Mẹ&Con - Ở bài viết này, Mẹ&Con sẽ chia sẻ cùng độc giả một số cách phòng tránh bệnh mùa đi học cho trẻ thông qua sự tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. TP. HCM. Làm sao khi bé sợ... đi học 4 điều bố mẹ thường quên khi con đi học trở lại Sau hè, bé ghét đi học, phải làm sao?

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp, được các vị phụ huynh quan tâm nhiều nhất thông qua địa chỉ email: tapchi@mevacon.giaoduc.edu.vn 

“Bé nhà em chuẩn bị bước vào lớp 1. Mùa tựu trường sắp đến là lúc cho con tiếp xúc với môi trường mới lạ, đông người, liệu như vậy có dễ bị lây lan các bệnh trong trường học không? Em có thể làm gì để phòng bệnh cho bé, thưa bác sĩ?”

Chị Đỗ Huyền (Quận 4)

Chào chị,
Môi trường học đường là nơi khiến trẻ dễ mắc một số bệnh như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng mắt, viêm đường hô hấp… Để mỗi ngày đến trường của bé là một ngày vui, bố mẹ cần trang bị một số cách phòng bệnh thật tốt cho con trong giai đoạn đầu đi học.

Rối loạn tâm lý
Do đã quen nhận được sự chiều chuộng của bố mẹ lúc ở nhà nên khi tiếp xúc với môi trường mới, trẻ thường lo sợ bị bạn bè trêu chọc, sợ phải xa mẹ… Trẻ thường có biểu hiện sợ hãi, không chịu đến trường, thậm chí rối loạn giấc ngủ, ăn uống, mắc chứng đái dầm hoặc nín tiểu.

Biện pháp: Để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, bố mẹ nên dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng giải thích cho con biết sự cần thiết phải đến trường. Khi có biểu hiện rối loạn lo âu nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý để được xử trí kịp thời và đưa ra những lời khuyên thích hợp.

Nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở trẻ lứa tuổi bắt đầu đi học, xảy ra nhiều ở bé gái hơn bé trai. Nguyên nhân là do nhà vệ sinh ở trường không giống như ở nhà nên trẻ ngại đi vệ sinh, hay nín tiểu, lại uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu.

Cách phòng bệnh: Bố mẹ nên tập cho con thói quen đi vệ sinh đúng lúc, tránh tình trạng nín tiểu. Cho trẻ mặc quần áo có độ rộng vừa phải, khuyến khích con uống nhiều nước. Nếu thấy con có biểu hiện đi tiểu ít, tiểu dắt, đái dầm, màu sắc nước tiểu thay đổi thì bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời.

Nhiễm trùng mắt
Các bé vào năm học mới, cũng là lúc xuất hiện dịch đau mắt đỏ. Bệnh lây lan từ người này sang người khác. Một số bé thường dụi mắt hoặc cho tay vào miệng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ.

Cách phòng bệnh: Thường xuyên nhắc nhở con rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, không được lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn, gối… với các bạn khác. Trong mùa dịch, nên nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt cho con hàng ngày và dặn con hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Phải làm gì khi con “nghiện” trang điểm?
“Xin chào bác sĩ! Mới học lớp 5 nhưng khi đi chơi hay sinh nhật bạn, cả những lúc đi học, con gái tôi đều tô son môi. Có lúc còn lấy đồ của tôi ra tự trang điểm. Để bé trang điểm trong độ tuổi này có ảnh hưởng gì đến làn da và sức khỏe không ạ?Tôi phải làm gì khi con mình “nghiện” trang điểm?”

Chị Hạ Vy (Quận 1)

Chào bạn,
Hiện nay, không chỉ học sinh cấp 2, cấp 3 mà ngay cả những bé đang theo học ở các trường tiểu học, thậm chí là trẻ em lớp mầm non cũng thích tô son, điểm phấn. Chúng rất thích bắt chước, thế nên mỗi lần thấy mẹ làm là cũng bắt chước ngay.

Tác hại của việc “làm điệu” quá sớm bằng son phấn
Việc các bé sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường. Nhẹ thì bị dị ứng, nặng hơn là viêm da, kích ứng da cấp tính, mãn tính rất nguy hiểm. Làm đẹp quá sớm không chỉ gây hại đến sức khỏe mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến việc học cũng như hình thành nhân cách và tâm lý.

Mẹ phải làm gì?
• Đầu tiên bố mẹ nên giải thích cho bé hiểu về cái đẹp, đấy là sự phù hợp với môi trường sống, học tập, sinh hoạt và hài hòa với mọi người.
• Khi thấy con tô son, đánh phấn, mẹ không nên mắng mỏ hay chê trách. Mà trước hết cứ khen là đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nếu con để mặt tự nhiên.
• Mẹ nên giải thích những hậu quả có thể xảy ra (dị ứng, nổi mụn) khi con trang điểm ở lứa tuổi còn quá nhỏ.
• Định hướng cho bé tham gia việc nhà, quan tâm chăm sóc em nhỏ, giúp đỡ bạn bè, chọn các trò chơi bổ ích… Khi bé tham gia tích cực những việc đó, sẽ hình thành nên những đức tính tốt và kiểu cách điệu đà cũng sẽ giảm dần.

Đối phó khi con “nghiện” ăn quà vặt
“Cứ mỗi lần tan học, con trai tôi lại nằng nặc đòi mua cho bằng được mấy món đồ ăn vặt được bày bán trước cổng trường. Với giá chỉ vài nghìn đồng là tôi đã mua được cho cháu một gói sườn bò sấy khô, “thịt hổ”, xúc xích nướng… Ăn vào có gây nghiêm trọng đến sức khỏe của bé không bác sĩ?”

Chị Thùy Linh (Quận 12)

Chào chị,
Một trong những lý do thu hút các em mua đồ ăn vặt tại cổng trường là vì giá cả rất rẻ. Chỉ từ hai nghìn đồng là đã sở hữu một món đồ ăn như túi nổ hay một cốc nước với đủ màu sắc khác nhau. Nhiều phụ huynh vì thương con, chiều con nên đã quên đi mối hiểm họa sức khỏe đang rình rập để mua cho con những thứ đồ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xúc xích… đang “đầu độc” trẻ
Các sản phẩm bán tràn lan quanh trường học thường có phẩm màu độc hại, chứa các vi sinh vật có hại. Khi ăn có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, táo bón… Các chất tích tụ lâu ngày trong cơ thể gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, suy đa phủ tạng. Ngoài ra, khi trẻ ăn nhiều đồ ăn chiên rán dễ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu, dễ bị béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.

Giải pháp tốt nhất cho bố mẹ
• Trước hết, bố mẹ phải kiên quyết không cho trẻ tiền tiêu vặt và khuyên bảo con không nên mua đồ ăn vặt ở cổng trường, dọc đường…
• Mẹ nên chuẩn bị bữa sáng đầy đủ cho con trước lúc đến trường. Thêm một vài hộp bánh hoặc sữa để lúc đói con có thể ăn mà không phải tìm đến các quán hàng bán đồ ăn vặt.
• Phụ huynh học sinh chung tay phối hợp với nhà trường quan tâm, quán triệt vấn đề ăn uống, sinh hoạt mỗi khi các em tới trường.

Theo sự tư vấn của BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Tags:

Bài viết liên quan