Hiện nay, kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch không quá phức tạp nên việc sử dụng dịch truyền cũng trở nên phổ biến hơn hẳn. Vì thế, khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nhiều người, kể cả bà bầu trong giai đoạn ốm nghén, chỉ cần đến các phòng khám tư nhân, quầy thuốc tư nhân là dễ dàng được vô “nước biển”, vô “đạm” hay vô “mỡ”. Với họ, dịch truyền chỉ được hiểu một cách đơn giản là truyền chất “bổ” nên cứ thấy mệt là muốn bổ sung. Họ không biết rằng, các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, vì có nhiều loại bệnh chống chỉ định với việc truyền dịch. Thực tế, đã có không ít những ca tử vong oan uổng vì truyền dịch bừa bãi, không đúng chuyên môn…
Bà bầu có được truyền dịch hay không? (Ảnh minh họa)
Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và nồng độ khác nhau để sử dụng cho từng trường hợp bệnh lý. Khi truyền dịch, các chất cần thiết như nước, chất điện giải, vitamin, đạm, hóa chất, kháng sinh, máu… sẽ nhanh chóng đi vào mạch máu với số lượng lớn và có khả năng giữ lâu trong lòng mạch, lượng dư thừa sẽ được bài tiết qua thận.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào thể trạng của bệnh nhân (tình trạng bệnh, độ tuổi) để quyết định truyền loại dịch nào cho phù hợp. Cần nhấn mạnh rằng, ngoài bác sĩ khám, chữa bệnh, không một ai (y tá diều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ…) được ra chỉ định truyền dịch. Bởi lẽ, trong quá trình truyền dịch, một số tai biến không mong muốn có thể xảy ra. Nếu sử dụng dịch truyền một cách bừa bãi, không nắm được tình trạng bệnh của bệnh nhân sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột, thậm chí có thể gây tử vong vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, một nguy cơ thường gặp nhất trong truyền dịch là sốc. Nếu không được xử lý kịp thời hay truyền dịch tại gia đình hoặc ở các cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện cấp cứu thì khi tai biến xảy ra sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Hơn nữa, việc truyền dịch không đúng chỉ định, không tuân thủ các nguyên tắc vô trùng tuyệt đối còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan virut B, C…
Do vậy, các bác sĩ luôn khuyên, các mẹ bầu mang thai ba tháng đầu thì ốm nghén là chuyện bình thường, do sự thay đổi nội tiết, dinh dưỡng trong cơ thể và thường sẽ tự hết sau giai đoạn này nên bà bầu có được truyền dịch không thì câu trả lời là không cần thiết. Trường hợp quá mất sức và không ăn uống được trong thời gian dài, mẹ nên các cơ sở y tế uy tín, có cơ sở vật chất đầy đủ để khám và được bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt nhất.
Bên cạnh đó, mẹ bầu ốm nghén cũng nên có chế độ nghỉ ngơi điều độ, hợp lý, đặc biệt không quên bổ sung sắt, acid folic trong thời kỳ để tránh nguy cơ thiếu máu gây mệt mỏi, đau đầu. Dần dần, ba tháng đầu trôi qua thì việc ốm nghén của mẹ sẽ trở nên ít dần rồi chấm dứt.
Hy vọng với bài viết trên đây, các chị em đang băn khoăn bà bầu có được truyền dịch không đã có câu trả lời tốt nhất cho mình.
Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt!