Sau khi đã lấy côn trùng và phần vòi, kim… còn lại ra khỏi da, bạn nhất thiết phải sát trùng vết thương ngay cho bé. (Ảnh minh họa)
Bước 1: Nếu côn trùng vẫn còn đậu, bám trên da…
Bạn cần gỡ chúng ra. Tuy nhiên, đừng dại dột mà đập cái bẹp cho côn trùng chết hay nắm lấy con côn trùng, ra sức… kéo chúng khỏi da bé. Việc đập chết côn trùng ngay trên da có thể vô tình giúp chất độc từ chúng tiếp xúc nhiều hơn với da. Còn giật mạnh côn trùng ra thì răng chúng có thể vẫn dính lại trong da thịt, gây nhiễm tùng hoặc biến chứng nguy hiểm hơn.
Dùng một chiếc que nhỏ hay vật dụng khác (không tiếp xúc trực tiếp bằng tay) hất côn trùng ra khỏi da bé. Nếu trường hợp chúng bám chặt vào da, nên sử dụng lửa (từ hộp quẹt, điếu thuốc…) hơ nhẹ. Lửa thường có tác dụng bắt hầu hết các con côn trùng phải “bỏ của chạy lấy người”, nhả ngay bé ra. Nhớ cẩn thận trong việc hơ lửa kẻo làm bé phỏng. Ngoài ra, một số côn trùng rất sợ cồn, dầu nóng, nước bọt… Nếu sẵn có những thứ này và có kinh nghiệm với việc côn trùng nào sợ cái gì, bạn có thể áp dụng thử.
Bước 2: Lấy những “vật thể” còn lại từ côn trùng ra khỏi da
Không nên để nguyên vết thương và lập tức sát trùng. Bạn chỉ cần bình tĩnh kiểm tra lại, nếu còn những chiếc vòi bé xíu (của ong) hay các sợi lông tơ của sâu bọ còn vương lại, cần nhẹ nhàng nhổ hoặc kéo sạch hết chúng ra trước khi chúng gây ảnh hưởng nặng hơn.
Bạn nên:
Dùng nhíp hoặc móng tay, kim… để lể thật nhẹ nhàng những “vật thể” còn sót lại này. Lưu ý, phải rửa sạch vật dụng, tay trước khi làm và phải làm thật từ tốn, nhẹ nhàng, nếu không bạn rất khó lòng rút được một chiếc “kim” bé xíu của con ong còn sót lại trên da bé.
Bước 3: Sát trùng vết thương
Việc rửa sạch vết thương sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì vậy, sau khi đã lấy côn trùng và phần vòi, kim… còn lại ra khỏi da, bạn nhất thiết phải sát trùng vết thương ngay cho bé.
Bạn nên:
Để vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Có thể dùng ngón tay bấm nhẹ vào vòi nước để đảm bảo lực nước xịt ra có áp lực cao. Rửa đi rửa lại nhiều lần như thế bằng nước sạch. Sau đó, có thể dùng alcol, oxy già hay các thuốc sát trùng khác để sát trùng vết thương. Nên làm việc này càng nhanh càng tốt. Sau khi hoàn tất, có thể dùng gạc sạch băng vết thương lại.
Bước 4: Đưa bé đến bác sĩ nếu như…
Nếu vết thương của con không quá nghiêm trọng, bé chỉ bị ngứa, sưng nhẹ, bạn có thể tự chăm sóc bé tại nhà. Nên dặn con không được gài, cào vết thương. Nếu bé vẫn quá ngứa, bạn có thể dùng một cục nước đá xoa xung quanh vết đốt, cắn khoảng vài phút. Sau đó băng lại bằng gạc sạch hoặc để thoáng bên ngoài (nếu vết thương không chảy máu). Mỗi ngày nên rửa vết cắn, đốt bằng nước muối pha thật loãng vài lần.
Bạn nên:
Đưa bé đến khám bác sĩ nếu như vết thương vẫn đau rát nhiều, ngứa nhiều, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, bé có dấu hiệu sốt, khó thở, mặt sưng lên… Chú ý là tuyệt đối không dùng bất cứ loại lá cây, bã trầu hay thứ gì khác đắp lên vết thương, dễ gây nhiễm trùng nặng thêm.
Tại sao khi bị côn trùng cắn đốt, bố mẹ cần nhắc nhở không cho bé gãi?
Vì việc cố gãi sẽ làm cho da bị tổn thương, trầy xước nhiều hơn. Tại vùng da bị tổn thương, vi trùng có thể xâm nhập vào gây nhiễm trùng. Một số trẻ, từ vết thương ban đầu không quá nghiêm trọng nhưng do gãi thường xuyên, liên tục, vết thương bắt đầu càng lúc càng sưng đỏ, để lại các vết sẹo xấu trên da, sau này điều trị để mất sẹo rất khó khăn. Nếu bé quá ngứa, bạn chỉ nên bọc một viên nước đá vào trong miếng gạc sạch, chà quanh vết cắn cho bé đỡ ngứa.