Đồ chơi không chỉ để giải trí mà còn thúc đẩy phát triển tư duy ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu chọn đồ chơi cho bé không phù hợp với độ tuổi, chúng không những không đảm bảo được sự an toàn mà còn không thể kích thích tính sáng tạo ở trẻ. Do đó, việc lựa chọn món đồ theo từng độ tuổi khác nhau là điều rất quan trọng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu cách chọn những món đồ này nhé!
Bí quyết chọn đồ chơi cho bé theo độ tuổi
Đồ chơi cho trẻ sơ sinh – 6 tháng tuổi
Ngay từ lúc sơ sinh, các bé đã nên có món đồ chơi của riêng mình để thúc đẩy, kích thích các giác quan. Để kích thích thị giác, bố mẹ hãy chọn lựa những đồ chơi có màu sắc tươi sáng hoặc có sự tương phản rõ rệt như đen-trắng, xanh lam-vàng, xanh-đỏ…
Bên cạnh đó, bé cũng cần có những đồ chơi để kích thích thính giác, tạo ra âm thanh như hộp nhạc, đồ kêu bóp để tạo ra âm thanh. Để khuyến khích bé sử dụng ngón tay, bàn tay cầm nắm và nhặt đồ, những đồ chơi được gợi ý gồm bóng mềm, thú cưng, đồ chơi lắc hoặc bóp tạo ra tiếng động… Nếu bạn muốn bé tiếp xúc với sách sớm để rèn luyện trí tuệ thì hãy lựa chọn loại sách nổi, sách tranh và đọc cho con nghe mỗi ngày nhé!
Đồ chơi cho trẻ từ 6 tháng tuổi – 12 tháng tuổi
Từ 6 – 12 tháng tuổi là khoảng thời gian trẻ mọc răng, thường ngứa nướu lợi nên bố mẹ cần chuẩn bị đồ chơi cho bé có thể ngậm hoặc cắn. Đồ chơi nên có hình dạng khác nhau, tránh chất liệu quá cứng gây tổn thương răng miệng con.
Để rèn luyện các cử động của cơ chân, cơ bàn tay, ngón tay khi cầm nắm đồ vật, tăng cường sức mạnh của các cơ nhỏ như bàn tay, ngón tay, những món đồ chơi cơ bắp như bóng mềm, khối gỗ lớn, hộp thả hình là lựa chọn tốt nhất.
Ở độ tuổi này, bé đã bắt đầu tò mò muốn khám phá, biết nhiều hơn nên bố mẹ có thể đọc cho con nghe hoặc để bé tự mở sách sau đó phát âm nhằm con nhận biết về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Ngoài ra, những đồ chơi có hình khối nổi trên bề mặt nước khi tắm cũng rất hữu ích giúp tạo nền tảng toán học và định lượng cho bé.
Đồ chơi cho trẻ từ 1 tuổi – 2 tuổi
Để giúp con phát triển cân bằng cơ của các chi và rèn luyện hướng đi, bố mẹ có thể sắm những đồ kéo, đẩy tập đi. Bên cạnh đó, những món đồ phát ra âm nhanh như bộ gõ xylophone hoặc trống có âm thanh khác nhau không chỉ là cách cho trẻ nhận biết sắc thái của âm thanh mà còn rèn luyện khả năng phối hợp cơ tay, ngón tay và bàn tay.
Các đồ chơi tăng cường tư duy và trí thông minh gồm hộp thả hình hộp, tranh sách có các dạng hình học khác nhau. Bên cạnh đó, bột nặn bằng đất sét cũng là món đồ bé nên chơi để rèn luyện khả năng tập trung và óc sáng tạo trong quá trình nhào nặn thành nhiều hình ảnh khác nhau.
Đồ chơi cho trẻ từ 2 tuổi – 3 tuổi
Sự thăng bằng ở tuổi này vẫn được quan tâm để rèn luyện. Do đó, những món đồ chơi cho bé như ngựa bập bênh, xe ba bánh sẽ giúp trau dồi khả năng giữ thăng bằng các cơ tay chân, tạo sự cân đối cơ thể.
Từ 3 tuổi trở đi, bên cạnh đất sét, bạn có thể cho bé chơi các loại lego, xếp hình mà không lo bé nuốt hoặc ăn phải. Đồ chơi này không chỉ tăng cường tư duy, trí thông minh mà còn rèn sự kiên nhẫn, khả năng quan sát cũng như trí tưởng tượng của con.
Bố mẹ cũng có thể cùng con chơi đóng vai để phát triển trí tưởng tượng, cho phép con thể hiện bản thân và tìm hiểu được môi trường xung quanh mình nhiều hơn.
Đồ chơi cho trẻ từ 4 tuổi – 6 tuổi
Lúc này bố mẹ nên kết hợp các kỹ năng cuộc sống để dạy bé như đi xe hai bánh, giày trượt… Cách này không chỉ giúp ổn định chân, xây dựng sức mạnh ở cơ chân mà còn phát triển khả năng phối hợp tay mắt và tăng kỹ năng vận động tay trong cuộc sống.
Ngoài ra, bộ đồ chơi que tính, thanh gỗ để xây dựng cũng giúp phát triển khả năng sáng tạo trong việc thiết kế các cấu trúc ở trẻ. Trong quá trình đặt những hình học khác nhau, bé sẽ hiểu biết được toán học về sự cân bằng cũng như rèn kỹ năng quan sát trong khi lắp ráp.
Trò chơi đóng vai phản ánh suy nghĩ và những hiểu biết của trẻ về những gì đã và đang học. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên đặt ra những tình huống nhập vai cùng con, vừa có thể giáo dục vừa có thể kiểm soát những gì trẻ đang thấy, đang học hàng ngày.
Những nguyên tắc chọn đồ chơi an toàn
- Không chọn đồ chơi cho bé có nhiều góc cạnh, góc nhọn, sử dụng sơn độc hại. Tốt nhất nên hạn chế chọn đồ chơi bằng nhựa hoặc nếu muốn đồ nhựa để an toàn về trọng lượng thì chọn những hãng đồ chơi uy tín, vừa đảm bảo được độ bền cũng như an toàn trong quá trình chơi của bé.
- Màu sắc tươi sáng và phù hợp với từng lứa tuổi.
- Tránh mua những đồ chơi quá nhỏ như lego cho trẻ dưới 3 tuổi vì khả năng hóc nghẹn là rất cao
- Tránh mua những đồ chơi kích thích sự hung hăng, tính bạo lực như vũ khí.
- Đồ chơi không cần quá đắt tiền, nên bố mẹ có thể tự làm đồ chơi từ những vật liệu có sẵn trong nhà.
Việc lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy sự phát triển tốt cho con cái. Tuy nhiên, theo Tạp chí Mẹ&Con, điều quan trọng không phải là bé có nhiều đồ chơi mà là ai sẽ chơi đồ chơi cùng bé. Trẻ con cả thèm chóng chán nên dù bao nhiêu đồ chơi cũng nhanh chóng “nằm góc nhà”. Nhưng nếu bố mẹ chơi đùa và cùng con sáng tạo nên những trò chơi của riêng mình thì sẽ giúp bé rất nhiều trong việc phát triển tính cách cũng như tư duy. Vì thế, hãy dành thời gian để bố, mẹ và bé có thể ở bên nhau nhiều hơn, bạn nhé!