1. Nguyên nhân
Nấm
Thời điểm mang thai 3 tháng đầu nói riêng và trong suốt quá trình mang thai nói chung, cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi nhất định. Trong đó, hóc môn estrogen tiết ra mạnh hình thành nhiều chất glycogen. Glycogen càng nhiều, càng khiến vùng kín trở nên ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm và vi khuẩn phát triển. Từ đó gây viêm nhiễm, ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
Rạn da do tử cung dãn mạnh
Càng về những tháng cuối thai kỳ, thai nhi càng lớn nên tử cung càng dãn khiến da bị căng và rạn và gây ngứa ngáy. Không chỉ ở vùng kín mà mẹ còn cảm thấy khó chịu ở các bộ phận khác như: bụng, ngực, mông, đùi, chân, tay…
Tăng sinh mạch máu và tăng chuyển hóa cơ bản
Quá trình mang thai sẽ làm các mạch máu tăng sinh mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc tăng tiết mồ hôi khiến da trở nên nhạy cảm với các kích thích bên ngoài như: thời tiết, trang phục, bệnh ngoài da sẵn có… Đây cũng là nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới ngứa ngáy âm đạo khi mang thai của chị em.
2. Triệu chứng
Triệu chứng thường gặp ở chị em bị viêm nhiễm đầu tiên là huyết trắng, đặc, đóng thành từng mảng. Âm đạo ngứa ngáy, xuất hiện mùi hôi, có cảm giác đau rát âm đạo khi đi tiểu và tầng sinh môn, hậu môn.
3. Mức độ nguy hiểm
Thoạt nghe, rất nhiều người sẽ nghĩ rằng tình trạng viêm nhiễm này không đáng lo ngại. Trên thực tế nếu không chú ý đến việc vệ sinh vùng kín, để tình trạng trở nên nặng và lây lan nhanh mẹ bầu sẽ gặp phải rất nhiều nguy hiểm.
Trong khi mẹ còn mang thai, em bé tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi nấm, vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm nhiễm vùng kín có thể tác động làm mẹ sẩy thai hoặc sinh non. Đặc biệt, khi mang thai 3 tháng đầu mẹ càng cần cẩn thận hơn.
Ở giai đoạn chuyển dạ, bé phải chui qua cửa mình của mẹ để chào đời. Nếu tình trạng viêm nhiễm của mẹ chưa được giải quyết bé sẽ bị “vạ lây”, rước nhiều căn bệnh vào người như mọc đẹn ở miệng gây đau rát, lười bú, bỏ bú…
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trường hợp nhẹ. Nặng hơn, nếu không may bé hít hoặc nuốt phải nấm trong quá trình chui ra từ cửa mình, chúng rất dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hay thậm chí là tử vong.
Mang thai 3 tháng đầu bị ngứa vùng kín là trường hợp khá phổ biến ở mẹ bầu. (Ảnh minh họa)
4. Phòng ngừa và chữa trị
Lưu ý đầu tiên vẫn là vệ sinh sạch sẽ. Không nên tự ý thụt rửa bằng các loại dung dịch vệ sinh không rõ nguồn gốc. Mặc đồ lót làm bằng chất liệu cotton thoáng khí, rộng rãi. Thay hàng ngày và giặt phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt hết vi khuẩn.
Hạn chế bơi lội ở bể bơi công cộng, ao hồ ô nhiễm. Sau mỗi lần vệ sinh, dùng giấy lau từ trước ra sau để tránh làm phân ở hậu môn dính qua vùng kín. Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây…
Nếu nghi ngờ bị nhiễm nấm âm đạo, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay. Các bác sĩ nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho tình trạng bênh, ví dụ như bôi kem kháng nấm hay đặt thuốc trị nấm…
Viêm nhiễm, ngứa ngáy âm đạo trong thời gian mang thai là vấn đề nhiều người mắc phải. Căn bệnh này gây ra những biến chứng khôn lường cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, vì vậy hãy lưu ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhé, nhất là khi mang thai 3 tháng đầu.