Bệnh tự miễn là gì?
Bệnh tự miễn là một bệnh mạn tính liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể. Tự miễn tức là tự tạo ra miễn dịch với chính mình, do đó bệnh tự miễn là bệnh mà cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào của mình, từ đó dẫn đến hậu quả là tự mình hủy hoại mình. Bệnh tự miễn là bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và có thể gây ra những biến chứng nặng.
(Ảnh minh họa)
Giải thích một cách đơn giản hơn, nôm na hơn, bạn có thể hình dung hệ miễn dịch giống như những lính canh cần mẫn đêm ngày bảo vệ cơ thể của con người, không cho những tác nhân lạ bên ngoài như vi khuẩn, vi rút… tấn công. Khi có tác nhân lạ tấn công, hệ thống miễn dịch liền “chiến đấu” đến cùng để chống lại. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, ở một số trẻ, hệ thống miễn dịch này có trục trặc, chuyên… hiểu lầm, không phân biệt được đâu là “kẻ thù” từ bên ngoài tấn công vào và đâu là “người nhà”. Hệ miễn dịch lúc này sẽ quyết liệt “chiến đấu” với cả “người nhà”. Cơ thể lúc đó như chịu một cuộc “nội chiến”, khi những lính canh lại đi gây hại, quyết đấu với chính người nhà thay vì đứng ra bảo vệ.
Chỉ cần hình dung như vậy, bạn cũng có thể hiểu tình trạng này nguy hiểm như thế nào. Bác sĩ không thể giúp “đánh” hệ miễn dịch, vì điều đó sẽ đồng nghĩa với toàn bộ hệ thống bảo vệ, phòng thủ sẽ tan biến. Một cơ thể không còn “lính canh” lập tức sẽ bị các tác nhân gây hại bên ngoài tấn công. Tuy nhiên, nhưng nếu không “đánh” hệ miễn dịch, thì chính hệ miễn dịch sẽ hủy hoại cơ thể con người.
MẸ CẦN BIẾT
Tự miễn khác xa dị ứng. Trong dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào những phần tử lạ xâm nhập cơ thể (ví dụ phấn hoa, bụi bặm…), còn tự miễn thì hậu quả sẽ là sự hủy diệt các mô, tế bào của chính cơ thể. Khi cơ thể bị hệ miễn dịch tấn công như thế sẽ dẫn đến gây ra trên 80 tình trạng bệnh khác nhau. Tự miễn có thể tác động vào nhiều mô cùng một lúc hoặc chỉ tác động vào từng cơ quan riêng lẻ.
Các bệnh tự miễn thường gặp
* Các bệnh thấp
1. Viêm khớp dạng thấp
2. Viêm khớp mạn tính thiếu niên
3. Viêm đốt sống huyết thanh âm tính
4. Lupus ban đỏ hệ thống
5. Xơ hóa hệ thống
6. Hội chứng Sj ogren
7. Viêm đa cơ/viêm da cơ
8. Viêm mạch
9. Viêm đa động mạch mới
10. Bệnh u hạt Wegener
* Các bệnh tiêu hóa gan mật
1. Viêm đại tràng loét
2. Viêm gan mạn tính tiến triển
3. Xơ gan mật tiên phát
* Các bệnh máu
1. Thiếu máu tự miễn
2. Ban giảm tiểu cầu vô căn
3. Thiếu máu ác tính
* Các bệnh nội tiết
1. Bệnh Basedow
2. Viêm tuyến giáp Hashimoto
3. Đái đường tự miễn.
4. Bệnh Addison
* Các bệnh da
1. Pemphigus
2. Bạch biến
* Bệnh các cơ quan khác
1. Nhược cơ nặng
2. Hội chứng Goodpasture
Nguyên nhân nào gây nên bệnh tự miễn?
Cho đến hiện tại, sự trục trặc của hệ miễn dịch này vẫn là một điều bí ẩn. Nhiều nghiên cứu cho rằng chính môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh. Một số khác đánh giá bệnh có khả năng di truyền.
Bạn lưu ý, nếu chẳng may trẻ mắc bệnh tự miễn, thì tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi môi trường sống bị ô nhiễm. Những chất như thủy ngân, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại… gây tổn hại một cách trực tiếp lên các mô trong cơ thể. Khi các mô hệ bị tổn hại và biến đổi đến mức hệ miễn dịch “nhìn không ra” thì hệ miễn dịch sẽ xem đây như kẻ thù và tìm cách tấn công, tiêu diệt.
Thứ đến, yếu tố nhiễm trùng cũng dễ là ngòi nổ cho một số bệnh tự miễn (chẳng hạn như sốt thấp khớp, viêm cột sống…). Trong sự viêm nhiễm, các tế bào của chính cơ thể lại na ná như vi trùng, vì vậy hệ miễn dịch vô tình rơi vào tình trạng “khôn nhà dại chợ”, thay vì đánh vi trùng thì lại đi tiêu diệt “người nhà”.
