Mẹ&Con – Lần đầu tới trường đi học xa bố mẹ khiến trẻ vô cùng lo lắng. Phải làm sao để con vui hơn và hòa nhập nhanh hơn? Hãy cùng tìm hiểu với Mẹ&Con nhé!
Bạn thấy trẻ khóc lóc, tủi thân, đeo bám và thậm chí có cả giận dữ khi đi học? Đó là những biểu hiện thường thấy ở trẻ nhỏ trong lần đi học xa bố mẹ đầu tiên. Điều này có thể kéo dài trong ít hoặc nhiều ngày là tùy khả năng thích ứng của mỗi bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra hơn 4 tuần mà không có dấu hiệu giảm sút thì có thể trở thành một ám ảnh tâm lý đối với bé.
Nỗi sợ đi học xa cách bố mẹ là gì?
Tâm lý sợ xa cách ở trẻ xuất hiện khi con bị tách ra với bố mẹ hoặc người chăm sóc của mình. Đây là một trong những bước phát triển quan trọng của bộ não về mặt cảm xúc và hành vi của trẻ nhỏ. Phần lớn trẻ có đã hình thành trạng thái tâm lý này từ khi 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, chúng sẽ ở đỉnh điểm trong giai đoạn 14-18 tháng tuổi. Sau đó, tâm lý này sẽ giảm dần cho đến khi 3 tuổi. Ở nước ta, trẻ nhỏ thường được gửi tới trường khi hơn 1 tuổi. Vì thế, việc trẻ có những biểu hiện như lo lắng, sợ hãi, gào khóc, đeo bám…là điều hết sức bình thường.
Vì sao trẻ nhỏ sợ đi học xa bố mẹ?
Lần đầu xa bố mẹ luôn là thử thách lớn của mỗi bạn nhỏ, đặc biệt là trẻ mầm non. Bé sẽ có cảm giác lo lắng, sợ hãi và khóc lóc, mè nheo…bởi có quá nhiều thứ lạ lẫm ở môi trường mới. Hơn nữa, con lại còn không có những người thân quen ở bên cạnh.
Thông thường tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tuần, sau đó bé sẽ quen dần và không còn sợ sệt nữa. Nhưng cũng có bé rơi vào khủng hoảng tâm lý, trở nên lầm lì, ít nói, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, khóc đêm… Với trường hợp này, bố mẹ cần phải quan sát kỹ phản ứng của bé. Đặc biệt với trẻ mầm non vì khả năng ngôn ngữ của con còn hạn chế.
Đôi khi bé sợ đi học xa bố mẹ lại xuất phát từ việc “không đâu”. Cụ thể như bé không thích màu sơn của trường, không thích hình nộm kia, không “ưa” kiểu đồng phục, bạn bè bắt nạt, cô giáo quát mắng… Cho nên, điều quan trọng là bố mẹ phải tìm ra nguyên nhân để có thể khắc phục hiệu quả nhất.
Khi “rối loạn lo âu chia ly” là một bệnh lý
Nếu đã loại trừ tất cả nguyên nhân mà trẻ vẫn không vượt qua được cảm giác lo lắng, sợ hãi khi đi học, nhiều khả năng bé yêu của bạn đang rơi vào trạng thái “rối loạn lo âu chia ly”. Bệnh lý này có tên tiếng Anh là Separation anxiety disorder). “Rối loạn lo âu chia ly” là tình trạng phát triển tâm lý không phù hợp ở trẻ. Trẻ mắc chứng bệnh này thường lo lắng quá mức về việc phải chia xa bố mẹ, các thành viên trong gia đình.
Những triệu chứng thường gặp của trẻ mắc chứng “rối loạn lo âu chia ly” :
- Nỗi lo lắng kéo dài ít nhất 4 tuần mà không có dấu hiệu suy giảm
- Mỗi khi nhắc tới đi học xa bố mẹ bé thường phàn nàn về cảm giác mệt mỏi
- Bé không chịu ở một mình mà luôn bám theo bố mẹ hoặc yêu cầu một người ở lại cùng
- Lầm lì, hay buồn, khó tập trung hoặc không chịu chơi cùng các bạn
- Gặp ác mộng lặp đi lặp lại cảnh bị tách ra khỏi người thân và tỉnh dậy khóc giữa đêm.
- Từ chối ngủ ở những chỗ khác mà không có bố mẹ
- Từ chối mọi sự chăm sóc từ cô giáo
- Lo lắng về một tai nạn nào đó có thể xảy ra nếu đi học xa bố mẹ
Phải làm gì khi trẻ sợ hãi khi đi học xa bố mẹ?
Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện trên, bố mẹ nên cho bé đi khám tâm lý để tìm ra phương pháp khắc phục kịp thời. Điều này giúp bé tránh bị lệ thuộc quá mức hoặc mắc chứng trầm cảm khi lớn.
Bất kỳ trẻ nhỏ nào lần đầu đi học xa gia đình đều có cảm giác sợ hãi, khóc lóc. Do đó, bố mẹ cần luôn quan sát, theo dõi con nhỏ sát sao trong những tuần đầu tiên này để có thể hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, đừng quên theo dõi các bài viết khác từ Mẹ&Con để có thêm kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng thiên thần nhỏ của mình, bạn nhé!