Mẹ&Con - Mẹ đã từng nghe rỉ tai “mẹ nhiễm viêm gan siêu vi không được cho con bú” hay “cho con bú khi tiêu chảy cũng khiến bé bị như mẹ”? Giải thích cho vấn đề này, Mẹ&Con mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé. Vẻ đẹp ngọt ngào của các bà mẹ khi cho con bú ở nơi công cộng 10 thực phẩm tốt nhất khi mẹ cho con bú Mẹ đã cho con bú đúng cách?

1. Vì sao phải ngừng cho con bú khi mẹ bệnh? 

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia khuyên bạn hạn chế hoặc không nên cho con bú khi đang bị bệnh… Lý do đầu tiên là do lúc này sức khỏe của mẹ không tốt khiến cho chất lượng sữa mẹ không được đảm bảo. Thứ hai, việc tiếp xúc với bé ở cự ly gần cũng dễ khiến bệnh nhanh chóng lây sang con. Đó là chưa kể đến khả năng một số loại thuốc mẹ đang dùng tiết vào sữa làm cho sữa bị đổi vị và ảnh hưởng đến bé như phát ban, tiêu chảy..

2. Đừng ngại cho con bú khi…

Mẹ bị viêm gan siêu vi B
Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm viêm gan B khá cao, chiếm 15-20%. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường mẹ sang con, quan hệ tình dục, truyền máu. Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con của bệnh này được căn cứ vào thời điểm mẹ mắc bệnh và tăng dần từ 1% lên 10% và cao nhất là 60-70% tuần tự theo 3 giai đoạn của thai kỳ.

Nếu mẹ nhiễm siêu vi B, nhưng trẻ đã được bảo vệ bằng một mũi huyết thanh kháng siêu vi viêm gan-HBIg và một mũi vắc xin tạo kháng thể bảo vệ, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm vì bệnh này sẽ không được truyền sang cho bé qua sữa mẹ. Tuy nhiên, trong một số tình huống mẹ có các vết thương hở ở vú như bị nứt hay chảy máu đầu vú, nên ngừng ngay việc cho con bú để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Mẹ bị quai bị
Bệnh do vi rút paramyxovirus gây nên, chủ yếu lây qua đường hô hấp, thường xuất hiện vào mùa xuân, hè. Đồng thời, bệnh có thể lây truyền gián tiếp khi người bệnh và người lành dùng chung đồ đạc như khăn, cốc uống nước…. Bệnh có thể lây truyền cho người khác ngay ở giai đoạn ủ bệnh và 5 ngày sau khi bệnh khởi phát.

Vì thế, nếu đang mắc quai bị, mẹ cứ yên tâm cho con bú để bé vẫn nhận được đầy đủ kháng thể truyền từ mẹ sang con nhé. Riêng một điều mẹ cần chú ý là phải che chắn vùng mũi họng thật kỹ, rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc con để bé không bị lây bệnh nhé.

Mẹ bị cúm mùa
Tương tự như quai bị, cúm do vi rút gây và cũng được lây truyền thông qua đường hô hấp. Khi giao tiếp, ho, hắt hơi, người bị cảm cúm lây sang cho người lành. Bệnh xuất hiện vào mùa đông xuân, chủ yếu là các chủng như A/H3N2, A/H1N1, cúm B, C… Thời gian ủ bệnh vào khoảng 2 ngày.

Vi rút cúm đặc biệt mẫn cảm với đường hô hấp. Trong nhiều trường hợp, chúng có thể chui vào tế bào biểu mô mũi, họng, hầu, thậm chí là đi vào máu gây nên tình trạng nhiễm vi rút huyết. Tuy nhiên, nồng độ vi rút trong máu là rất thấp. Vì lẽ đó, sẽ không có hiện tượng sữa mẹ bị nhiễm vi rút cúm, nên các mẹ đừng ngừng việc cho con bú khi đang bị cúm nhé. Nhiệm vụ của mẹ là giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với bé để “cắt đứt” đường lây lan của cúm mà thôi.

Mẹ bị bệnh, làm sao để con bú mẹ an toàn? 5

Không phải cứ mắc bệnh là mẹ phải ngừng cho con bú đâu nhé – Ảnh minh họa

Mẹ bị tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng đại tiện trên 3 lần/ngày. Tùy theo tính cấp tính và mãn tính, bệnh có thể xuất phát từ các nguyên nhân như nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thức ăn, dịch toan dạ dày bị thiếu, hấp thụ kém, tác dụng phụ của thuốc…

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, căn nguyên khiến mẹ bị tiêu chảy hầu như không ảnh hưởng đến chất lượng của sữa mẹ. Vì thế, mẹ cũng đừng vì lo lắng mà “cấm vận” bú mẹ nhé.

Mẹ bị tiểu đường
Tiểu đường là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat, mỡ và đạm khi hóc môn insulin của tuyến tụy bị thiếu, biểu hiện bằng việc lượng đường glucose trong máu cao.

Trên thực tế, việc mẹ bị tiểu đường có thể khiến sữa về muộn hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Tuy nhiên, trừ khi mẹ phải dùng các loại thuốc tiểu đường, còn lại mẹ vẫn có thể cho con bú khi đang bị bệnh và không cần phải kiêng cữ như nhiều người vẫn nghĩ.

