Tình trạng dậy thì sớm và cách điều trị
Mức độ dậy thì ở bé gái sẽ được đánh giá qua sự xuất hiện của lông mu và độ lớn của vòng ngực. (Ảnh minh họa)
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và đánh giá mức độ dậy thì theo thang điểm Tanner. Tức là mức độ dậy thì ở bé gái sẽ được đánh giá qua sự xuất hiện của lông mu và độ lớn của vòng ngực. Ngược lại, đối với bé trai là kích thước dương vật và thể tích của tinh hoàn.
Sau khi đánh giá chính xác trẻ đang có dấu hiệu dậy thì sớm, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để định lượng hóc môn sinh dục trong máu. Nếu hàm lượng hóc môn này tăng thì chứng tỏ trẻ đã bước vào giai đoạn dậy thì.
Tùy vào kết quả xét nghiệm và do nguyên nhân gì, trẻ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Với trẻ được xác định dậy thì do có khối u bất thường, tùy vị trí và tính chất của u, bác sĩ sẽ phẫu thuật hoặc xạ trị, các triệu chứng dậy thì sẽ sớm chấm dứt.
Trường hợp trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân thì cần phải điều trị nhiều năm bằng cách chích thuốc kiềm hãm sự tăng trưởng nội tiết tố. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được đánh giá lại các thay đổi về đặc tính dậy thì như cân nặng, chiều cao, tốc độ tăng trưởng, kích thước tuyến vú, thể tích tinh hoàn, cũng như định lượng lại hóc môn sinh dục trong máu.
Phòng ngừa tình trạng dậy thì sớm ở trẻ
– Phụ huynh nên duy trì cho con một chế độ dinh dưỡng ở mức “chuẩn”. Không nên lấy tiêu chuẩn con mập mạp mới là nuôi giỏi, phải hạn chế tình trạng tăng cân ở trẻ, đặc biệt là bé gái.
– Không dùng các sản phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm… chuyên dành cho người lớn để tắm cho trẻ. Chỉ được phép dùng sản phẩm dành riêng cho trẻ, vì trong các sản phẩm của người lớn có thể chứa estrogen (nội tiết tố nữ) có khả năng kích thích nội tiết tố của trẻ.
– Khi phát hiện trẻ có biểu hiện dậy thì sớm, bố mẹ cần phải hết sức bình tĩnh và đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết càng sớm càng tốt.