Mẹ&Con - Không ít phụ nữ hiện tại đang cảm thấy quá chật vật khi phải xoay xở giữa hai cán cân: Một bên là công việc, một bên là gia đình. Bí quyết cân bằng cuộc sống sau sinh Khi vợ chồng chênh lệch về mọi mặt

Nếu bạn đang gặp trường hợp tương tự, đừng bỏ qua bài viết bổ ích này nhé!

Toát mồ hôi để… giữ thăng bằng!

Hơn 8 giờ tối, khu xóm nhỏ trên đường L.V.T (Gò Vấp) được một phen… náo loạn. Tiếng vật dụng vỡ loảng xoảng vang lên, kèm theo là câu chì chiết: “Cô làm gì giờ này mới về nhà? Cái công ty của cô quan trọng hơn con đang trong bệnh viện phải không? Có người mẹ nào như cô không?”. Nghẹn trong những thanh âm, hàng xóm vẫn nghe từng tiếng nức nở không thành tiếng…

Chị Nguyễn T.H – “chủ nhân” của những tiếng nức nở trong câu chuyện trên – thở dài chia sẻ hoàn cảnh của mình: “Ảnh đang thất nghiệp nên cáu bẳn vậy đó, chứ mình có phải là người không biết lo cho gia đình đâu. Cưới xong thì có con, con hãy còn bé xíu thì chồng… thất nghiệp. Thu nhập trong gia đình thiếu trước hụt sau đủ thứ. May mà mình đi làm lại thì gặp được công việc tốt. Mình như vớ được cái phao cứu sinh, phải dốc toàn lực vào đó với hi vọng đủ thu nhập lo toan cho con. Nhưng đâu phải vậy thì mình lơ là việc nhà. Hễ buông việc ở công ty là mình đầu tắt mặt tối lật đật về với con. Rồi trăm thứ việc chợ búa cơm nước. Bữa nay con bệnh nhưng mình có việc quan trọng vẫn phải làm việc đến hơn 7 giờ rưỡi. Về đến nhà chưa kịp thở, thì đã vậy đó…”.

Làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình? 5

Thật sự, người phụ nữ sau khi lập gia đình, sinh con mà vẫn giữ được cân bằng giữa công việc và gia đình thì khó như… hái sao trên trời, đặc biệt là với những người tương đối mê việc, hoặc bận rộn vì công việc. Thạc sĩ Hoàng Thị Hồng Ngân (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) phân tích: “Trước đây, xã hội phân công đàn ông là người bước ra ngoài, kiếm tiền, lo toan các việc đối ngoại, tài chính gia đình; còn phụ nữ là người chăm sóc con cái, gia đình, lo toan những việc đối nội. Theo thời gian, sự phân định này không còn rạch ròi nữa. Phụ nữ bước ra ngoài, cũng phải kiếm tiền, làm việc, cũng phải tự lập và góp phần vào việc lo cho tài chính của gia đình. Thế nhưng, cái suy nghĩ phụ nữ thì phải đảm đang, phải lo việc nhà, phải gánh hết việc chăm sóc con cái thì dường như vẫn… không thay đổi. Hóa ra, theo thời gian, phần trách nhiệm và công việc của không ít người đàn ông được giảm đi, trong khi phần trách nhiệm và công việc của không ít người phụ nữ tăng lên gấp bội! Nhưng không phải đức lang quân nào cũng chịu nhìn thấy, cảm thông, góp tay vào chia sẻ, gánh vác những điều này. Cái áp lực giỏi việc nước, đảm việc nhà là một thứ áp lực kinh khủng mà xã hội vô tình cứ gán lên cho người phụ nữ, để rồi họ thậm chí không còn có được một giây phút của riêng mình…”.

Cần lắm một bờ vai sẻ chia…

Bạn bè trong lớp báo chí 98BC của trường Đại học KHXH & NV ngày xưa vẫn còn không quên được một trường hợp… bi hài. Tốt nghiệp đại học loại khá giỏi, N.P có ngay việc làm tại một tòa soạn lớn. Công việc của nữ phóng viên thời sự – xã hội một tờ báo ngày hoàn toàn không đơn giản. Cô phấn đấu, nỗ lực, cố gắng đủ điều để vào được chính thức, rồi nhanh chóng khẳng định mình với những giải báo chí, những bài báo được đánh giá cao. Thế nhưng, có ai từng đến nhà của N.P lúc ngoài giờ, mới thấm thía hết cái… cực của cô.

