Mẹ và Con - Sau khi sinh con, mẹ bỉm có thể phải đối mặt với tình trạng viêm tuyến sữa khiến mẹ cảm thấy lo lắng. Viêm tuyến sữa có thể khắc phục hay không và liệu mẹ có cần ngưng cho bé bú mẹ một thời gian? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay!

Phụ nữ đang cho con bú dễ gặp phải tình trạng viêm tuyến sữa gây khó khăn trong việc sinh hoạt, chăm sóc em bé, đặc biệt là khi cho con bú. Viêm tuyến sữa thì có thể cho con bú hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho các mẹ bỉm sữa về vấn đề này.

Viêm tuyến sữa là gì?

Viêm tuyến sữa chủ yếu do vi khuẩn dạng hóa mủ gây nên. Viêm tuyến sữa thường gặp ở sản phụ sinh con lần đầu, trong quá trình cho con bú, đầu vú bị rách khiến vi khuẩn xâm nhập. 

Viêm tuyến sữa chia làm 3 giai đoạn: 

  • Giai đoạn 1: sưng cục bộ bên vú bị viêm, ấn thấy đau, sữa tiết ra không thông suốt, da vú hơi đỏ, có cảm giác sốt, sợ rét. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
  • Giai đoạn 2: vú sưng, nóng, đỏ, đau tăng, thân nhiệt tăng, sốt kéo dài. Lúc này trong tuyến sữa đã có mủ.
  • Giai đoạn 3: Mưng mủ và chín, da vỡ loét, chảy mủ.

viêm tuyến sữa

Nguyên nhân nào gây viêm tuyến sữa

Một số nguyên nhân thường gặp gây viêm tuyến sữa của phụ nữ đang cho con bú bao gồm:

  • Tắc ống dẫn sữa: Bầu ngực vẫn còn dư sữa sau khi cho con bú dễ gây tắc ống dẫn sữa. Điều này khiến sữa bị trào ngược, ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm tuyến vú.
  • Vi khuẩn xâm nhập vào vú: Thông qua vết nứt trên nhũ hoa, vi khuẩn từ bề mặt da, từ quần áo hoặc từ miệng của em bé có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa.
  • Núm vú bị nứt và đau
  • Thời gian giữa những lần cho con bú quá giãn cách
  • Mặc áo lót quá chật
  • Mẹ chỉ cho con bú một bên
  • Có tiền sử bệnh viêm tuyến vú

Đối với phụ nữ không cho con bú và nam giới có thể bị viêm vú do những nguyên nhân sau:

  • Hút thuốc: Chất độc nicotin có trong thuốc lá có thể phá hỏng mô vú.
  • Nhũ hoa bị tổn thương chẳng hạn như có vết rách hoặc bạn mắc bệnh chàm.
  • Cạo hoặc nhổ lông quanh nhũ hoa.
  • Hệ thống miễn dịch kém hoặc mắc bệnh tiểu đường.
  • Phẫu thuật cấy ghép ngực hoặc xỏ khuyên trên nhũ hoa tăng nguy cơ viêm vú. 

Biểu hiện viêm tuyến sữa là gì?

Mẹ có thể dễ dàng nhận biết tình trạng này qua các biểu hiện viêm tuyến sữa sau đây:

  • Khi chạm vào vùng da trên ngực bị sưng, bạn sẽ cảm thấy nóng và đau. 
  • Chỗ sưng trên ngực có thể chuyển sang màu đỏ nhưng nếu bạn có làn da sẫm màu thường sẽ khó nhận ra hơn.
  • Xuất hiện khối u hoặc nổi một cục cứng trên ngực của bạn.
  • Vú đau buốt và có thể đau buốt dữ dội hơn khi cho con bú.
  • Mệt mỏi, nhức đầu.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Sốt, ớn lạnh.
  • Núm vú tiết dịch bất thường, dịch tiết có màu trắng hoặc lẫn thêm máu.

bị viêm tuyến sữa

Nên làm gì để cải thiện viêm tuyến sữa?

Nếu biết bản thân bị viêm tuyến sữa, bạn có thể áp dụng những giải pháp dưới đây để giảm đau và cải thiện tình trạng: 

  • Dùng khăn ấm chườm lên chỗ ngực bị sưng.
  • Tắm bằng vòi sen hoặc bồn tắm nước ấm.
  • Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
  • Uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau hoặc hạ sốt. 
  • Thông tia sữa bị tắc nghẽn bằng cách massage nhẹ nhàng. 
  • Vắt hoặc hút lượng sữa dư thừa ngay lập tức sau mỗi lần bé bú. 
  • Không nên mặc quần áo bó sát hoặc áo ngực cho đến khi bạn cảm thấy đỡ hơn.

