Mẹ&Con – Vợ chồng xích mích, cãi nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”, không có gì đáng để ầm ĩ, tuy nhiên có những trường hợp khiến người ngoài cuộc biết được phải lắc đầu chào thua.

Chuyện bé xé ra cho to

Yêu nhau từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Hạnh và Tuấn quyết định làm đám cưới sau khi ra trường. Tưởng đâu đó là “biện pháp” hiệu quả để kết thúc những giận hờn, ghen tuông của cả hai, nào ngờ cưới nhau về mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn. Đôi khi chuyện nhỏ chỉ bằng móng tay cũng có thể làm cho to. Kết quả thường là Hạnh bỏ về nhà mẹ ruột, thậm chí hù nhau đòi… li dị.

Sau những lần cãi vã, cá nhân mỗi người lại chất chồng nỗi oán hận. Từ những người trình độ học vấn cao, song bao nhiêu từ “chợ búa” nhất khi cãi vã đều được kê ra cho hết. Rồi không tiếc lời xúc phạm lẫn nhau đến mức nếu ai tình cờ nghe được sẽ không dám tin là họ có thể đầu ấp tay gối với nhau.

Chưa hết, tất cả chuyện quá khứ họ cũng liệt kê ra không bỏ sót. Trận cãi vã được chuyển từ lý do ban đầu sang thành lý do khác, tình hình càng gay gắt và đừng mong chuyện tháo gỡ dẫn đến kết thúc, trừ khi cả hai mỏi mệt không còn sức để mà cãi.

vợ chồng khắc khẩu

(Ảnh minh họa)

Nhưng dù sao họ cũng chỉ dừng lại ở mức cãi nhau, hàng xóm nghe mãi thành quen cũng không lạ lẫm gì. “Coi vậy chứ hôm sau đã thấy chở nhau ngoài đường, đùa giỡn với nhau như tình nhân” – chị Hà, hàng xóm của họ cho biết. Còn chuyển sang “level” (đẳng cấp) như vợ chồng Nam thì lại là chuyện khác. Vợ chồng Nam cãi nhau lần nào cũng phải đụng tay đụng chân, thậm chí bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều tan nát hết. Lúc đó mới là thảm hại.

Nhân viên công ty Nam bị cắt giảm 20% lương, buồn buồn Nam theo nhóm bạn đi nhậu để giải sầu. Về nhà đã quá nửa đêm. Vợ kiểm tra thấy số tiền trong túi vơi đi gần nửa. Nam biết sai và nhận lỗi nhưng cái miệng chua ngoa nói dai dẳng của vợ không ngớt sỉ vả anh. Bực mình, Nam cũng nói lại và bới móc những lỗi lầm trước kia của chị. Vậy là thành cuộc cãi nhau to. Khi cuộc ẩu đả đi đến hồi kết cũng là lúc bao nhiêu bát đĩa, thìa đũa, ấm chén, nồi xong bị ném la liệt đầy sân. Chưa thấy “đã”, cả hai còn lôi cả… dòng họ nhau ra chửi vô tội vạ. Nhất định không ai chịu nhường ai tiếng nào.

Sau những cuộc tranh cãi, bất kể là người thắng hay kẻ thua, ít nhiều gì mức độ tôn trọng nhau cũng giảm đi. Đó là chưa kể đến những cặp vợ chồng đã có con cái. Mới mười chín tuổi, Thu đã về làm vợ Khoa với cái bụng vượt mặt. Khi ấy, Khoa vẫn còn đang tuổi ăn, tuổi chơi là chính. Thời gian đầu, hai vợ chồng còn cặp kè đi chơi buổi tối như hồi yêu nhau. Khi cái thai ở những tháng cuối, Khoa đâm ngại, không dám chở vợ đi đâu. Thu tủi thân khóc lóc trách hờn. Cả hai xung đột vì cảm thấy không còn hợp nhau như trước nữa.

Cuộc đấu khẩu trở nên tồi tệ với những ngôn từ nặng nề. Khoa  tỏ ra người lớn một cách không cần thiết: “Anh xin lỗi, có thể tình yêu của chúng ta là sai lầm của tuổi trẻ”. Thu cũng không vừa: “Em cũng cảm thấy như vậy, rất tiếc nhưng chúng ta nên chấm dứt tại đây!”.

Thu bỏ hẳn về nhà mẹ ở. May mà có người lớn hai bên kịp thời can thiệp. Nếu không “hai đứa trẻ” vẫn quyết định bỏ nhau chỉ vì một chuyện cỏn con xé ra cho thành to rồi thành phức tạp.

Một điều nhịn chín điều lành

Câu nói mà các bậc tiền bối để lại trở thành phương châm sống rất hay cho mãi đến tận bây giờ. Thật khó mà kềm chế được trong lúc đang nóng giận. Nhất là khi cuộc đấu khẩu đang xảy ra. Điều cần thiết là vợ, hoặc chồng cần bình tĩnh, tìm ra mấu chốt vấn đề để giải quyết cho cả hai.

Thu thừa nhận: “Cãi thì cãi nhau vậy, nhưng mình vẫn yêu anh ấy và biết anh ấy cũng thế. Có lần, anh ấy đột nhiên xuống nước, nhận lỗi khiến mình nhận ra những giận hờn, hơn thua thật là nhỏ nhặt. Lúc ấy, cả hai rối rít xin lỗi nhau và làm lành ngay”.

Người xưa cũng có câu: “Bát đũa trong chạn còn có khi xô”, sự chung đụng của đời sống vợ chồng có xảy ra xích mích cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn dửng dưng, không tìm cách giải quyết thấu đáo thì có thể để lại hậu quả đáng tiếc về sau.

Làm gì khi vợ chồng hay “khắc khẩu”?

– Cố gắng kiềm chế để không thốt ra những lời khó nghe. Tuyệt đối không hạ nhục, moi móc, bêu xấu chuyện riêng tư.

– Thử đặt mình vào vị trí người ấy, biết đâu bạn sẽ dễ dàng tìm ra nguyên nhân sự việc.

– Tránh trao đổi những vấn đề căng thẳng vào thời điểm cả hai đang… đói. Khi đói bụng dễ dẫn đến mất bình tĩnh cho cả hai.

– Không cãi nhau trước mặt người khác.

– Uống một ly nước hay hít thở thật sâu, thả lỏng cơ thể và tưởng tượng đến những gì tốt đẹp nhất, mọi thức giận sẽ tan biến.

Tags:

Bài viết liên quan