo

Mổ cắt tử cung có thể được thực hiện theo đường âm đạo, không để lại sẹo và cũng ít gây mất máu hơn so với mổ qua đường bụng. Do đó, phẫu thuật cắt bỏ tử cung theo hình thức này có thể giúp hạn chế được tai biến sau mổ, chẳng hạn như nhiễm trùng máu, rối loạn đông chảy máu,…

Mổ cắt tử cung nội soi

Nếu phương pháp mổ cắt tử cung qua đường bụng hoặc âm đạo là phương pháp truyền thống thì mổ cắt tử cung nội soi là phương pháp hiện đại hơn để thay thế. Khi thực hiện thủ thuật ngoại khoa này, các bác sĩ sẽ thông qua thành bụng để đưa các dụng cụ vào trong ổ bụng và loại bỏ tử cung.

So với hai phương pháp trên thì mổ cắt tử cung nội soi được áp dụng rộng rãi hơn vì có tính thẩm mỹ cao, hạn chế để lại sẹo, thời gian hồi phục nhanh, nguy cơ có biến chứng sau mổ thấp.

Phẫu thuật bằng robot

Một phương pháp phẫu thuật nâng cao khác chính là nội soi có sự hỗ trợ của robot. Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi qua thành bụng thông qua việc điều khiển robot để từng bước thao tác phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau khi mổ cắt tử cung thì có mang thai được hay không?

Rất nhiều bệnh nhân sau khi được chỉ định mổ cắt tử cung quan tâm đến vấn đề sau khi phẫu thuật thì còn có khả năng mang thai hay không.

Vì tử cung là bộ phận “phụ trách” việc sinh sản nên sau khi cắt bỏ phần tử cung này (dù có loại bỏ cổ tử cung hay không) thì phụ nữ vẫn hoàn toàn mất khả năng sinh sản, không còn thiên chức làm mẹ nữa. Đây là một điều tác động mạnh đến tâm lý của người bệnh, đặc biệt là những người chưa từng sinh nở hoặc đang có dự định mang thai lần tiếp theo.

mang thai sau khi mổ

Thông thường, nếu bệnh nhân bị ung thư tử cung hoặc cổ tử cung, việc mổ cắt tử cung gần như là phương pháp tối ưu để có thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, với một số bệnh lý khác, các bác sĩ có thể cân nhắc việc lựa chọn phương pháp điều trị và chỉ chỉ định phẫu thuật loại bỏ tử cung trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với các phương pháp chữa bệnh khác.

Các di chứng có thể gặp phải sau khi mổ cắt tử cung

Sau khi phục hồi, bệnh nhân từng được chỉ định phẫu thuật loại bỏ tử cung (và cổ tử cung) có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì có thể cải thiện được tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, cảm giác đau chướng bụng hoặc đau vùng chậu.

Nhờ đó, người bệnh có thể có cuộc sống thoải mái hơn, tăng cảm xúc khi “yêu” và giúp cải thiện chất lượng, tần suất quan hệ, gia tăng tình cảm vợ chồng và giúp cuộc sống hôn nhân thêm mặn nồng. Tuy nhiên, bên cạnh một số lợi ích có được, bệnh nhân từng mổ cắt tử cung cũng có thể phải đối diện với một số di chứng như:

  • Các vấn đề về tâm lý: Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy buồn rầu vì không còn khả năng mang thai và sinh con. Điều này có thể khiến bệnh nhân gặp các vấn đề về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm nếu không được gia đình, người thân cảm thông, chia sẻ.
  • Trải qua cảm giác như thời kỳ mãn kinh: Với những người chưa trải qua thời kỳ mãn kinh, bạn có thể bắt đầu có một số triệu chứng như cáu gắt, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo, không còn hứng thú với việc quan hệ tình dục nữa.

Cần làm gì để nhanh hồi phục sau khi mổ cắt tử cung?

Sau khi cắt tử cung, cần ở lại bệnh viện khoảng 3-6 ngày để theo dõi vết mổ và tình hình phục hồi. Nếu bệnh nhân phục hồi tốt, bác sĩ sẽ cho phép về và tự theo dõi tại nhà.

Sau khi về nhà, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau củ quả để hạn chế táo bón
  • Nghỉ ngơi nhiều, không vận động mạnh, không dùng tay để nhấc các vật nặng
  • Có thể đi bộ nhẹ nhàng sau khi mổ nhưng nên tránh tập thể dục, chạy bộ
  • Không quan hệ tình dục khi vết thương chưa lành hẳn và hết tiết dịch âm đạo (khoảng 4-6 tuần)
  • Không đứng quá nhiều
  • Có thể cân nhắc, tham khảo ý kiến bác sĩ việc sử dụng thêm một số loại thuốc giảm đau

Mổ cắt tử cung là một phương pháp phẫu thuật được chỉ định để điều trị một số bệnh lý ở giai đoạn nặng. Sau khi mổ, người phụ nữ sẽ hoàn toàn mất đi khả năng mang thai và sinh con. Do đó, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ về các ý định và nguyện vọng của mình trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nhé!

 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.