Mẹ bầu khóc nhiều khi mang thai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bé? Liệu những ảnh hưởng này có nghiêm trọng hay không? Phải làm sao để giữ cho tâm trạng của mẹ được vui vẻ? Cùng Tạp chí Mẹ và Con giải mã ngay thắc mắc này, bạn nhé!
Nguyên nhân mẹ khóc nhiều khi mang thai?
Khi mang thai, tâm lý của mẹ thường thay đổi thất thường dẫn đến tình trạng mẹ dễ khóc hơn. Có thể chia các nguyên nhân mẹ khóc nhiều khi mang thai theo từng giai đoạn của thai kỳ:
Ba tháng đầu thai kỳ
Việc khóc trong tam cá nguyệt đầu tiên (ba tháng đầu thai kỳ) là điều vô cùng dễ hiểu. Những tháng đầu khi mới mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể mẹ sẽ thay đổi đáng kể. Cụ thể, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể của mẹ lúc này sẽ rất cao, dẫn đến các thay đổi về mặt tâm trạng, cảm xúc, khiến mẹ dễ cảm thấy tủi thân, buồn bã,…
Bên cạnh sự thay đổi về mặt sinh lý thì tâm lý của mẹ trong 3 tháng đầu tiên cũng ảnh hưởng đến việc mẹ thường xuyên khóc nhiều khi mang thai. Khi biết tin mình sắp chào đón thiên thần nhỏ, mẹ có thể cực kỳ vui sướng hoặc vô cùng lo lắng, sợ mình không lo được cho con, sợ có điều gì xảy ra với con,… Hoặc có những người kết hợp cả hai tầng cảm xúc, vừa vui mừng lại vừa lo lắng. Tâm trạng thay đổi bất thường cũng khiến mẹ dễ xúc động hơn, dễ khóc hơn.
Với những người chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ, điển hình như các gia đình vừa có bé xong, đã áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng vẫn có thai hay các đôi vợ chồng mới cưới, chưa sẵn sàng cho việc làm bố, làm mẹ, tâm trạng lúc này sẽ hoảng loạn hơn và khiến mẹ dễ khóc nhiều khi mang thai hơn.
6 tháng giữa và cuối thai kỳ
Trong giai đoạn này, nồng độ hormone cũng có sự thay đổi. Tuy không nhiều như tam cá nguyệt đầu tiên nhưng nồng độ hormone tăng cao trong cơ thể cũng sẽ phần nào tác động đến tâm trạng của các mẹ bầu, khiến mẹ không vui. Do đó, một điểm bất thường nho nhỏ từ người khác như chồng lỡ quên không mua món ăn mà mẹ bầu thích cũng khiến mẹ cảm thấy tủi thân, nghĩ rằng chồng không quan tâm đến mình và… rơi nước mắt!
Hơn nữa, càng ở giai đoạn cuối thai kỳ, trước khi vượt cạn, mẹ sẽ càng lo lắng hơn các vấn đề như khi sinh có an toàn không, mẹ sinh thường hay sinh mổ, chuẩn bị đồ đi sinh đã đầy đủ chưa, sau khi sinh xong sẽ kiêng cử thế nào,… Tất tần tật 1001 điều lo lắng này có thể khiến mẹ dễ bị căng thẳng, stress dẫn đến tâm lý bất ổn. Vì thế, khóc nhiều khi mang thai cũng là lẽ thường tình trong lúc này.
Khóc nhiều khi mang thai có là bình thường?
Như Tạp chí Mẹ và Con đã chia sẻ phía trên, sẽ có vô vàn yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của mẹ bầu trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai. Điều này là một điều vô cùng bình thường. Mẹ cũng rất khó để có thể kiểm soát cảm xúc của mình trong lúc này.
Tuy nhiên, nếu mẹ khóc nhiều khi mang thai kèm theo một số biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, khó tập trung, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh kể cả những điều trước đây mẹ luôn yêu thích, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, nảy sinh ý định làm hại bản thân hoặc người khác, cho rằng mình vô giá trị hay mang cảm giác tội lỗi,… thì rất có thể, mẹ đang bị trầm cảm khi mang thai đấy nhé.