Những bài thuốc chữa viêm tuyến sữa

Nếu mẹ không muốn phải uống thuốc tây trong quá trình cho con bú thì có thể sử dụng những bài thuốc dân gian dưới đây để chữa viêm tuyến sữa:

  • Núm bí ngô 15 cái, đốt tồn tính, nghiền bột, mỗi lần uống hòa 2 cái cùng với rượu. Uống 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Thuốc này dùng cho giai đoạn đầu nhọt vú.
  • Hạt quýt 15g, đem rang qua, bỏ vào rượu đun ấm rồi uống. Thuốc dùng cho giai đoạn chữa nhọt vú mới phát.
  • Hạnh đào nhục 15g giã nát, sơn tư cô 3g nghiền bột, hòa đều, dùng cùng 250g bồ công anh tươi sắc nước, chiêu uống. Thuốc dùng cho giai đoạn thành mủ của nhọt vú.
  • Lá kiều mạch tươi 100g, mỗi ngày 1 thang, sắc nước uống.
  • Rau kim châm khô 50g hầm với 250g thịt lợn nạc hoặc dùng 100g rau kim châm tươi nấu với 1 chiếc móng lợn ăn hằng ngày để chữa viêm tuyến sữa, sữa không xuống.
  • Khoai lang trắng sống rửa sạch, gọt vỏ thái nhỏ, giã nát, thêm rau diếp cá tươi lượng bằng nhau. Cả 2 đem giã nát, đắp vào chỗ viêm tuyến sữa, đắp tới lúc nóng cục bộ thì thay, đắp liên tiếp trong vài ngày để chữa cho trường hợp viêm tuyến sữa sưng trướng chảy mủ.

Mẹ bị viêm tuyến sữa có nên cho con bú?

Câu trả lời là mẹ có thể tiếp tục cho bé bú bầu ngực như bình thường. Nhiễm trùng do viêm tuyến sữa không thể lây sang trẻ thông qua sữa mẹ do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Hơn nữa, sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ khỏi những bệnh nhiễm trùng.

cho con bú

Mẹ có thể cảm thấy khó chịu khi cho con bú nhưng thực chất việc này lại góp  phần giảm căng tức ngực và làm thông tia sữa bị tắc nghẽn, giúp sữa lưu thông dễ dàng hơn trong ống dẫn sữa. Hãy để trẻ tích cực bú từ bầu ngực có biểu hiện viêm tuyến sữa. Bằng cách này sẽ hạn chế tình trạng sữa còn dư, ứ đọng trong ống dẫn sữa giúp ngăn vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm nặng hơn.

Lưu ý cho mẹ khi bị viêm tuyến sữa

Trong quá trình điều trị viêm tuyến sữa tại nhà, để quá trình điều trị có kết quả tốt thì mẹ cần ghi nhớ những điều sau:

  • Ăn thức ăn lợi sữa như: quýt, cà chua, mướp, dưa chuột, ngó sen, mã thầy, canh đậu đỏ…
  • Ăn thức ăn bổ mát như canh cá diếc, canh gan lợn, canh đậu phụ… đối với mẹ viêm tuyến sữa có vết thương lở loét lâu không liền miệng, da mặt vàng và cơ thể gầy yếu, mất sức nhiều.
  • Thường xuyên vệ sinh vùng ngực trước và sau khi cho con bú, đặc biệt là những vùng dễ tích tụ vi khuẩn như các khe kẽ ở đầu ti để vi khuẩn không có cơ hội tấn công vào các vết thương hở trên da mẹ. 
  • Kiêng ăn thức ăn tanh, mặn, nhiều dầu mỡ, quá ngọt hoặc quá cay.
  • Ngưng uống thuốc dân gian và đi khám bác sĩ nếu gặp những triệu chứng như: vú sưng cứng, ấm bóng và nổi cộm khi sờ vào; Người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh và khó thở; Mẹ dùng thuốc quá 4 ngày mà vẫn chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm. 

viêm tuyến sữa sau sinh

Trên thực tế, viêm tuyến sữa có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân là do bạn chưa cho bé bú đúng cách hoặc bé gặp rắc rối trong việc ngậm núm vú. Trong trường hợp này, hãy đi khám và nhờ tư vấn của các chuyên gia để được điều trị và hướng dẫn cho bé bú đúng cách. Chúc mẹ và bé luôn mạnh khỏe. 

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.