Trẻ sơ sinh hay nấc do đâu?
Trong thực tế, nấc là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh, thường gặp nhất là với trẻ dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành. Vị trí của cơ hoành nằm giữa ngực và bụng, đóng vai trò quan trọng trong việc thở. Khi cơ hoành co thắt, dây âm thanh đóng lại nhanh chóng tạo ra âm thanh đặc biệt chính là nấc cụt.
Bé có thể gặp hiện tượng nấc cụt sau khi bú hoặc ngay lúc bú. Bé bị vài lần trong ngày và thường không gây hại gì. Tuy nhiên, đôi lúc nấc nhiều sẽ khiến bé mệt, thở dốc hoặc nôn trớ. Vì vậy, tìm hiểu cách xử lý trẻ sơ sinh bị nấc cũng cần thiết cho các mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh rất hay bị nấc. (Ảnh minh họa)
Làm gì khi trẻ sơ sinh hay bị nấc?
Bịt nhẹ hai lỗ tai bé
Khi con nấc, mẹ có thể dùng hai ngón tay trỏ bịt hai lỗ tai của bé tầm 30 giây rồi thả ra, lặp lại 2 – 3 lần. Bằng cách này, bé sẽ giảm nấc nhanh chóng. Mẹ lưu ý bịt lỗ tai bé nhẹ nhàng, tránh dùng quá nhiều lực khiến con bị đau.
Massage lưng bé
Massage lưng cũng là bí quyết xử lý trẻ sơ sinh bị nấc hiệu quả. Mẹ đặt bé ở tư thế ngồi thẳng và dùng tay xoa nhẹ nhàng theo hình vòng tròn trên lưng bé hoặc từ dưới lên vai. Mẹ thực hiện trong vòng vài phút, cơn nấc của con sẽ biến mất dần.
Ngoài cách xoa lưng, mẹ cũng có thể xoa bụng bé. Những động tác massge này sẽ giúp cơ hoành giảm co thắt, nhờ đó “tạm biệt” được nấc cụt nhanh chóng.
Bóp mũi của bé
Bóp kín mũi của bé là mẹo dân gian được truyền lại cũng khá hiệu quả trong việc chữa nấc cho trẻ sơ sinh. Mẹ thực hiện bằng cách dùng đồng thời ngón trỏ và ngón cái bóp hai cánh mũi bé trong vòng 2-3 giây. Sau đó, mẹ thả ra 2-3 giây và tiếp tục thực hiện tương tự khoảng 15-20 lần. Mẹo dân gian này sẽ giúp khí thừa từ thực quản bé thoát ra ngoài, làm cơn nấc tan biến.
Cho bé uống sữa hoặc nước
Với các bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể trị nấc cho con bằng cách cho bé uống sữa từ từ, từng chút một. Các bé lớn hơn đã biết ăn dặm, mẹ có thể thay thế sữa bằng nước lọc. Mẹ cho con uống khoảng 100ml nước lọc một cách chậm rãi mỗi khi con có hiện tượng nấc.
Cho bé nếm đường
Mẹ cho một chút đường lên lưỡi của bé, để bé ngậm trong khoảng vài phút. Vị ngọt của đường sẽ giúp đánh lừa hệ thần kinh thực quản, giúp con thoát khỏi nấc cụt. Tuy nhiên, biện pháp xử lý trẻ sơ sinh bị nấc này chỉ nên áp dụng với các bé đủ 2 tuổi trở lên.