Trầm cảm khi mang thai có thể tự khỏi sau 2 tuần nếu mẹ chỉ có những dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chứng trầm cảm có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ sau sinh. Do đó, cần phát hiện và phân biệt khi nào mẹ khóc nhiều bình thường, khi nào mẹ đang trầm cảm để có thể kịp thời can thiệp, điều trị.
Mẹ bầu khóc nhiều tác động thế nào đến thai nhi?
Khóc nhiều khi mang thai tưởng chừng chỉ ảnh hưởng đến mẹ nhưng thực chất còn tác động rất lớn đến thai nhi. Một số ảnh hưởng phổ biến như:
Bé bị tự kỷ hoặc tăng động, chậm nói
Khi mẹ bị stress, căng thẳng và mệt mỏi trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra nhiều cortisol hơn. Lượng hormone này sẽ từ nhau thai đi vào cơ thể bé, để lại các hậu quả nghiêm trọng với thai nhi sau khi chào đời. Cụ thể, trẻ có sự gia tăng đột biến nồng độ cortisol bên trong cơ thể thường có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, dễ bị tăng động, tự kỷ hoặc chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói.
Bé bị trầm cảm
Khóc nhiều khi mang thai không chỉ khiến mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh mà còn khiến bé bị trầm cảm. Trẻ sinh ra sẽ dễ gặp phải các vấn đề trong việc bộc lộ cảm xúc của mình. Đặc biệt, trẻ sẽ dễ bị cảm thấy căng thẳng, áp lực trước những tình huống trong cuộc sống.
Ảnh hưởng đến tính cách của bé
Việc mẹ có khóc nhiều khi mang thai hay không cũng sẽ tác động một phần nào đến tính cách của trẻ sau khi lớn lên. Theo một số nghiên cứu hiện nay, trẻ được sinh ra khi mẹ luôn trong tâm trạng buồn bực cũng dễ có thái độ tiêu cực và ít hòa đồng với mọi người.
Đặc biệt, nếu mẹ không vui vẻ, thoải mái trong 9 tháng thai kỳ, sau khi sinh bé, mối quan hệ giữa hai mẹ con cũng không gắn kết như các gia đình khác.
Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi
Nếu mẹ khóc nhiều khi mang thai, lượng oxy đến thai nhi sẽ ít hơn lượng oxy cần. Về cơ bản, khi mẹ bầu khóc lượng oxy đến thai sẽ ít hơn bình thường. Điều này cộng với việc mẹ bầu chán ăn, bỏ bữa sẽ không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai khiến trẻ chậm phát triển.
Cách giảm thiểu tình trạng khóc nhiều khi mang thai
Để hạn chế các tác động đến thai nhi, mẹ nên giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Nếu cảm thấy áp lực, buồn chán trong giai đoạn mang thai, mẹ nên tìm bạn bè hoặc người thân để chia sẻ, tránh ở 1 mình khiến mẹ suy nghĩ nhiều hơn, dẫn đến tình trạng khóc nhiều khi mang thai.
Ngoài ra, nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ. Mẹ nên cố gắng duy trì các sở thích cá nhân của mình, tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, tránh thời gian nhàn rỗi quá nhiều. Nếu lo lắng cho thai kỳ, mẹ bầu có thể đọc các quyển sách thai giáo, xem phim, nghe nhạc để cải thiện tâm trạng cũng như tránh việc buồn bã, khóc nhiều khi mang thai làm ảnh hưởng tới bé yêu sau này.
Mang thai là một hành trình dài. Trong hành trình đó, sẽ có những lúc mẹ lo lắng hay không vui, cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, hãy cố gắng không khóc nhiều khi mang thai và giữ cho tâm trạng ổn định để vượt cạn nhẹ nhàng, bảo vệ sức khỏe con yêu khi con chào đời, mẹ nhé. Tạp chí Mẹ và Con mến chúc bạn mẹ tròn con vuông!