Chào chuyên gia!
Tôi và chồng đã ly hôn được 7 năm. Hiện tại con gái tôi đang học lớp 10. Suốt 7 năm qua, tôi sống một mình và tự nuôi con khôn lớn. Lúc ly hôn, cả chồng cũ và tôi đã giải tỏa những khúc mắc, do vậy, tuy không còn sống chung, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc và coi nhau như bạn bè. Anh vẫn thường tới thăm con gái và mối quan hệ giữa anh và con rất tốt. Thỉnh thoảng, con vẫn thủ thỉ mong tôi và anh quay lại với nhau. Tuy nhiên, lòng tôi đã nguội lạnh từ lâu.
Khoảng 2 năm nay tôi quen một người bạn đồng nghiệp. Anh khá tình cảm và quan tâm nhiều đến tôi. Dần dần anh cũng tạo được tình cảm trong lòng tôi. Anh hay đến nhà chơi và chuyện trò cùng con. Con gái tôi cũng có vẻ quý anh. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ bí mật với cháu về tình cảm của mình. Thỉnh thoảng, tôi có vờ hỏi cháu nếu tôi đi bước nữa, cháu nghĩ sao? Cháu phản đối kịch liệt, có vẻ buồn và giận dữ. Cháu nói ngoài ba cháu, cháu sẽ không chấp nhận bất cứ người đàn ông nào thay thế ba.
Tôi thật sự bối rối, tôi sợ chuyện tình cảm sẽ ảnh hưởng tới con gái. Người yêu mới của tôi cũng mong muốn chúng tôi có thể công khai chuyện tình cảm. Làm sao để tôi nói cho anh hiểu? Con gái là cả cuộc đời tôi, tôi không muốn làm bất cứ điều gì gây tổn thương con, nhất là trong giai đoạn tuổi vị thành niên đầy nhạy cảm này.
Yến Linh (Quận 4)
Qua thư chị chia sẻ, tôi có thể thấy được chị đã dành nhiều tình cảm cho con gái của mình. Chị hiểu và thương con vì con không được sống trong một gia đình trọn vẹn. Chính vì vậy, với vị trí là một người mẹ, chị mong mình có thể đem lại niềm vui cho con dù có phải hy sinh hạnh phúc của mình. Tuy vậy, ở lứa tuổi này, cháu khó có thể suy nghĩ như một người lớn để hiểu được sự cô đơn và những khó khăn mẹ phải một mình vượt qua để gánh vác cả gia đình. Rất tự nhiên, ở vai trò một người con, bao giờ trẻ cũng muốn hàn gắn những rạn nứt của cha mẹ (vì chúng được sinh ra từ tình yêu và sự gắn kết trong mối quan hệ của cha mẹ chúng). Do đó, khi người thứ ba xuất hiện, đồng nghĩa với việc chắc chắn sự hàn gắn trong mong đợi của trẻ sẽ không thể xảy ra. Bắt trẻ chấp nhận điều này là một quá trình gian nan, cần phải có “chiến lược” và thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn làm hài lòng con mà hy sinh hạnh phúc của mình, chị vẫn đang tiếp tục duy trì tình trạng “gia đình khuyết” chứ chưa thể cho con gái mình một gia đình tròn vẹn. Vì trong gia đình nhỏ đó, vẫn chỉ có mình chị vừa làm mẹ, vừa làm cha và phải một mình gồng gánh cho cuộc sống. Nếu có một người đàn ông hiện diện trong gia đình chị không những đỡ đần được cho chị mà còn có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Chị có thể chia sẻ khó khăn này với chồng cũ của chị. Anh có mối quan hệ tốt với con, có thể anh sẽ trò chuyện với trẻ để giúp trẻ hiểu hơn những vất vả mà chị đang gánh, cũng như những vấn đề thường gặp của những gia đình thiếu vắng người đàn ông. Khi hiểu và thông cảm, trẻ sẽ bớt thành kiến và dễ chấp nhận hơn. Mặt khác, bạn trai của chị cũng nên xuất hiện thường xuyên hơn trong sinh hoạt hàng ngày để trẻ có thể trải nghiệm được những tình huống mà bạn trai chị đã đỡ đần cho cuộc sống của gia đình như thế nào. Sửa lại cái bóng đèn bị hư, ống nước rò rỉ, hay giúp trẻ giải một bài toán khó, v.v. rõ ràng đó không phải là những việc phụ nữ thành thạo. Dần dần trẻ sẽ yêu quý người đàn ông không phải là bố ruột của mình, lúc đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Chúc chị tìm được hạnh phúc cho gia đình nhỏ.