Mẹ&Con – Ngày xưa, cha mẹ nào có con gái bước vào tuổi dậy thì mà chưa có đám dòm ngó là lo ngay ngáy, sợ ế. Có gia đình còn nhờ đến mai mối tìm “sẵn” cho con một tấm chồng. Chọn chồng cho con, ngoài mục đích mong con mình có chỗ dựa vững chắc, họ còn mong mau chóng có cháu ẵm bồng. Ngày ấy, các cô gái lớn lên chỉ có một việc duy nhất: Lấy chồng.

Ngày nay đã hoàn toàn khác, phụ nữ được bình đẳng so với nam giới, họ có nhiều cơ hội để phấn đấu trong học hành, tạo dựng sự nghiệp. Học xong đại học vẫn thấy chưa hài lòng, lại muốn có thêm bằng thạc sĩ, tiến sĩ… rồi ngoại ngữ cũng đến vài thứ tiếng mới cảm thấy tự tin giao tiếp. Và để có được những thứ ấy, đương nhiên họ không thể lấy chồng sớm được.

“Rầm rộ” xu hướng lấy chồng muộn

Ở đa số các  nước tiên tiến hiện nay, tuổi kết hôn ở phụ nữ ngày càng cao. Như ở Nhật, cách nay một thập niên tuổi kết hôn trung bình của phái nữ là 25, nay đã nâng lên 29, 30. Ở Mỹ, phụ nữ từ 30 tuổi lập gia đình được xem là lý tưởng nhưng 40 cũng chưa gọi là “ống chề”.

Để tập trung phấn đấu, lên được tới chức này chức kia, phụ nữ Việt Nam cũng phải ngấp nghé, hoặc bước qua tuổi “băm”. Khi ấy, muốn có một mái ấm gia đình thì lại “cao không tới, thấp không đành”. Nhiều cô từ tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, vừa phải ráng thực hiện kế hoạch thăng tiến cho bản thân lại vừa không ngừng bị cha mẹ dưới quê hối thúc chuyện chồng con. Lơ luôn thì cũng tội, mà giải thích thì cha mẹ không chịu hiểu, cứ nhìn con người ta cưới mắc ham, đâm ra lo con mình ế.

Một sự thật không thể phủ nhận là bất kỳ cô gái nào cũng đều ngấm ngầm hoặc công khai khát khao một gia đình hạnh phúc. Ổn định sự nghiệp vẫn chỉ là một nửa của vòng tròn viên mãn. Họ khát khao nghe được tiếng trẻ con, khát khao một vòng tay cứng cáp, hay thậm chí chỉ mong không còn chạm phải cảm giác lạc lõng khi cuối tuần thấy mọi người có đôi có cặp.

Vì đâu “nên nỗi”?

Thi dai muon chong

(Ảnh minh họa)

Tìm hiểu sâu vào chuyện tình cảm của những phụ nữ thành đạt mà vẫn “đơn chiếc” ấy, mới thấy ngoài lý do lo công danh, sự nghiệp thì còn có 1001 lý do dẫn đến tình trạng lấy chồng muộn.

Chị T. Hà (30 tuổi) – một nhà văn trẻ viết khá nhiều kịch bản phim dành cho tuổi teen – tâm sự: “Ngày trước cũng có cặp kè, yêu đương, nhưng rồi công việc túi bụi hết ngày này qua ngày khác. Cứ mỗi khi rảnh rang chút chút để gặp người yêu thì anh ấy lại kiếm chuyện ghen tuông rồi giận dỗi. Khi ấy, thay vì cùng nhau tay trong tay hạnh phúc, lại phải đi năn nỉ, ỉ ôi. Mãi như thế, chẳng thấy được ngày nào vui vẻ nên đành… ở vậy. Một mình chẳng sợ ai trách móc, ghen tuông. Giờ chỉ tập trung cho công việc, chuyện chồng con thôi kệ, đến đâu hay đến đó vậy!”.

Chị Uyên Vy (29 tuổi) – làm việc tại Công ty V. – đi làm với hai bằng đại học loại giỏi, giao tiếp được đến hơn 3 thứ tiếng, nhưng cứ nói đến chuyện yêu đương là chị sợ. Không may mắn như những cô gái khác, yêu nhầm một gã sở khanh. Khi chỉ còn chờ ngày cưới hỏi, nghĩ mọi việc đã chắc chắn lắm nên mới nhẹ dạ trao thân cho người yêu. Chẳng may dính bầu cũng là lúc hắn lột bỏ bộ mặt giả, hiện nguyên hình. Chị một mình âm thầm giải quyết hậu quả và từ đó không dám yêu thêm ai nữa.

Thật ra, nói vậy cũng không có nghĩa là phụ nữ cứ hễ thành công trong công việc thì cùng lúc phải “lận đận” chuyện tình duyên. Vẫn có những trường hợp phụ nữ vừa chu toàn sự nghiệp mà vẫn xây dựng được tổ ấm lý tưởng cho mình như trường hợp chị Hương Duyên – trợ lý đạo diễn công ty FPT Media. Trong thời gian tốt nghiệp 2 trường đại học, chị tranh thủ thời gian… lấy chồng. Hai vợ chồng chị tạm hoãn việc sinh con trong 3 năm. Ba năm đó, khi tên tuổi chị được biết đến trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng là lúc ông xã lên chức giám đốc của Công ty mỹ phẩm Kao. Hiện tại, cả hai đều có sự nghiệp ổn định, có vị trí cao ngoài xã hội. Gia đình họ đang chuẩn bị đón bé thứ hai ra đời.

Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, vấn đề cơ bản và quan trọng nhất là mỗi người phụ nữ đều phải “sẵn sàng” cho mình tư thế mong chờ, mở rộng lòng đón nhận những tình cảm đến với mình thay vì thụ động xếp việc “lấy chồng” nằm ở một vị trí sau khi công việc đã “đâu vào đó”. Bạn còn nhiều thời gian để phấn đấu, và hãy tin rằng sự phấn đấu khi kết hợp hai người có khi sẽ tốt hơn sự phấn đấu đơn độc một mình.

Tuy nhiên, nói như thế cũng không có nghĩa là bạn nên hối hả, vội vàng, nhất là phải loại trừ hẳn tư tưởng “chọn đại” khi đã lỡ ngấp nghé tuổi 30. Dù lập gia đình sớm hay muộn thì hạnh phúc cũng là “tiêu chí” cần đặt lên hàng đầu. Đó là lý do duy nhất để bạn quyết định gật đầu với một ai đó, chứ không vì bị hối thúc, lo lắng mặt con cái mà làm liều được. Hạnh phúc không liên quan đến tuổi tác và càng không “họ hàng” gì với việc muộn hay sớm cả.

Tags:

Bài viết liên quan