Sinh con thiếu tháng nên bé bị đau yếu liên miên. N.P. một mình xoay xở giữa việc chăm con, đưa con đến bệnh viện với công việc của mình. Đã thế, chồng lại là người hết sức… vô tư. Hễ vợ đòi hỏi cùng phụ lo việc nhà, chăm sóc con, thì anh bảo ngay: “Có ai bắt em làm đâu, em muốn mình được vinh quang, được thăng tiến, được kiếm tiền, được độc lập thì em mới vậy. Chứ nếu em ở nhà, anh cũng thừa sức nuôi em và con rồi!”.

Nhiều người bạn xót ruột khi gặp P. đầu bù tóc rối, không có lấy chút thời gian rảnh cho riêng mình khuyên rằng: “Thôi hay là đổi việc nào khác nhàn hơn đi…”, nhưng P. chỉ thở dài: “Mình mê công việc này mà. Với lại, ảnh nói thì nói vậy, chứ nhà ảnh tính toán so đo dữ lắm. Mẹ chồng kiểm soát từng đồng ảnh kiếm được. Ảnh đưa cho mình mỗi tháng có 5 triệu, vừa lo cho con vừa quán xuyến nhà cửa mà mẹ chồng suốt ngày bảo… đưa nhiều thế! Mình mà phụ thuộc kinh tế vào ảnh thì e rằng không nhẹ thở chút nào đâu!”.

Làm sao cân bằng giữa công việc và gia đình? 6

Quả thật, để theo được công việc mình yêu thích, người đàn ông cần phấn đấu một thì người phụ nữ (nhất là khi đã lập gia đình, sinh con) phải cố gắng đến hai, ba. Gánh lấy một bên là gánh nặng gia đình, một bên là công việc và áp lực kinh tế, nhiều phụ nữ được xếp vào nhóm “thành đạt” vẫn thú thật: “Thành đạt được hay không, cân bằng được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự thông cảm và đỡ đần của chồng. Gặp người chồng thương vợ, muốn nâng đỡ vợ, tạo điều kiện cho vợ phát triển thì mừng lắm. Đó là hạnh phúc lớn nhất… Ngược lại, gặp người chồng chỉ chuyên cản trở, thậm chí trút công việc nhà qua vai vợ, thì nhiều lúc phải cắn răng mà chịu thôi!”.

Chính người viết bài này cũng từng nhìn thấy cảnh một người vợ sau cả ngày ngược xuôi làm việc bên ngoài, về đến nhà phải vội vào bếp nấu cơm mà vẫn “được” nghe lời mát mẻ của mẹ chồng: “Cô giỏi giang quá, làm sếp tận đâu đâu… Còn nhà cửa thì cơm canh nguội ngắt, bảy giờ tối con trai tôi còn chưa có được miếng cơm ăn!”. Hãy khoan trách vội rằng “vợ như thế thì tệ quá, phụ nữ có thế nào cũng phải lo lắng nhà cửa chứ”. Nếu như bạn biết rằng người chồng ấy lương tháng chỉ chưa tròn 3 triệu đồng, lo cho chính mình còn chưa nổi chứ nói gì đến chuyện lo cho con… Nếu bạn biết rằng không phải vô cớ mà người vợ phải tất tả bên ngoài để thu vén kinh tế gia đình… Nếu bạn biết rằng đã rất nhiều tháng nay, người vợ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” còn chưa có được một buổi tối của riêng mình để xem cho trọn một bộ phim… Vâng, nếu bạn biết hết những điều ấy và còn có một tình yêu thật sự dành cho vợ của mình, bạn sẽ biết rằng người phụ nữ nào cũng cần lắm một bờ vai sẻ chia, bởi nói như một nhà văn nổi tiếng: “phụ nữ muôn đời mỏng manh và yếu đuối”!

Tags:

Bài viết liên quan