Chào bác sĩ!
Bé nhà tôi được 14 tháng. Bé phát triển bình thường về chiều cao, cân nặng lẫn mọi thứ khác. Nhưng có một điểm khiến tôi lo lắng là bé cứ hay mút tay (tật xấu này có từ hồi bé mới được vài tháng đến giờ). Tôi đã làm đủ cách, kéo tay con ra, ngăn cản, nhưng cứ hở tí là bé lại mút tay. Để bé mút tay như vậy không tốt chút nào phải không bác sĩ? Tôi nghe nói trẻ mút tay là biểu hiện bị bỏ rơi, thiếu tình thương của cha mẹ. Nhưng tôi ở bên con suốt luôn đó bác sĩ. Giờ bé đã được 14 tháng mà tôi còn chưa đi làm lại nữa, vậy thì sao lại bảo bị “thiếu tình thương” được ạ? Tôi nên làm gì để con bỏ tật xấu này?
Nguyễn Ngọc Tuệ Nghi (Quận Thủ Đức)
Trước hết, tôi muốn chia sẻ với bạn rằng mút tay ở trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng… xấu như bạn tưởng. Đúng là thói quen mút tay có thể gây nên những vấn đề về răng miệng và tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng không cần thiết phải “cấm ngặt” như thể đó là một “thói hư tật xấu” gì kinh khủng lắm. Với trẻ nhỏ, chuyện mút tay vẫn có những mặt tốt của nó mà bạn nên biết.
Ví dụ như, ở trẻ vài tháng tuổi, chuyện đưa ngón tay vào miệng mút nên được xem là tín hiệu tốt (chỉ cần ngăn đừng để trẻ làm như thế quá lâu và quá nhiều). Vì mút tay lúc này chính là quá trình bé tìm hiểu cơ thể của mình qua xúc giác, bé tập sự khéo léo cho chính đôi tay. Bạn hãy biết rằng một đứa trẻ biết mút tay thì sau này khi tập tự ăn, tự đưa thức ăn lên miệng cũng khéo léo và chính xác hơn nhiều.
Mút tay cũng là một cách để bé tự trấn an mình trong quá trình phát triển. Ví dụ như bé bị ốm, bé mệt, bé tập cách tự ru ngủ mình thì mút tay sẽ giống như một liều thuốc “an thần” lành tính trong trường hợp này. Nói như thế để bạn hiểu rằng không nhất thiết phải nhìn sự việc một cách quá tiêu cực đến mức lo lắng thái quá.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, việc mút tay thường xuyên nhất là đến khi bé thay răng vĩnh viễn sẽ dễ khiến răng mọc không đều, thậm chí bị hô. Nếu tay bé dơ và cho vào miệng thì lại có nguy cơ bị nhiễm vi trùng, vi rút, gây rối loạn tiêu hóa. Nhưng ở độ tuổi 14 tháng như con bạn hiện nay thì chưa cần thiết “cắt” triệt để việc bé mút tay, có thể gây phản ứng ngược, ảnh hưởng tâm lý ngược.
Bạn chỉ cần giữ sạch sẽ tay cho con. Khéo léo, nhẹ nhàng đùa vui với con nhiều hơn để bé bị chi phối, hạn chế số lần mút tay. Khi bé lớn hơn, đa phần thói quen này sẽ tự hết. Bạn chỉ cần thiết hỏi ý kiến bác sĩ nếu như đến giai đoạn bé 4 – 5 tuổi mà vẫn mút tay và mút tay nhiều.