Mẹ&Con - Thể thao là một hình thức vận động giúp tăng cường sức khỏe, tránh béo phì. Tuy nhiên, không phải tất cả các bé đều phù hợp với những môn thể thao thông thường. Giúp bé vận động đúng cách là tiền đề quan trọng phát triển trí tuệ cho trẻ Thoải mái tối đa, giúp con vận động! Trẻ lười vận động

Cha mẹ cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý và thể trạng của con mình để giúp con lựa chọn môn thể thao phù hợp với khả năng, độ tuổi của bé để tránh những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình luyện tập.

Thể thao theo độ tuổi

* Từ 2 đến 5 tuổi

Ở tuổi này các bé đã nắm bắt được những chuyển động cơ bản nhưng chúng còn quá nhỏ để chơi các môn có tính tổ chức cao. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao không theo khuôn khổ nào là tốt nhất. Có thể chọn một số hoạt động gợi ý như chạy, leo trèo, tập đá chân lên, nhào lộn, nhảy múa, chơi đuổi bắt với bóng nhựa nhẹ, đạp xe ba bánh, chơi đùa dưới nước có sự giám sát của người lớn…Thời gian để các bé chơi thể thao cũng không quá dài, chỉ nên từ 30 phút trở lại, có thể cho bé chơi nhiều lần trong ngày.

*  Từ 6 đến 7 tuổi

Tuổi này bé đã có thể tập trung chú ý cao hơn, có khả năng kết nối và chơi tập thể. Chúng cũng hiểu và làm theo hướng dẫn nhanh hơn và đã nắm bắt được khái niệm chơi thể thao đồng đội. Hãy gợi ý con những môn thể thao sau: bóng đá mini, bóng chày (thay bằng quả bóng mềm), bóng chuyền, bơi lội, tennis, quần vợt, điền kinh, tập võ, thể dục dụng cụ, cầu mây, Aerobic…

Mẹ cần chú ý đến sinh lý và thể trạng của trẻ để chọn môn thể thao phù hợp 4

* Từ 8 tuổi trở lên

Từ 8 tuổi trở lên, bé hầu như đã có thể chơi được tất cả các môn thể thao có tính tương tác. Bé cũng có thể được rèn luyện thể lực dưới sự giám sát của người lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý đến sự phát triển hệ cơ xương của con xem có bình thường hay không để quyết định cho bé tham gia môn thể thao phù hợp nhất.

Các chấn thương thường gặp của trẻ

–          Hơn 90% các chấn thương trong khi chơi thể thao của trẻ là hệ vận động (cơ xương khớp). Thường gặp nhất là gãy xương dài.

–          Xương dài của trẻ có những đặc điểm khác biệt với người lớn. Đầu xương có nhân tạo xương gọi là sụn tiếp hợp, giúp cho xương dài ra liên tục cho đến khi trưởng thành. Quá trình này phát triển nhanh ở tuổi dậy thì. Lứa tuổi này trẻ hoạt động nhiều nên rất thường bị tổn thương sụn tiếp hợp.

  • Các loại tổn thương sụn tiếp hợp

–          Lún xẹp sụn tiếp hợp: do áp lực lớn đè từ trên xuống đột ngột(té cao), hoặc áp lực tích luỹ theo thời gian(tập nặng, gánh vác, tì đè…) thường sẽ gây hoại tử và cốt hóa sớm đầu xương dẫn đến tình trạng ngắn chi.

–          Bong sụn tiếp hợp: là loại sang chấn thường gặp nhất ở trẻ chơi thể thao. Thường xảy ra khi đang chạy bị té ngã, chống khuỷu tay. Nó có thể gây vẹo khớp khiến giới hạn sự vận động của trẻ. Với loại chấn thương này phải được tiến hành nắn khẩn cấp. Nếu làm kịp thời, trẻ có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng.

–          Dập nát sụn tiếp hợp: hiếm gặp. Nếu có thường ít có triệu chứng nên chỉ phát hiện khi đã thành di chứng. Nó dẫn đến sự rối loạn hoàn toàn việc phát triển xương khiến chi phát triển ngắn dài so le.

  • Các loại chấn thương khác

–          Gãy thân xương dài: đây là loại chấn thương dễ nắn, dễ lành, không để lại biến chứng vì xương trẻ em có tính dẻo dai hơn xương người lớn.

–          Trật khớp: nếu bị trật khớp phải tiến hành nắn khẩn cấp và cố định khớp một thời gian.

–          Bong gân: thường gặp nhất, dễ lành, cần nghỉ ngơi, chườm lạnh và ngưng hoạt động khớp đau trong 1-2 tuần. Tránh đắp thuốc hay xoa bóp các loại dầu nóng, lá cây…có thể làm tổn thương lớp da non của trẻ và gây viêm khớp hậu chấn thương.

–          Tổn thương cột sống cổ: những động tác chổng ngược đầu, té cắm đầu, hoặc mang vác nặng đều có thể làm tổn thương các dây chằng quanh cổ. Thường gặp là bán trật hoặc trật khớp đốt sống cổ trên cao gây ra chèn ép các dây thần kinh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tử vong do ngưng thở, yếu liệt hoặc tê tay chân.

Nguyên tắc trong việc chọn lựa môn thể thao cho trẻ

–          Tuyệt đối không lấy thành tích làm áp lực tâm lý cho trẻ. Cha mẹ nên nhớ thể thao chỉ là hình thức vận động để giúp con giữ gìn sức khoẻ và giữ được trạng thái tinh thần phấn chấn, sảng khoái. Vì vậy, trẻ chỉ chơi hết mình khi có lòng yêu thích môn thể thao đã chọn với tinh thần tự nguyện.

Mẹ cần chú ý đến sinh lý và thể trạng của trẻ để chọn môn thể thao phù hợp 5

–           Nên tránh chọn các môn thể thao quá sức với trẻ như boxing, cử tạ, nhảy vượt rào, phóng lao… Đó là những môn có tính chất thi đấu cao và cũng rất nhiều thách  thức mà trẻ không thể đáp ứng được và khá nguy hiểm.

Những điều cần lưu ý khi chọn môn thể thao cho con

–          Môn thể thao cá nhân ít bị chấn thương hơn thể thao tập thể, vì vậy chúng thích hợp với những đứa trẻ có thể trạng trung bình. Ngược lại, nếu con bạn có thể trạng và tinh thần tốt, nên khuyến khích chúng chọn những môn có tính phối hợp đồng đội, tuy những môn này thường gặp chấn thương nhưng lại giúp con bạn phát triển thể chất tốt hơn, cứng cáp hơn, có tinh thần đoàn kết và kỉ luật hơn.

–          Hãy cho trẻ biết việc tuân thủ các hướng dẫn của huấn luyện viên và các quy định nghiêm ngặt của luật chơi sẽ giúp trẻ ít va chạm và tránh được những chấn thương.

–          Những môn thể thao thi đấu thì chiến thắng là cái đích xứng đáng nhất để trẻ phấn đấu. Vì vậy khi lựa chọn các môn này, cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt tới trẻ nhằm động viên con. Đối với những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt với một môn thể thao thi đấu nào đó, nên có một chế độ luyện tập riêng để trẻ phát triển toàn diện và chuyên sâu.

–          Huấn luyện viên bảo đảm cho trẻ về vấn đề thể lực và lỹ thuật. Cha mẹ là người đóng vai trò chỗ dựa tinh thần. Nếu được sự phối hợp nhịp nhàng của hai bên, trẻ sẽ có cảm giác yên tâm luyên tập và thi đấu tốt nhất. 

 

Tags:

Bài viết liên quan