Chưa kể đến là khi bé bú mẹ, lượng đường trong máu giảm đi. Đó cũng là một trong những cách hữu hiệu kiềm chế lượng đường của mẹ.

3. Tuyệt đối không cho con bú khi:

Mẹ mắc bệnh lao phổi
Nếu chẳng may mắc bệnh lao phổi hoặc đang trong thời kỳ phát bệnh, mẹ nên cách ly hoàn toàn với con và tuyệt đối không cho trẻ bú mẹ. Bởi lẽ, bệnh lao phổi dễ lây qua đường hô hấp, nếu mẹ gần gũi với con, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.

Mẹ bị ung thư hoặc đang dùng thuốc điều trị ung thư
Sức khỏe của mẹ bị ung thư rất kém. Việc nuôi con bằng sữa mẹ trong tình huống này sẽ gia tăng áp lực cho cơ thể mẹ, khiến mẹ không có cơ hội nghỉ ngơi, hồi phục.

Bên cạnh đó, khi mắc ung thư, mẹ sẽ được điều trị bằng nhiều loại thuốc và chúng có thể ngấm vào sữa rồi truyền sang con. Hầu hết các loại thuốc này thường có ảnh hưởng rất nặng nề lên trẻ như gây suy rối loạn chức năng tuyến giáp (khi mẹ điều trị bằng I ốt phóng xạ) hoặc cản trở quá trình phân chia tế bào, khiến trẻ không phát triển…

Mẹ có HIV/AIDS
Vi rút HIV/AIDS có thể theo sữa mẹ truyền sang cho con. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyên rằng mẹ có kết quả dương tính với hội chứng suy giảm miễn dịch nên dùng sữa công thức thay cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng lây nhiễm cho con.

Đừng cho con bú lúc tức giận

Khi mẹ đang tức giận, hệ thần kinh giao cảm bị ảnh hưởng sẽ tiết ra một lượng lớn noradrenalin và adrenalin. Hai chất này khiến cho tim đập nhanh, mạch máu bị thu nhỏ, huyết áp tăng cao ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Hơn nữa, khi mẹ tức giận, cơ thể sẽ đào thải ra catecholamine làm cho độc tố trong gan và máu tăng cao, gây tổn hại cho sức khỏe của bé.

Thận trọng
Nếu đang dùng nhóm thuốc kháng sinh điều trị các bệnh về tiêu hóa, chống nhiễm trùng, thuốc nội tiết, an thần… mẹ cũng không nên cho con bú để tránh tác dụng phụ của thuốc khiến bé đi ngoài ra máu, ngủ li bì, co giật…

Một số nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc mẹ thuốc tránh thai có thể là nguyên nhân khiến bé quấy khóc. Tuy vẫn chưa có căn cứ chứng minh cho nhận định này, nhưng mẹ cũng nên hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa khi cần dùng thuốc.

Cho con bú khi đang bị bệnh, mẹ phải điều trị i ốt phóng xạ là điều không nên vì để tránh i ốt nhiễm vào sữa, gây các bệnh về tuyến giáp cho bé.

4-5 tháng là khoảng thời gian mẹ bắt buộc phải dừng cho con bú khi mang thai lần tiếp theo. Bởi lẽ trong thời gian này sữa mẹ sẽ chuyển thành sữa non chuẩn bị cho bé sơ sinh sắp chào đời.

Mẹ bị bệnh, làm sao để con bú mẹ an toàn? 6

Chỉ khi mắc một số bệnh “cấm kị”, mẹ mới phải ngưng cho bé bú – Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho mẹ

Sau sinh, mẹ cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng với mức năng lượng khoảng 2.800 kcal/ngày. Đặc biệt là khi đang bị ốm, mẹ càng cần phải chú ý đến dinh dưỡng nhiều hơn để nhanh chóng khỏi bệnh và giữ nguồn sữa dồi dào cho con. Trong trường hợp này, các chuyên gia y tế khuyên mẹ nên:

– Tăng cường thực phẩm giàu chất đạm như thịt nạc heo, thịt gà, bò, tôm, các loại ngũ cốc như đậu đỏ, đậu nành, đậu Hà Lan, trứng gà, sữa bò…

– Bổ sung nhiều loại rau xanh có lá đậm như rau ngót, rau dền, mồng tơi… củ quả có màu vàng cam như bí đỏ, cà rốt, khoai lang. Trái cây thích hợp cho mẹ tăng cường đề kháng là cam, chuối, đu đủ, táo, lê, bơ…

– Chú ý đến thực phẩm giàu sắt như trứng, tim cật heo, cá, súp lơ xanh, vừng…

– Uống sữa, nước trái cây, nước lọc khoảng 2,5-3 lít nước mỗi ngày để đủ nguồn nước tạo sữa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Khi chế biến thức ăn, nên dùng phương pháp hấp, luộc… để giữ lại hàm lượng vitamin có trong thức ăn. Với thịt cá, nên nấu chín kỹ và cho gia vị vừa phải để giúp dễ tiêu hóa và hỗ trợ mẹ ngon miệng hơn. Tuyệt đối tránh thức ăn có tính hàn như sò, ốc, dưa leo, nước dừa… và trái cây có vị chua nhiều như chanh, khế, xoài…

Theo sự tư vấn của bác sĩ Huỳnh Thanh Hùng – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec

Tags:

Bài viết liên quan