Mẹ Và Con – Đối với những chị em lần đầu làm mẹ, việc nắm rõ lịch tiêm ngừa cũng như những bệnh cần phải tiêm là một vấn đề hết sức “to tát”. Bài viết sau sẽ cung cấp cho các mẹ những thông tin cơ bản và cần thiết nhất về việc tiêm ngừa cho bé.

 Nhiều mẹ không muốn cho con tiêm ngừa vì: “Mấy lần cháu đi tiêm ngừa về phát sốt lên làm cả nhà sợ lắm!”. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những phản ứng phụ của việc tiêm ngừa, bạn không nên vì thế mà có tâm lý ngần ngại khi phòng bệnh cho con.

Tiem phong cho be 1

(Ảnh minh họa)

Tác dụng của tiêm ngừa                                                    

Tiêm ngừa là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả bằng cách đưa vắc xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh. Vắc xin là những chế phẩm được làm từ chính vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi, do đó vắc xin không có khả năng gây bệnh cho bé.

Khi tiêm phòng, bé sẽ được bảo vệ, không mắc phải những căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cho bé. Không những thế, tiêm phòng còn giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh bé không bị lây nhiễm căn bệnh đó.

Các bệnh cần tiêm ngừa

Nếu như trước kia đây là những bệnh phổ biến và gây nguy hiểm cho bé, thì nay nhờ tiêm ngừa, các bệnh này đã bị hạn chế rất nhiều:

Lao: Việc ngừa lao cho trẻ sơ sinh được thực hiện bằng cách tiêm vắc xin BCG ngay trong tuần đầu sau khi sinh. Thuốc được tiêm dưới da.

Phản ứng phụ: Bé có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ hoặc loét tại chỗ tiêm sau khi tiêm.

Bạch hầu, uốn ván, ho gà: Việc tiêm phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà được thực hiện cùng một lúc khi bé được 2 tháng tuổi. Vắc xin của các bệnh này được pha trộn chung. Bé được tiêm 8 liều cách nhau ít nhất 30 ngày. Liều thứ nhất khi bé được 2 tháng tuổi. Liều thứ hai khi bé được 3 tháng tuổi. Liều thứ ba trước khi bé được 12 tháng tuổi. Bé sẽ được tiêm nhắc lại 1 năm sau khi tiêm liều thứ ba. Thuốc có hiệu quả bảo vệ bé trong nhiều năm sau khi đã tiêm đủ liều.

Phản ứng phụ: Bé có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhức hoặc sốt 38 – 39 độ.

Bại liệt: Cùng với việc tiêm phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bé sẽ được uống thuốc phòng ngừa sốt bại liệt (vắc xin Sabin). Bé uống 3 lần vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để được bảo vệ khỏi căn bệnh nguy hiểm này trong 10 năm.

Phản ứng phụ: Sau khi uống thuốc ngừa, bé có thể bị nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy.

Sởi: Từ 9 tháng tuổi trở lên, bé được tiêm phòng bệnh sởi. Vắc xin ngừa bệnh sởi được tiêm một lần dưới da và có tác dụng bảo vệ trong nhiều năm.

Phản ứng phụ: Sau khi tiêm, bé có thể bị sưng đỏ, nổi mụn nước tại chỗ tiêm hoặc cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi và nhức đầu.

Viêm gan siêu vi B: Tiêm phòng 3 mũi vào lúc bé dưới 1 tháng tuổi, 2 và 4 tháng tuổi.

Phản ứng phụ: Hầu hết các vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B đều rất an toàn. Chỉ một số ít các trường hợp mới gặp các phản ứng phụ như sốt nhẹ, đau và hơi ngứa chỗ tiêm (thường hết sau 1 – 2 ngày), nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ sau khi tiêm. Đối với bé sinh ra nhẹ cân (ít hơn 1,5kg), bạn có thể chờ đến khi bé được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm ngừa viêm gan siêu vi B.

Các bệnh trên đều được tiêm phòng khi bé dưới 1 tuổi. Ngoài ra còn có các bệnh cần được tiêm phòng cho bé trong khoảng 1 – 10 tuổi như: viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn và một số bệnh khác như quai bị, trái rạ (hay còn gọi là thủy đậu), viêm màng não, cúm, v.v..

Những lưu ý mẹ nên nhớ

Trước khi cho bé tiêm ngừa, bạn nên báo cho nhân viên y tế biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của bé, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm ngừa và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Tốt hơn nữa, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé đi tiêm ngừa. Những lưu ý sau đây là hết sức quan trọng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bé yêu của bạn:

° Nếu cho bé tiêm ngừa hơn một loại vắc xin trong cùng thời điểm, bạn phải sử dụng riêng kim tiêm cho từng loại vắc xin. Mỗi loại vắc xin cần được tiêm ở những vị trí khác nhau, không được tiêm cùng một chỗ ở đùi hoặc tay.

tiem phong cho be 2

(Ảnh minh họa)

° Không tiêm hơn một liều của cùng một loại vắc xin cho bé trong một lần tiêm ngừa.

° Tiêm đúng thời gian dãn cách: 4 tuần là khoảng thời gian giữa các liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm gan siêu vi B.

° Bạn có thể đưa bé đi tiêm ngừa miễn phí các mũi bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế quận huyện.

“Chống chỉ định” tiêm ngừa

Để tránh những phản ứng phụ có thể gây nguy hại cho bé, bạn cũng “thuộc nằm lòng” những trường hợp “chống chỉ định” tiêm ngừa:

° Bé đang sốt, mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi, v.v.) hay đang trong thời kỳ hồi sức sau khi mắc các bệnh này; bé đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da.

° Bé mắc bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi và nhất là viêm thận mãn tính.

° Đối với tiêm ngừa lao, nên tránh cho các bé sinh non còn quá yếu, thiếu cân; các bé đang bị bệnh cấp tính; các bé đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển. Không nên tiêm cho bé bị viêm da có mủ, đang bị sốt trên 37,5 độ, bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai mũi họng, viêm phổi, vàng da, v.v.. Đối với tiêm ngừa sởi, bạn nên tránh cho các bé đang bị bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu), các bé đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Bác sĩ Bùi Xuân Vĩnh

Làm gì khi bé gặp phản ứng phụ?

Khi tiêm ngừa, bé có thể gặp các phản ứng phụ và hiếm hoi cũng có những trường hợp sốc thuốc khiến bạn hoang mang, nhưng nếu không tiêm ngừa thì khi bệnh, bé sẽ gặp nguy hiểm hơn rất nhiều so với những phản ứng do việc tiêm ngừa gây ra. Dưới đây là những điều bạn nên làm khi bé bị phản ứng phụ sau khi tiêm ngừa.

° Đối với những phản ứng nhẹ như sưng đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ, bạn có thể xử trí tại nhà bằng cách chườm lạnh chỗ tiêm.

° Đối với những phản ứng nặng hơn như sốt cao, co giật, tím tái, v.v., bạn phải đưa bé đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị thích hợp.

° Bạn nên theo dõi các phản ứng sau khi tiêm vắc xin. Nếu thấy bé có các triệu chứng như da tím tái, mệt, sốt cao, quấy khóc nhiều không dứt, bạn cần phải đưa bé đến ngay các cơ sở y tế gần nhất.

> Không nên bỏ qua chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Tags:

Bài viết liên quan