Để giảm bớt gánh nặng công việc những ngày cuối năm cũng như chia thời gian làm việc hiệu quả, bố mẹ nên lên kế hoạch và thực đơn những món ăn tốt cho sức khỏe bé trước. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tham khảo những món ăn vừa ngon, vừa nhanh, vừa bổ dưỡng dưới đây nhé!
Bí quyết giúp mẹ chuẩn bị món ngon cho bé vào ngày Tết
Đánh giá khả năng ăn thô của con
Bước đầu tiên mẹ cần xác định bé đang ăn thô ở giai đoạn nào rồi. Nếu con ăn những món người lớn hay ăn như phở, mì, cơm… mà vẫn bị vướng mắc khi ăn thì nên đan xen giữa cơm và cháo để đảm bảo no bụng và đủ chất. Với những bé ăn thô, mẹ cũng không cần quá vất vả khi cho bé ăn cơm cùng gia đình vào dịp Tết. Ngược lại, với những trẻ vẫn còn ăn nhuyễn, mẹ có thể chuẩn bị trước đồ ăn cấp đông trên ngăn đá để sử dụng chế biến ra những món ăn tốt cho sức khỏe trong những ngày Tết.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Do những ngày mùng 1,2 chợ thường không mở bán nên bố mẹ có thói quen mua đồ về tích trữ trong tủ lạnh. Để đảm bảo độ tươi ngon cũng như dưỡng chất trong thực phẩm, bố mẹ lưu ý cách bảo quản đúng cách. Với những loại củ như su hào, cà rốt, khoai tây, khoai lang… có thể giữ độ tươi ngon từ 2-3 ngày trong nhiệt độ mát. Nếu ở miền Bắc nhiệt độ lạnh thì bạn có thể bảo quản ở những nơi khô ráo nhiệt độ phòng cũng được. Các loại rau có rễ như cải xanh, cải xoong, cải cúc (tần ô) nên nhặt bỏ phần rễ và quấn vào trong giấy sạch, bọc lại bằng túi nilong như vậy khi chế biến sẽ không lo rau bị mất nước.
Chọn nấu những món ăn tốt cho sức khỏe mà trẻ thích ăn
Tâm lý trẻ em khi có nhiều người lớn xung quanh, đặc biệt là bố mẹ hay ông bà thường thích nhõng nhẽo, không chịu ăn đúng bữa, ăn ngoan như khi ở nơi vắng người. Và đặc biệt trong những ngày Tết, gia đình lúc nào cũng tấp nập người thì trẻ sẽ càng thích làm nũng và biếng ăn hơn. Do đó, mẹ nên chú ý khẩu vị của con, nấu những món mà con thích để con chủ động ăn ngoan hơn và nhanh hơn.
Thực đơn những món ăn tốt cho sức khỏe bé vào dịp Tết
Cháo bí đỏ, sườn non
Nguyên liệu: Gạo, sườn non, bí đỏ, hành khô, hành hoa
Cách làm:
- Rửa sườn với nước, sau đó cho thêm chút muối bỏ lên nồi đun chần sơ sườn
- Bỏ nước luộc sườn non đi, cho gạo, sườn và nước mới vào đun cùng nhau.
- Khi cháo sôi để lửa nhỏ đun tới nhừ
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu rồi bỏ vào nồi và đun thêm 15 phút
- Sườn non nhừ, gắp ra ngoài, gỡ bỏ xương và sụn, cắt nhỏ vừa độ thô bé ăn. Mẹ có thể xào qua hành khô với dầu gạo, đảo qua thịt sườn để thịt săn lại, ngấm gia vị hoặc để bé ăn sườn luộc đã gỡ xương và cắt nhỏ cũng được.
- Múc cháo ra bát, thêm thịt sườn lên trên, rắc ít hành hoa thái nhỏ và cho 1-2 muỗng cà phê dầu ăn
Cháo yến mạch tôm, bắp cải
Nguyên liệu: Yến mạch, tôm, bắp cải, hành khô
Cách làm:
- Ngâm yến mạch trong nước ấm 5-10 phút rồi nấu như cháo bình thường
- Chế biến tôm sạch, băm nhỏ tùy vào độ thô con ăn.
- Đảo tôm trên chảo với hành khô phi thơm, nêm nhạt
- Bắp cải lấy lá, rửa sạch và thái nhỏ.
- Sau khi cháo chín thì cho tôm và bắp cải vào nấu cùng và đợi 10-15 phút là hoàn thành.
Cháo gà cà rốt phô mai
Nguyên liệu: Lườn gà, cà rốt, phô mai, hành hoa
Cách làm:
- Lọc xương gà, bỏ da và thái hoặc băm nhỏ
- Cho gà vào bát có ít nước để khi nấu không bị vón
- Cà rốt gọt vỏ và thái hạt lựu
- Nấu cháo với gà và cà rốt cho bé
- Sau khi cháo chín nhừ, nêm nếm nhạt rồi cho thêm phô mai và quấy đều để bé thưởng thức.
Ruốc cá hồi với cháo trắng
Nguyên liệu: Cá hồi phi lê hoặc vẫn còn da và xương đều được, 1 nhánh gừng, một ít gốc hành trắng, sữa tươi.
