Mẹ&Con – Nếu cha mẹ phát hiện hội chứng tự kỷ ở trẻ càng sớm càng tốt (dưới 36 tháng) thì xác suất có thể khỏi hoàn toàn hoặc ít nhất là giúp trẻ hồi phục tốt, gần như bình thường là rất cao.

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi chỉ mới được 2 tuổi, thế nhưng bé có một số dấu hiệu bất thường như ít quan tâm đến mọi thứ xung quanh, chậm phát triển ngôn ngữ nên tôi đưa con đi khám. Sau khi thực hiện hết các bước kiểm tra thì bác sĩ báo cho tôi biết một điều mà tôi không dám tin vào tai mình: con tôi bị tự kỷ dạng nhẹ.

Tôi rất hoang mang dù bác sĩ trấn an rất nhiều. Gia đình tôi và cả gia đình bên chồng đều không có ai gặp vấn đề tương tự. Tôi không thể tưởng tượng được vì lý do gì mà con mình lại bị tự kỷ như thế. Liệu bé có khỏi không và tôi phải xử xử như thế nào thưa bác sĩ?

Nguyễn Hoàng Bảo Châu (Quận 3)

bác sĩ trả lời

 

Hiểu một cách đơn giản, tự kỷ là hội chứng rối loạn sự phát triển bình thường, trong đó bao gồm sự khiếm khuyết về khả năng quan hệ xã hội, sự khiếm khuyết về khả năng giao tiếp (ngôn ngữ) và sự rối loạn về hành vi. Tỷ lệ các bé trai mắc bệnh này nhiều gấp 4 lần bé gái, dù đến nay khoa học vẫn không thể hiểu được tại sao lại như thế.

Bạn phát hiện được con có dấu hiệu bất thường khi bé mới 2 tuổi là một điều may mắn vì phát hiện được sớm thế này (dưới 36 tháng) thì xác suất có thể khỏi hoàn toàn hoặc ít nhất là giúp trẻ hồi phục tốt, gần như bình thường là rất cao. Do đó, bạn đừng quá lo lắng hoặc khổ tâm, dằn vặt, day dứt mà quan trọng là hãy tập trung dành thật nhiều thời gian cho con, tích cực cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời này.

Một điều nhắc riêng với các bà mẹ có con dưới 3 tuổi. Bạn phải luôn để ý đến các biểu hiện của con mình, không nên chủ quan, vì rất nhiều bà mẹ phát hiện con tự kỷ rất muộn, khi trẻ đã 4 – 5 tuổi hoặc thậm chí là lớn hơn. Tự kỷ phát hiện càng sớm càng thuận lợi cho quá trình chữa trị và thật ra cũng không khó phát hiện. Hãy để ý những dấu hiệu căn bản ở trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) như trẻ không thay đổi tư thế, không giơ tay ra khi sắp được bồng bế như trẻ bình thường. Biểu hiện cảm xúc của trẻ thường rất thờ ơ (nhiều bà mẹ tưởng lầm con mình ngoan vậy thì… tốt quá!), không quan tâm nhiều đến thế giới xung quanh, tránh tiếp xúc, không quan tâm đến người khác. Trẻ cũng không sợ người lạ, không lo âu khi phải xa bố mẹ (mẹ đi làm trẻ không hề quan tâm, không khóc nên nhiều mẹ cứ tưởng lầm, mừng vì con ngoan quá, ít quấy mẹ!). Trẻ cũng cực kỳ dễ tính theo kiểu đặt đâu nằm/ ngồi đó, hầu như không đòi hỏi hay quấy quả gì như trẻ bình thường.

Ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường đầu đời đó ở con mình, mẹ cần lập tức quan tâm, hỏi ý kiến bác sĩ, không nên chủ quan tự hào rằng con mình “ngoan”, dễ tính rồi cứ bỏ mặc trẻ với vài món đồ chơi, đi làm trở lại sớm, chỉ chăm lo đến chuyện ăn ngủ của con chứ không nhận ra con phát triển không bình thường.

Quay lại chuyện của bạn. Như đã nói, việc hiện giờ nên làm là bạn cần gặp chuyên viên tư vấn, bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu, trao đổi, chấp nhận sự việc một cách bình tĩnh nhất và lạc quan nhất (chúng tôi gọi là “chữa” cho mẹ trước, sau đó mới “chữa” cho con). Kế đến, nên tích cực điều trị tập trung, sắp xếp công việc để nếu có thể thì dành thời gian càng nhiều càng tốt bên cạnh trẻ trong thời gian này. Bạn hãy cố gắng hiểu bé, hòa nhập vào thế giới của bé hơn là kỳ vọng, nôn nóng bắt ép bé phải thay đổi theo hướng mong muốn của mình. Nuôi dạy một đứa con bình thường cần một phần kiên nhẫn thì nuôi dạy một đứa con tự kỷ cần đến 2 – 3 phần, thậm chí nhiều hơn sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, hãy tin tưởng và cố gắng. Luôn tự nhủ với mình rằng được phát hiện khi mới 2 tuổi, bé có rất nhiều cơ hội trở lại bình thường hoàn toàn. Chúc bạn vững lòng và nhiều nghị lực để thành công.

Bác sĩ Phạm Khuê Anh

Tags:

Bài viết liên quan