Vậy, chính xác thì suy nghĩ tích cực độc hại là gì? Vì sao những suy nghĩ này có thể “giết chết” chúng ta?
Thế nào là suy nghĩ tích cực độc hại?
Sự tích cực độc hại (toxic positivity) là khi chúng ta luôn cố gắng duy trì một thái độ tích cực trong mọi tình huống, cho dù mọi thứ có đang diễn biến tồi tệ như thế nào đi chăng nữa. Khác với một người lạc quan và luôn suy nghĩ tích cực, khi bạn đang có xu hướng tích cực độc hại, bạn sẽ cố gồng mình để gạt bỏ đi toàn bộ những cảm xúc khác. Hiểu một cách đơn giản, bạn chỉ đang cố tỏ ra vui vẻ trong khi thật sự không có cảm giác hạnh phúc.
Với cách suy nghĩ tích cực độc hại, bạn sẽ không thể nhận thức được chính xác những gì bản thân đang phải trải qua, trốn tránh việc đối mặt với những cảm xúc thực tế. Từ đó, các vấn đề khó khăn của bạn vẫn tồn tại và không được giải quyết triệt để.
Khi bạn gặp một vấn đề nào đó, thay vì tìm người để chia sẻ, bạn lại tự nhủ rằng “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó”. Như vậy, bạn cứ tiếp tục dồn nén cảm xúc của mình thay vì được giải tỏa toàn bộ nỗi buồn, hụt hẫng của mình.
Khi người khác cần sự an ủi từ bạn, bạn thường cố gắng để né tránh nỗi đau của họ hoặc tìm cách để phớt lờ nó, nói những câu an ủi vô thưởng vô phạt như “Tại sao phải buồn?”, “Mọi thứ rồi sẽ qua thôi”,… Điều này tưởng chừng như một lời động viên nhưng trên thực tế, bạn đang nhấn mạnh rằng người khác buồn vì họ làm thế, họ không muốn suy nghĩ tích cực chứ việc không đáng để buồn.
Có thể nói, sự tích cực độc hại, cố tình né tránh hay phớt lờ nỗi đau của bản thân hoặc của người khác sẽ khiến những cảm xúc buồn bã, mệt mỏi dần tích tụ và ảnh hưởng đến cảm xúc thật của bạn, khiến bạn không thể tìm ra cách để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang chìm trong những suy nghĩ tích cực độc hại?
Một sự thật đáng buồn rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra mình đang đi theo xu hướng tích cực độc hại. Chính vì thế, những suy nghĩ này cứ len lỏi bên trong chúng ta mà chẳng thể nào ngừng lại. Và nếu bạn thấy mình có những dấu hiệu sau đây, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại về cách suy nghĩ của mình hiện tại bạn nhé:
- Luôn trong trạng thái tội lỗi, tức giận với chính bản thân chỉ vì bạn đang buồn bã, mệt mỏi
- Chọn cách né tránh vấn đề
- Thường xuyên che giấu cảm xúc thật của bản thân vì nhiều lý do khác nhau như không muốn làm người khác khó chịu, không biết phải bộc lộ cảm xúc như thế nào,…
- Mỉa mai người khác nếu họ không lạc quan và tích cực
- Cố gắng vượt qua sự đau buồn mà chưa từng thực sự đối diện với chúng
Vì sao sự tích cực độc hại có thể dễ dàng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn?
Bạn cảm thấy có lỗi
Như Tạp chí Mẹ và Con đã chia sẻ, việc thường xuyên nhấn chìm bản thân trong những cảm xúc ảo sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi phải đối diện với những cảm xúc thật của chính mình. Bạn không biết phải làm sao để đối diện với những cảm xúc này. Nếu một ngày bạn cảm thấy bản thân đang giận dữ, khó chịu hay mệt mỏi, bạn sẽ tự cảm thấy có lỗi với chính mình.
Dễ bị tổn thương và dễ làm tổn thương người khác
Suy nghĩ tích cực độc hại sẽ khiến bạn không thể bộc lộ cảm xúc thật, từ đó dẫn đến việc dồn nén những trạng thái tiêu cực, lo lắng, căng thẳng bên trong mình. Điều này giống như bạn đựng nước trong một chiếc ly vậy, lâu dần, những suy nghĩ tiêu cực sẽ đầy tràn và khiến bạn bị tổn thương bởi đã ấp ủ chúng quá lâu mà chưa được giải quyết triệt để.
Hơn nữa, bạn cũng dễ làm tổn thương người khác bởi việc không lắng nghe những cảm xúc của họ, cho rằng những cảm xúc mà họ trải qua là không đúng đắn, những đau buồn của họ là do chính họ lựa chọn.
Hạn chế sự phát triển
Những suy nghĩ tích cực độc hại khiến bạn không muốn đối diện với những vấn đề đang xảy ra ở hiện tại. Việc này lâu dần sẽ khiến bạn mất đi khả năng đối diện và giải quyết vấn đề, từ đó hạn chế sự phát triển của bạn trong cuộc sống. Bởi lẽ, chỉ khi ta dũng cảm đối mặt, ta mới biết được mình cần phải làm gì để mọi thứ tốt hơn mà thôi…
Giúp bạn đẩy lùi những suy nghĩ tích cực độc hại
Trân trọng những cảm xúc thật của mình
Dù đó là suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, dù bạn đang buồn hay đang vui, hãy trân trọng cảm nhận của bản thân. Chỉ khi bạn học được cách chấp nhận những cảm xúc này, bạn mới biết mình cần phải làm gì tiếp theo. Vì thế, thay vì cố gắng tự nhủ mọi thứ sẽ ổn thôi, hãy cứ khóc nếu cảm thấy buồn bạn nhé!
Liệt kê ra những gì bạn đang phải đối mặt
Bạn có thể chọn cách viết nhật ký, vẽ, sáng tác bài hát,… hay bất cứ một hình thức nào khiến bạn cảm thấy dễ chịu nhất khi phải đối mặt với những khó khăn mà mình đang gặp phải. Việc liệt kê này giúp bạn hiểu và chấp nhận những tình huống đang xảy ra, từ đó tìm ra phương hướng để giải quyết vấn đề phù hợp nhất thay vì chỉ cố dặn lòng suy nghĩ tích cực.
Chia sẻ với người khác
Chia sẻ để giải tỏa căng thẳng hay tâm trạng mệt mỏi, buồn bã cũng là một cách để xoa dịu những tổn thương bên trong bạn. Hãy tìm cách để giải bày những nhức nhối bên trong mình. Hãy chọn một người mà bạn cảm thấy tin tưởng, chẳng hạn như một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân chẳng hạn.
Kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Nói không với suy nghĩ tích cực độc hại không có nghĩa là bạn hoàn toàn đẩy bản thân mình vào những suy nghĩ tiêu cực. Hãy kiểm soát chúng và cân bằng chúng. Sau khi “nhận diện” được những cảm xúc của chính mình, bạn hãy học cách kiểm soát những cảm xúc này bằng việc đi du lịch, mua sắm, làm những điều bản thân yêu thích để nỗi buồn có thể bị xóa bỏ thay vì lãng quên bạn nhé!
Những suy nghĩ tích cực độc hại tưởng chừng là một vấn đề bình thường nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta. Đôi khi, nhìn nhận mọi thứ đúng với những cảm xúc thật cũng là một cách để chúng ta yêu thương và thấu hiểu chính mình hơn đấy. Tạp chí Mẹ và Con thương chúc bạn luôn hạnh phúc và an yên, bạn nhé!