Mẹ&Con - Bắt đầu trở thành người “tay hòm chìa khóa” của một gia đình, cảm nhận hết những lo lắng về chi tiêu, hẳn đã không ít lần bạn ước ao: Làm sao để đến khoảng 40 tuổi, mình hoàn toàn “nhẹ gánh”, không phải bận tâm nhiều đến cơm áo gạo tiền nữa nhỉ? Thực tế, đây không phải là việc quá tầm tay, nếu như bạn sớm có sự chuẩn bị từ đầu và có kế hoạch quyết tâm thực hiện điều đó nghiêm túc nhất! 7 cách tiết kiệm tiền đi chợ Lớp học tiền hôn nhân - bí quyết hạnh phúc

1. Đừng chấp nhận “túng thiếu”

Nếu bạn luôn an ủi mình bằng ý nghĩ: Ồ, thiếu thốn cũng chẳng sao cả, ở nhà trọ cũng chẳng sao cả, mỗi tháng cứ thiếu trước hụt sau cũng chẳng sao cả… thì chính điều đó sẽ cản trở bạn trên bước đường “giải phóng” mình khỏi những thắt ngặt liên quan đến tiền bạc.

Khi muốn làm gì đó, trước hết bạn phải có một mong muốn mãnh liệt, một khát khao thật sự. Bạn cần nghĩ đến điều này với một quyết tâm, nhắc nhở mình thực hiện nó từng ngày. Lời tự nhủ: “Mình phải nhanh chóng thoát khỏi áp lực kinh tế!” cần được lặp đi lặp lại với chính mình thường xuyên, trở thành một mục tiêu nung nấu trong lòng bạn.

lam-sao-de-den-khoang-40-tuoi-minh-hoan-toan-nhe-ganh

2. Làm việc thật chăm chỉ

Tiền không có khái niệm về đồng hồ, thời gian biểu hay nghỉ lễ đâu. Và bạn cũng nên như thế. Tiền yêu những người chăm chỉ! Ở tuổi 25+, vợ chồng bạn hoàn toàn đủ sức để làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Tận dụng giờ làm việc để làm thật chăm chỉ và say mê thay vì tranh thủ “giết” thời gian vào những trò vô bổ. Hãy hỏi những người thành đạt và ổn định kinh tế ở tuổi 40. Chắc chắn họ sẽ nói cho bạn nghe họ đã làm việc cật lực như thế nào trong những năm 25-35 tuổi (độ tuổi sung sức nhất của một đời người).

Đừng lãng phí khoảng thời gian “vàng” của mình. Tuổi 25+ không phải là tuổi để bạn thờ ơ tìm cách trốn việc ở công ty, hết giờ làm là đi chơi và giải trí đến tận khuya. Hãy nhớ, bạn không cần phải là người thông minh nhất hay may mắn nhất mới có thể sớm thoải mái về kinh tế. Bạn chỉ cần chăm chỉ hơn mọi người là được.

3. Luôn tìm cách tăng thu nhập

Không cần biết vợ chồng bạn đang có mức thu nhập khởi điểm là bao nhiêu, bạn đều cần nhắc mình đừng hài lòng mà phải tính toán để nỗ lực tăng thu nhập sau mỗi năm. Chẳng hạn, mức thu nhập của vợ chồng bạn hiện tại là “xyz” đồng, hãy nghĩ xem làm thế nào để sau mỗi năm, vợ chồng bạn đạt được mức cao hơn? Làm việc chăm chỉ như đã nói trên là một cơ hội để bạn tăng thu nhập. Ngoài ra, hãy hỏi thêm mình: Một chương trình học có giúp nâng cao vị trí của vợ chồng bạn trong công ty không? Một công việc làm thêm buổi tối có vừa sức với vợ chồng bạn hiện tại? Bạn sẽ học thêm ngoại ngữ để đặt mục tiêu tìm kiếm một công việc với mức thu nhập hấp dẫn hơn năm tới?