Một yếu tố khác được nhắc là sự xáo trộn vi khuẩn đường ruột. Vốn dĩ có hàng tỉ tỉ vi khuẩn sống ở trong ruột, vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Trong vài thập kỷ gần đây, màng nhầy ruột của chúng ta “la làng” vì việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột sẽ có khả năng dẫn đến các chứng tự miễn và các rối loạn miễn dịch.
Thêm một kiến thức khác mẹ cần biết, thiếu hụt vitamin D cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh tự miễn. Cuối cùng, chính việc tuyến giáp phải hứng chịu quá nhiều chất độc từ môi trường cũng có khả năng gây ra những rối loạn về tuyến giáp, từ đó dẫn đến tình trạng bệnh.
Làm sao biết trẻ mắc bệnh tự miễn?
– Bệnh tự miễn là bệnh không chừa bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ em đến người già, từ những thiếu niên khoảng 15 tuổi đến người trung niên ngoài 40 tuổi. Do đó, bạn không nên nghĩ bệnh tự miễn là bệnh… không dính gì đến trẻ! Nữ thường có tỷ lệ mắc bệnh tự miễn nhiều hơn nam. Nếu trong gia đình đã từng có người mắc các bệnh tự miễn, nên hết sức cẩn thận, chăm sóc trẻ thật tốt vì bệnh thường có tính chất gia đình, có yếu tố di truyền.
– Bệnh tiến triển từng đợt, nặng dần (vì vậy bệnh còn có tên là bệnh tự duy trì). Diễn tiến thường phức tạp, đa dạng từ cấp tính, tối cấp đến nhẹ, dai dẳng. Vì vậy, khi thấy trẻ có một số bất thường cứ lặp đi lặp lại (dù bất thường này có vẻ như nhỏ, không nguy hiểm như sốt nhẹ, mờ mắt, nổi ban, đau tay chân…), mẹ không bao giờ được bỏ qua mà cần thiết đưa trẻ đi bác sĩ để kiểm tra, xét nghiệm máu. Như đã nói, bệnh thường có triệu chứng rất khác nhau, nhưng khi xét nghiệm có thể thấy được một số yếu tố như giảm vô cớ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu có thể kèm tăng lympho, tăng tốc độ lắng máu, tăng gamma – globulin…
– Khi trẻ có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan, chẳng hạn cùng lúc tự nhiên mờ mắt, tay chân yếu, trẻ mất thăng bằng, hay ngã…, nên đưa trẻ đi khám và không chủ quan. Vì đây cũng là một trong các dấu hiệu để “báo động” về bệnh tự miễn.
Cách nào để phòng tránh cho con?
Những năm gần đây, bệnh tự miễn có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và ngày càng nặng nề hơn về tình trạng bệnh.
Chúng ta chưa có cách triệt để phòng bệnh, song bạn có thể lưu ý từ các nguyên nhân trên để tìm cách ngăn ngừa cho con. Chẳng hạn, để phòng tránh các bệnh tự miễn nguy hiểm, bảo vệ hệ miễn dịch, thì một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi điều độ và hạn chế những thói quen không tốt là điều rất quan trọng. Môi trường sống của trẻ cần trong lành, sạch sẽ, tránh tối đa để trẻ tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Bạn cũng cần tiêm vắc-xin đầy đủ cho con, giúp trẻ tránh việc nhiễm trùng, nhiễm bệnh.
(Ảnh minh họa)
Bệnh tự miễn có thể chữa được không?
Rất tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị các bệnh tự miễn song trên thực tế, các bác sĩ cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh chứ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.
Chính vì vậy, việc hiểu rõ bệnh, luôn có ý thức nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể trẻ bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày là rất quan trọng. Mẹ cũng cần đưa trẻ thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, kể cả khi trẻ phát triển rất tốt về cân nặng, chiều cao, để phát hiện sớm những bất thường, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ càng khiến các tổn thương này nặng hơn.
DÀNH CHO MẸ!
– Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân trực tiếp rõ rệt, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra sau nhiễm độc, nhiễm trùng cấp, sang chấn tinh thần hoặc thể chất, tác nhân vật lý, sau dùng một số thuốc. Bệnh có thể đáp ứng khá tốt với một số thuốc ức chế miễn dịch.
– Về phương diện chẩn đoán, không có tiêu chuẩn chung cho các bệnh tự miễn tuy nhiên bệnh cảnh lâm sàng, diễn tiến và một số xét nghiệm gợi ý hướng đến bệnh tự miễn như giảm vô cớ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu có thể kèm tăng lympho, tăng tốc độ lắng máu, tăng gamma – globulin…
Thế giới đang phải đối mặt với tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn ngày càng tăng. Đây là một trong những nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu, làm giảm tuổi thọ trung bình 15 năm, với chi phí điều trị hàng năm cao ngất.