Trầm cảm khi mang thai là một trong những vấn đề không mẹ bầu nào mong muốn. Bởi nó đem đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc tìm hiểu những nguyên nhân, dấu hiệu và mối nguy hại của chứng trầm cảm thai kỳ là rất cần thiết.
Tạp chí Mẹ và Con sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ và nắm những thông tin quan trọng để đối phó với nỗi lo ngại này dễ dàng hơn.
Hiểu đúng về chứng trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai xảy ra như thế nào?
Mẹ bầu bị trầm cảm trong những ngày tháng thai kỳ sẽ trải qua những sự biến đổi trong cảm xúc, khó điều tiết được tình trạng tâm lý, thường xuyên rơi vào cảm giác buồn bã, đôi khi là lo lắng, tức giận. Một số mẹ bầu còn không nhận ra được bản thân đang bị trầm cảm khi mang thai và không dám chia sẻ với ai về cảm xúc thật của bản thân. Nếu không có sự giúp đỡ và động viên từ gia đình, bạn bè, mẹ bầu sẽ rất khó vượt qua. Cả sức khỏe của mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Chứng trầm cảm khi mang thai có thật sự phổ biến?
Theo thống kê từ nghiên cứu về thực trạng căn bệnh tâm lý này, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị trầm cảm chiếm tới 14-23%. Thậm chí, con số này còn cao hơn tỷ lệ ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh (người trải qua biến cố đau lòng, bị sang chấn tâm lý…). Sự phổ biến của chứng trầm cảm khi mang thai này như một lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình hãy quan tâm tới người mẹ nhiều hơn. Bởi lẽ, hậu quả của chứng bệnh này nghiêm trọng hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Dấu hiệu mẹ bầu đang bị trầm cảm thai kỳ
Chứng trầm cảm thai kỳ có biểu hiện khác nhau ở mỗi người, thậm chí mẹ bầu còn nhận thấy sự khác biệt ở những lần mang thai khác nhau. Vì thế, nếu nhận thấy những sự thay đổi khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, rất có thể đó là những dấu hiệu của chứng trầm cảm khi mang thai. Mẹ bầu có thể tham khảo thêm một số triệu chứng trầm cảm phổ biến như sau:
- Lo lắng và suy nghĩ quá nhiều về thai nhi.
- Cảm thấy buồn bã, chán nản, choáng ngợp trước những thay đổi trong cuộc sống, không tìm thấy niềm vui trong những hoạt động hàng ngày.
- Không còn hứng thú với những thói quen trước đây, chán ăn, mất ngủ kéo dài hoặc ăn nhiều một cách bất thường.
- Thường xuyên có cảm giác tội lỗi khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, dễ bị tủi thân khi xảy ra mâu thuẫn với chồng.
- Khó duy trì sự tập trung, đôi khi còn hình thành nhiều suy nghĩ hoang tưởng.
- Khó kiểm soát được sự tức giận, hay có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí không tìm thấy hy vọng sống tiếp.
- Có xu hướng tạo khoảng cách với những người xung quanh, không muốn chia sẻ, khép mình hơn.
Những nguyên nhân bị trầm cảm khi mang thai
Lý do người mẹ bị trầm cảm trong thai kỳ có thể đến từ đa dạng yếu tố bởi hoàn cảnh sống của mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý đã tổng hợp được 4 nguyên nhân phổ biến như sau:
- Sự thay đổi hormone trong cơ thể: Những biến đổi về nội tiết trong cơ thể khiến người mẹ trở nên nhạy cảm, dễ xúc động hơn.
- Mẹ bầu phải chịu áp lực tài chính: Phần lớn phụ nữ có thai hiện nay chưa được nghỉ ngơi hoàn toàn mà vẫn phải lo lắng, tính toán về chuyện tiền bạc. Họ vẫn phải làm việc và lên kế hoạch dự trù kinh phí cho việc sinh con và nuôi con sau này. Những áp lực này khiến mẹ bầu căng thẳng và lo lắng triền miên.
- Gia đình chưa đủ quan tâm đến người mẹ: Thai kỳ là giai đoạn nhạy cảm, mẹ bầu khó kiểm soát được tinh thần và dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu người chồng và các thành viên trong gia đình không đủ quan tâm, thấu hiểu, mẹ bầu sẽ dễ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm.
- Yếu tố di truyền: Khi gia đình có mẹ hoặc chị gái cũng từng phải đối mặt với chứng trầm cảm khi mang thai, rất có thể bạn cũng sẽ phải trải qua chứng bệnh này.
Mối nguy hại của trầm cảm trong thai kỳ
Nếu tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ, mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi không cao nhưng sẽ để lại nhiều di chứng sau này. Tuy nhiên, ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu có thể phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, thai nhi phát triển kém hoặc rủi ro sinh non nếu không kiểm soát được chứng trầm cảm.
Ở những người mẹ có triệu chứng trầm cảm nặng, em bé thậm chí còn phải chịu những hậu quả như rối loạn hành vi, chậm phát triển ngôn ngữ và có tỷ lệ mắc tự kỷ cao hơn những đứa trẻ có mẹ trải qua thai kỳ khỏe mạnh.
Mẹ bầu nên làm gì khi bị trầm cảm?
Bạn nên sớm nhận ra tình trạng bệnh và tiếp nhận điều trị dứt điểm để sức khỏe thể chất và tinh thần được cải thiện tốt hơn. Một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả đáng tiếc là người mẹ không chịu điều trị và chưa mở lòng chia sẻ về trạng thái tâm lý của bản thân. Dưới đây là một số lựa chọn về cách điều trị trầm cảm cho mẹ bầu tham khảo:
- Trị liệu tâm lý: Liệu pháp điều trị này sẽ giúp mẹ bầu có cơ hội được mở lòng và chia sẻ về những khó khăn, áp lực bản thân đang gặp phải. Bạn có thể tìm đến những chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm để được tháo gỡ những khúc mắc trong lòng. Nếu kiên trì điều trị theo liệu pháp này, bạn sẽ dần cải thiện được tình trạng rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu.
- Yêu cầu sự giúp đỡ của chồng và người thân, bạn bè: Nếu mẹ bầu chịu chia sẻ và tâm sự nhiều hơn, những người xung quanh sẽ hiểu và thông cảm cho những khó khăn bạn đang gặp phải. Từ đó, người chồng sẽ quan tâm và đồng hành cùng bạn trước những áp lực, căng thẳng mà bạn phải chịu trong thai kỳ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Để có tinh thần lạc quan, bạn phải đảm bảo thể chất luôn ở trạng thái tốt nhất. Quan trọng hơn hết mẹ bầu nên tập thể dục những bài tập phù hợp với tình trạng thai kỳ, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh kết hợp thêm nhiều thực phẩm có lợi cho giấc ngủ. Khi cơ thể được ngủ đủ giấc, tinh thần sẽ sảng khoái và tích cực hơn.
Quá trình thai kỳ là khoảng thời gian đẹp và thiêng liêng, nhưng đôi khi nó cũng là nguyên nhân khiến người mẹ bị áp lực, căng thẳng. Ngoài việc giúp mẹ củng cố sức khỏe thể chất, các thành viên trong gia đình nên quan tâm nhiều hơn tới trạng thái tinh thần của người mẹ.
Trầm cảm khi mang thai là chứng bệnh không ai mong muốn. Dù thế, nếu chẳng may chúng đến với bạn, hãy nhẹ nhàng đón nhận và yêu cầu sự giúp đỡ từ gia đình để nhanh chóng vượt qua nhé.