Cách làm:
- Rửa sạch để ráo nước, sau đó cho vào tô đã đổ ngập sữa tươi và ngâm 20 phút giúp cá không bị tanh.
- Gốc hành trắng rửa sạch thái khúc dài, gừng cạo sạch vỏ rồi thái sợi
- Lấy cá ra thấm khô, để cá vào trong đĩa hoặc bát để ướp với một chút muối.
- Để cá vào nồi, rắc hành trắng và gừng lên trên rồi bật bếp hấp cho cá chín.
- Lọc phần thịt cá rồi cho vào chảo, bật lửa nhỏ, đảo đều. Lưu ý dùng muôi hay muỗng múc canh để miết thịt cá tơi ra.
- Ruốc có độ tơi và khô ráo thì tắt bếp và xúc ra đĩa đợi nguội hẳn. Không nên rang quá kỹ sẽ làm ruốc bị khô, mất độ ngọt vốn có.
Mẹ có thể tạo ra những món ăn tốt cho sức khỏe bé với ruốc cá hồi, ví dụ như ăn kèm với cơm hoặc cháo đều ổn.
Cháo yến mạch thịt bò rau dền
Nguyên liệu: Yến mạch hạt vỡ, thịt bò, rau dền
Cách làm:
- Ngâm yến mạch trong nước ấm khoảng 5-10 phút
- Thịt bò rửa sạch, băm nhỏ
- Rau dền rửa sạch, chọn phần lá non và băm nhỏ
- Cho yến mạch vào đun sôi khoảng 3 phút, khuấy đều tay đến khi sôi bùng thì cho tiếp thịt bò vào. Để lửa nhỏ đến khi sôi lại thì nêm chút gia vị.
- Khi cháo chín thì cho rau dền vào và đợi khoảng 3 phút là cho thể thưởng thức. Mẹ có thể cho thêm 1 muỗng cafe dầu oliu vào để bé ăn cùng.
Súp bông cải thịt gà
Nguyên liệu: bông cải, cà chua, đậu phụ, nước dùng (nước luộc thịt gà hoặc củ quả), dầu ăn của bé, bột năng, nước.
Cách làm:
- Luộc hoặc hấp nhừ bông cải xanh, băm nhỏ phần hoa ra.
- Cà chua bỏ vỏ, bỏ hạt và băm nhỏ
- Cho dầu vào chảo chờ nóng rồi cho đậu phụ và bông cải vào đảo đều, tiếp tục thêm cà chua và nước dùng vào đun.
- Khi súp chín mẹ hòa hỗn hợp bột năng theo tỉ lệ 1 bột: 3 nước vào và khuấy đều cho súp sánh lại và tắt bếp.
Cháo thịt heo nấu khoai tây, cà rốt
Nguyên liệu: thịt heo, khoai tây, cà rốt, gạo
Cách làm:
- Sơ chế thịt heo và khoai tây, cà rốt, sau đó băm nhuyễn. Với khoai tây và cà rốt có thể cắt hạt lựu.
- Cho cháo vào nấu. Sau khi sôi thì hãy cho thịt và khoai, cà rốt vào nấu chín mềm.
- Khi cháo chín thì bỏ vào máy xay nhuyễn hoặc rây mịn.
Nguyên tắc lựa chọn những món ăn tốt cho sức khỏe của bé dịp Tết
Những món ăn tốt cho sức khỏe bé trong dịp Tết không chỉ đảm bảo bé phát triển tốt mà mẹ cũng yên tâm làm việc, chuẩn bị Tết nhất. Dưới đây là một số nguyên tắc vàng mẹ cần lưu ý khi lựa chọn, chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ:
- Chọn những món phù hợp theo tình trạng dinh dưỡng, lứa tuổi cũng như tình trạng ăn thô của con.
- Với những thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói bao bì gia đình nên chọn những nhãn hàng uy tín, chất lượng. Và đừng quên xem hạn sử dụng để tránh mua đồ hết hạn gây nguy hiểm tới sức khỏe bé.
- “Ăn chín uống sôi” phải được đặt lên hàng đầu khi nấu ăn cho con. Nói không với những món sống, món tái vì dạ dày và hệ miễn dịch bé còn rất yếu.
- Bố mẹ nên kiểm soát trẻ ăn nhiều thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, kẹo mứt, nước ngọt…trong dịp Tết để đảm bảo con ăn đúng bữa, không gây rối loạn tiêu hóa.
- Với những thực phẩm hạt như hạt bí, hạt dẻ, hạt dưa…nên để xa tầm tay của trẻ nhỏ để tránh trường hợp sặc, hóc hạt trong đường thở của con.
Với thực đơn những món ăn tốt cho sức khỏe mà Tạp chí Mẹ và Con vừa bật mí phía trên thì dù ngày Tết mẹ có bận rộn tới đâu cũng không lo bé bị đói hay bị thiếu dưỡng chất. Ngoài ra những nguyên liệu kể trên cũng dễ kiếm, dễ mua được ở chợ, siêu thị nên mẹ có thể dễ dàng mua về và chế biến sơ trước cho con. Vậy là Tết này chẳng còn lo con ăn ít, biếng ăn và sụt cân nữa rồi mẹ nhỉ?