Mẹ&Con – Rôm sảy ở trẻ là một loại bệnh da liễu, tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng mắc bệnh rôm sảy sẽ khiến cho bé có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu không dứt. Vậy làm thế nào để trị rôm sảy cho bé vừa nhanh chóng, vừa đơn giản mà đạt hiểu quả cao?

Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị rôm sảy nhất bởi tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Nhiều trường hợp trẻ bị rôm sảy ngay trong tuần đầu sau khi sinh, nguyên nhân chủ yếu do mặc quá nhiều quần áo, nhiệt độ cơ thể bé chưa thích nghi với thời tiết hoặc do trẻ được ủ ấm trong lồng kính…

Nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi thấy con quấy khóc vì ngứa ngáy, đau rát mà không biết phải làm như thế nào. Hiểu được nỗi lo của mẹ, Mẹ&Con xin chia sẻ những mẹo dân gian trị rôm sảy cho bé tại nhà mà không cần dùng thuốc. Mẹ hãy tham khảo để giúp bé yêu luôn khỏe mạnh nhé!

1. Rau diếp cá

Rau diếp cá hay còn được gọi với cái tên khác là rau dấp cá. Đây là một trong những loại rau có tính mát và có công dụng rất tốt trong việc chăm sóc sức khỏe. Theo Đông y, diếp cá là cây thảo, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, sát trùng. Ngoài ra, diếp cá còn có tác dụng ức chế thần kinh và chống viêm loét.

Ngoài việc dùng làm gia vị, rau diếp cá còn được nhiều người sử dụng để điều trị một số loại bệnh như: Trĩ, táo bón, sởi, mề đay, đau mắt đỏ, viêm ruột, viêm phủ màng phổi, sỏi thận… Với công dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, kháng viêm… nhiều mẹ đã sử dụng rau diếp cá để trị rôm sảy cho bé và đem lại kết quả khả quan. Rất đơn giản, mẹ chỉ cần chuẩn bị một nắm rau diếp cá và rửa thật sạch, giã nhuyễn hoặc vò nát, vắt lấy nước và bỏ phần bã sau đó pha với nước ấm và tắm cho bé.

          Lưu ý:

  • Mẹ tránh chà sát mạnh vào những vùng bị rôm sảy, điều này dễ gây trầy xước và tránh bị nhiễm trùng da bé.
  • Tuyệt đối không được tắm cho bé khi da bé bị mụn mủ, trầy xước.
  • Nếu sau 2-3 lần tắm mà không có dấu hiệu cải thiện, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được điều trị.
  • Bất cứ loại lá nào khi tắm cho bé cũng chỉ tối đa 2 lần/tuần, vì chúng sẽ khiến cho da bé trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn.

2. Lá dâu tằm

Mẹo dân gian trị rôm sảy cho bé không cần thuốc (Phần 1) 4Lá dâu tằm là một phương pháp dân gian giúp trị rôm sảy cho bé (Ảnh minh họa)

Lá dâu tằm hay còn có tên gọi khác là lá tang diệp. Ngoài việc dùng làm thức ăn trong nghề nuôi tằm, lá dâu tằm còn có những lợi ích rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực y học và dược liệu. Theo Đông y, lá dâu tằm có tác dụng làm tản nhiệt, trừ phong, thanh lọc phổi, điều hòa gan, lọc máu cầm huyết, trị chóng mặt, nhức đầu, mắt đỏ mờ.

Với công dụng làm tản nhiệt, nhiều mẹ đã sử dụng lá dâu tằm để điều trị rôm sảy cho bé rất hiệu quả. Chỉ cần lấy 200 gam lá dâu tằm, rửa thật sạch rồi nấu với khoảng 5 lít nước. Khi nước nguội, mẹ vớt bỏ lá và tắm cho bé. Mẹ sẽ thấy bé hết rôm sảy sau vài lần tắm bằng lá dâu tằm.

Lưu ý:

  • Trong quá trình dùng lá dâu tằm hoặc bất cứ loại lá nào khác tắm cho con, mẹ đừng tùy tiện bôi thuốc trị rôm sảy song song lên da bé, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Hiệu quả trị rôm sảy bằng lá dâu tằm còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bé. Mẹ nên thử trước bằng cách bôi một lượng nhỏ vào tay và để trong vòng 30 phút xem bé có bị kích ứng hay không nhé.
  • Sau khi tắm lá dâu tằm, mẹ hãy tắm lại cho bé bằng sữa tắm chuyên dụng để tránh lượng bột của lá đọng lại trên da, gây nhiễm khuẩn.
  • Nếu sau 2 – 3 lần tắm, tình trạng rôm sảy của bé không cải thiện hoặc có biểu hiện bất thường, mẹ nên ngừng ngay và đưa bé đến bệnh viện để theo dõi, điều trị.