Khi đặt mục tiêu quyết tâm tăng thu nhập, bạn sẽ nhận ra mình còn thiếu những gì để đạt điều đó và thực hiện từng bước cải thiện. Chắc chắn, bạn sẽ tiến về phía trước khi với quyết tâm này.

lam-sao-de-den-khoang-40-tuoi-minh-hoan-toan-nhe-ganh

4. Đừng phung phí

Những bộ quần áo đắt tiền, những chiếc xe tay ga, những vật dụng xa hoa sẽ “vắt kiệt” thu nhập của vợ chồng bạn sau mỗi tháng. Ở tuổi 25+, hãy đặt mục tiêu tiết kiệm lên trên. Thay vì cầm trên tay khoản lương là nghĩ ngay đến chuyện làm cách nào để… tiêu xài chúng, thay vì luôn tỏ ra “sành điệu” với bạn bè trang lứa, hãy đặt ra kế hoạch để vợ chồng bạn cùng đồng lòng “thắt lưng buộc bụng”. Hãy tính đến đường xa và hãy tự nhủ với mình: “Một ngày nào đó khi hoàn toàn thoải mái về kinh tế, có được nhiều khoản thu ổn định, mình sẽ mua sắm những thứ ấy sau…”.

5. Biết chọn kênh đầu tư

Vâng, vợ chồng bạn đã làm việc rất chăm chỉ, đã nỗ lực để luôn tăng được tổng thu nhập sau mỗi năm. Vợ chồng bạn cũng đã vô cùng tiết kiệm, thay vì mua sắm thì dành dụm để có một khoản tiền dư ra nho nhỏ. Và bây giờ, trong khi nhiều người vẫn tiêu sạch số tiền mình có sau mỗi tháng, bạn lại tìm cách để đưa những đồng tiền tiết kiệm được vào một kênh đầu tư an toàn.

Ví dụ, bạn có thể chọn mua một miếng đất nhỏ vừa với khoản dành dụm của vợ chồng mình, có thể mở một tiệm may be bé – nơi bạn phát triển được năng khiếu. Tính toán cẩn thận để tìm những kênh đầu tư ít mạo hiểm, ít rủi ro, bạn sẽ khiến những đồng tiền chắt chiu của mình dần dần “đẻ ra tiền” đấy. Nếu đầu tư hợp lý, đến một lúc, bạn không cần phải sống dựa vào lương nữa, mà sẽ có được những khoản thu ổn định từ các khoản đầu tư.

lam-sao-de-den-khoang-40-tuoi-minh-hoan-toan-nhe-ganh

6. Không vay để tiêu xài

Bạn có thể vay nếu như chỉ còn thiếu một chút nữa là đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ và căn nhà đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được tiền thuê hàng tháng, sẽ hứa hẹn sinh lời trong tương lai. Nhưng tuyệt đối đừng vay nếu như chuyện này chỉ là để thỏa mãn chuyện tiêu xài, mua sắm và khoản vay không giúp bạn kiếm ra được xu nào.

Đừng quên những người sử dụng đồng tiền thông minh chỉ dùng nợ để làm đòn bẩy đầu tư và gia tăng tiền kiếm được. Trong khi đó, những người sử dụng đồng tiền không phù hợp sẽ chỉ dùng nợ để mua những thứ đáp ứng cho sở thích hiện tại và vô tình mắc kẹt trong cái bẫy nợ nần.

7. Học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thành công

Những người đã thực hiện thành công kế hoạch “thoải mái tài chính ở tuổi 40” có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với bạn. Hãy tìm đọc những bài viết của họ trên internet, đọc những cuốn sách họ đã dành thời gian viết, lắng nghe và tranh thủ cơ hội trò chuyện với họ. Bằng cách này, bạn sẽ tích lũy được thêm cho mình vốn sống, tránh được những va vấp mà họ đã va vấp thời còn trẻ. Điều đó cực kỳ có ích cho bạn trên con đường “tay hòm chìa khóa”, quản lý chi tiêu của gia đình.

8. Vợ chồng đồng lòng

Đây là điều nhắc đến cuối cùng nhưng thực tế là điều quan trọng nhất. Sẽ rất khó nếu như trong hai vợ chồng, một người cố dành dụm, tiết kiệm, đầu tư trong khi một người cứ mang tiền đi phung phí, chơi bời, thậm chí đem về nhà những khoản nợ to đùng! Vợ chồng bạn cần đồng lòng với nhau, cùng bàn bạc, cùng quyết tâm, cùng lên kế hoạch và thực hiện từng bước kế hoạch ấy. Ông bà xưa bảo: “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Nếu vợ chồng bạn có những bước song hành cùng nhau, động viên nhau hướng đến một mục tiêu sớm thoải mái về kinh tế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sau mỗi năm, bạn lại thấy mình “dư dả” ra nhiều hơn và bước ngày một gần hơn đến mục tiêu thoải mái về tài chính ở tuổi 40 của vợ chồng mình cả.

Tags:

Bài viết liên quan