Có nhiều người bị đau đầu thai kỳ giống bạn không?
>> Có!
Cho đến lúc này, các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác tại sao thai phụ hay bị đau đầu thường xuyên hơn người bình thường. Tuy nhiên, một số suy đoán đưa ra là do thay đổi của hormone trong cơ thể, do bà bầu thường mệt mỏi, lo âu, ngủ chập chờn hơn. Những thủ phạm tiềm tàng khác là viêm xoang, dị ứng, đau mắt, stress, trầm cảm, đói hoặc mất nước…
Đối với hầu hết thai phụ, đau đầu có xu hướng giảm bớt hoặc thậm chí biến mất vào tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, bởi vì lúc này cơ thể đã được thích nghi với sự thay đổi hormone.
Có phải cơn đau đầu thai kỳ thường kéo dài hơn bình thường?
>> Có thể!
Đau đầu thai kỳ có thể kéo dài từ 4-72 tiếng đồng hồ, có thể đau nhói nghiêm trọng chỉ ở một nửa đầu, bên trái hoặc bên phải, cũng có thể đau cả đầu. Nếu không được điều trị, việc đau kéo dài thế này dễ làm cho các hoạt động thể chất của cơ thể bị ảnh hưởng. Nó cũng kéo theo một vài triệu chứng khác như nôn mửa, cảm giác choáng váng.
Có nên ghi “nhật ký đau đầu” không?
>> Ồ, rất tốt!
Các bác sĩ luôn khuyến khích bạn làm việc này. Hơn ai hết, bạn là người “hiểu” cơ thể mình nhất. Nếu bạn để ý kỹ, bạn có thể phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu và học cách tự mình khắc phục chúng không cần đến thuốc.
Chẳng hạn, nếu bạn bị quá lạnh hay quá nóng, sau đó thường là đau đầu, bạn sẽ biết cách giữ nhiệt độ trong phòng sao cho tốt nhất. Tương tự, nếu bạn nhận ra cứ mỗi lần để mình bị đói, bạn sẽ đau đầu thì cách tốt nhất để khắc phục chính là cố ăn vài chiếc bánh quy, uống một chút sữa cho dù bạn quá mệt, không muốn ăn đi nữa.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến cơn đau đầu thai kỳ là tiếng ồn, nhiệt độ, ánh sáng (ánh mặt trời quá gay gắt chẳng hạn), các loại thực phẩm, mùi hương…
Cách đối phó với cơn đau đầu
– Cẩn thận với một số loại thực phẩm chứa bột ngọt, chất bảo quản, nitrit (thường gặp ở các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích), chất ngọt nhân tạo… Chúng có khả năng gây nên cơn đau đầu.
– Tránh những nơi có tiếng ồn quá lớn.
– Không để cơ thể quá đói. Để ngăn chặn lượng đường trong máu xuống thấp, hãy chia thành từng bữa ăn nhỏ, đừng đợi đói mới ăn.
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh tình trạng thiếu nước (có thể thấy qua màu nước tiểu, màu nước tiểu càng đậm, vàng thì càng thiếu nước) nhằm hạn chế nguy cơ đau đầu.
– Cố gắng ngủ đủ giấc, hạn chế mệt mỏi, căng thẳng.
– Tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là yoga, đi bộ, thiền…
Điều trị đau đầu như thế nào?
>> Khi mang thai, bạn không thể uống thuốc đau đầu như người bình thường. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy đến bác sĩ để được tư vấn, cân nhắc việc cho thuốc.
Những cách nào giúp giảm đau đầu mà không cần dùng đến thuốc?
>> Tắm vòi sen với nước ấm có khả năng giúp bạn thư giãn đầu óc, giảm bớt cơn đau đầu. Song song đó, massage nhẹ nhàng ở vùng đầu, cổ, vai, lưng cũng có thể giúp bà bầu dễ chịu hơn. Bạn cũng có thể sử dụng gạc, khăn mềm chườm nóng hoặc chườm lạnh ở vùng đầu, mắt, thái dương, cổ.
Thực phẩm nên tránh và nên ăn
Nên tránh:
– Mọi thức uống chứa cồn, dù ở mức độ ít nhất.
– Chocolate: Chúng chứa tyramine gây chứng đau nửa đầu.
– Cà phê: Chứa caffein có thể gây đau đầu.
– Chất ngọt nhân tạo: Có trong bánh, kẹo, thạch, mứt… Chất làm ngọt nhân tạo có thể làm những mẹ bầu không dung nạp được và bị đau đầu.
Nên ăn:
– Dưa hấu: Mất nước là một trong những nguyên nhân gây đau đầu. Dưa hấu với lượng nước rất nhiều, vị ngọt thanh dịu có thể khiến cơ thể khắc phục được cảm giác đói hoặc khát.
– Sữa chua: Sữa chua cung cấp cho bạn năng lượng trong trường hợp đang quá mệt mỏi, không muốn ăn.
– Nước lọc: Mất nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đau, nhức đầu. Vì vậy, bạn đừng quên uống đủ nước mỗi ngày.