3. Lá tía tô

Ngoài tác dụng làm gia vị trong món ăn, lá tía tô còn là một dược liệu rất quý trong việc điều trị một số loại bệnh như sốt, ho, rôm sảy ở trẻ. Theo Đông y, lá tía tô được xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, trị bệnh bằng cách cho ra mồ hôi. Bên cạnh đó, tía tô còn giúp giải nhiệt, làm mát rất tốt, có tác dụng trị rôm sảy cho bé hiệu quả, an toàn và không gây kích ứng da.

Với lá tía tô, mẹ nên rửa thật sạch, cho vào cối và giã nát. Tiếp đến lấy nước cốt bôi lên chỗ bị rôm sảy trên da bé vài lần mỗi ngày, để khoảng 10 – 15 phút cho khô rồi tắm hoặc lau lại cho bé bằng nước ấm.

          Lưu ý:

  • Mẹ phải chắc chắn da bé không thuộc loại da nhạy cảm mới có thể cho bé tắm bằng lá tía tô.
  • Nên vắt thêm chanh vào nước tắm để sát trùng da cho bé.
  • Không tắm lá tía tô cho bé khi bé đang mắc bệnh ngoài da như viêm da, ghẻ lở, trầy xước da… để tránh nhiễm trùng da bé.

4. Lá kinh giới

Mẹo dân gian trị rôm sảy cho bé không cần thuốc (Phần 1) 5Lá kinh giới trị rôm sảy cho trẻ rất hiệu quả (Ảnh minh họa)

Lá kinh giới có tính ẩm, vị cay và khoảng 1% tinh dầu cùng các hoạt chất sinh học khác, có tác dụng điều trị bệnh. Theo Đông y, kinh giới có tác dụng tiêu độc, cầm máu, làm sạch da, sát khuẩn tốt. Theo khinh nghiệm dân gian, kinh giới để tươi nấu nước uống và tắm cho trẻ sơ sinh hằng ngày sẽ tránh mẩn ngứa, mụn nhọt và đặc biệt là rôm sảy.

Để trị rôm sảy cho bé bằng kinh giới, mẹ có thể đun lên, pha với nước tắm cho bé. Đầu tiên, mẹ nhặt lá rau kinh giới và rửa sạch sau đó xay ra thành nước để tắm. Ngoài cách tắm, mẹ có thể xắt lá kinh giới và nấu cho bé uống. Không những trị rôm sảy cho bé mà cách này còn phòng ho và cảm cúm hiệu quả.

          Lưu ý:

  • Mẹ chỉ tắm thông thường, lau nhẹ cho bé. Không được lấy xác lá chà sát lên vùng da bị rôm sảy sẽ khiến da bé thêm đỏ và ngứa.
  • Khi da bé đã trầy xước và mưng mủ thì không được tắm dù là bất kỳ loại lá nào.
  • Mẹ chỉ tắm cho bé khi con thật sự bị rôm sảy. Nếu da bé khỏe mạnh thì chỉ tắm với sữa tắm dành riêng cho trẻ em là đủ.

Việc trẻ bị rôm sảy chủ yếu là do cơ thể nóng. Vì thế, ngoài việc tắm bằng các phương pháp  dân gian như trên, mẹ cần chú ý bổ sung cho bé các loại hoa quả có nhiều vitamin C như: Cam, quýt, bưởi…

Các loại nước giải khát thanh nhiệt như: Rau má, nước chanh, mía lau, atiso… hoặc ăn các loại chè, cháo nấu bằng các loại đậu như: Đậu xanh nguyên vỏ, đậu đỏ, đậu đen… cũng rất tốt nhưng khi cho bé uống, mẹ chỉ nên cho ít đường hoặc không đường càng tốt.

Trên đây là một số loại lá tắm trị rôm sảy cho bé mà Mẹ&Con đã giới thiệu đến bạn. Hãy theo dõi tiếp phần 2 để cập nhật thêm những thông tin hữu ích hơn mẹ nhé!

Quỳnh Thư

Bài viết liên quan