Mẹ&Con - Vợ chồng tôi đã ngồi xuống bàn bạc rất cặn kẽ, sau cùng thì thống nhất để cả hai con cho cô ấy nuôi dưỡng trực tiếp (tôi sẽ chu cấp về kinh tế và vẫn lui tới thăm nom hai cháu), vì không muốn hai con phải chia cách, mỗi đứa mỗi nhà và chúng lại là con gái, sẽ cần đến sự bảo ban của mẹ hơn... Trước khi đi ngủ, nên dành cho con "nghi lễ tình yêu" Thể hiện tình yêu với con không khó như bạn nghĩ Nói với con thế nào khi cha mẹ ly hôn?

Tôi 36 tuổi, có hai con gái 4 tuổi và 6 tuổi. Vì nhiều nguyên nhân, tôi và vợ quyết định ly hôn. Chuyện người lớn thì đã xong, nhưng vấn đề là suốt nhiều năm qua, cả hai con đều xem tôi như thần tượng. Chúng quấn quýt và tất cả mọi thứ đều xem ba là số 1 (thậm chí có phần gần gũi ba hơn cả mẹ!). Vợ chồng tôi đã ngồi xuống bàn bạc rất cặn kẽ, sau cùng thì thống nhất để cả hai con cho cô ấy nuôi dưỡng trực tiếp (tôi sẽ chu cấp về kinh tế và vẫn lui tới thăm nom hai cháu), vì không muốn hai con phải chia cách, mỗi đứa mỗi nhà và chúng lại là con gái, sẽ cần đến sự bảo ban của mẹ hơn.

Hiện tại, tôi thật sự rất lo lắng cho tâm lý của hai con. Về phía mình, tôi vẫn mong mình có thể là “thần tượng” trong lòng các con, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Xin Mẹ&Con tư vấn giúp cách nào để có thể giữ gìn hình ảnh của một người cha với bọn trẻ, sau khi vợ chồng tôi đã ly hôn.

T.N.Q

Ý kiến chuyên gia

Cha mẹ ly hôn luôn là cú sốc tâm lý lớn với trẻ, nhất là khi hai cháu chỉ mới 4 và 6 tuổi. Tuy nhiên, chuyện đã rồi. Vợ chồng anh cũng đã rất quan tâm đến các con khi cùng ngồi xuống bàn bạc, để mang đến cho các cháu những gì tốt nhất có thể.

Về việc để giữ hình ảnh của cha mẹ trong lòng trẻ, khiến trẻ không sốc vì “thần tượng sụp đổ”, đây là vài gợi ý của chúng tôi, có thể hữu ích cho anh:

– Không nên bỏ nhà đi trước khi chính thức ly hôn. Thời gian này, hãy cố gắng bù đắp cho trẻ, giúp trẻ hiểu từ từ rằng trong tương lai, ba sẽ không ở đây nữa nhưng vẫn luôn quan tâm và thường xuyên quay về thăm các con. Hãy giải thích từ từ, có thể từ những câu chuyện cổ tích “tự chế”, để trẻ hiểu tình cảm của con người vẫn duy trì, kể cả khi không được thấy mặt nhau hằng ngày.

– Tập cho trẻ thói quen mới, như gọi điện cho ba lúc ba đi làm. Gọi điện về cho con, trò chuyện với con qua điện thoại vào giờ nghỉ ở nơi công sở. Điều này giúp trẻ có thể quen dần với cách chia sẻ cùng ba mọi buồn vui qua điện thoại.

– Cư xử thuận hòa với vợ. Bàn với nhau để ba mẹ cùng có cách nói chuyện với con thật nhẹ nhàng.

– Không nên sớm để trẻ biết bạn có gia đình mới. Trẻ cần thời gian để chấp nhận dần dần những thay đổi. 

– Hãy nói thật nhiều với con về chuyện bạn rất thương yêu chúng và cùng với vợ bạn có một sự chuyển tiếp từ từ, giúp con thích nghi với việc ba vắng nhà ngày một nhiều hơn.

Chúc gia đình bạn sẽ có được những giải pháp tốt nhất lúc này. 

Tags:

Bài viết liên quan