Mẹ và Con - Khi bị tụt huyết áp, chỉ số huyết áp hạ thấp hơn so với khoảng giới hạn sinh lý cho phép nhưng không can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến những tổn hại đối với sức khỏe. Vậy làm sao để nhận biết tụt huyết áp và nếu chẳng may tụt huyết áp bất ngờ thì cần phải làm gì?

Tụt huyết áp lâu dài khiến não và các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương và khó hồi phục. Do đó, khi huyết áp giảm thì nên can thiệp xử trí ngay lập tức để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Tụt huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch với tác dụng đưa máu đến các cơ quan của cơ thể. Huyết áp sẽ được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg), với 2 chỉ số là:

  • Huyết áp tâm thu: bình thường trong khoảng 90 đến dưới 130 mmHg
  • Huyết áp tâm trương: bình thường trong khoảng 60 đến dưới 90 mmHg

Có 3 tình trạng huyết áp là cao huyết áp, huyết áp bình thường và tụt huyết áp. Trong đó, tình trạng huyết áp giảm được ghi nhận khi huyết áp giảm xuống dưới mức cho phép, tức giảm dưới 90/60 mmHg (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg).

Tụt huyết áp kéo dài không được điều trị, khắc phục có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như sốc, đau tim, suy thận, tổn thương não, đột quỵ,…

tụt huyết áp là gì

Nguyên nhân tụt huyết áp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp giảm so với mức bình thường, chẳng hạn như:

  • Bà bầu bị tụt huyết áp
  • Đang bị nhiễm trùng nặng
  • Thiếu chất dinh dưỡng
  • Nằm trên giường quá lâu
  • Tác dụng phụ của một số thuốc
  • Có phản ứng dị ứng nghiêm trọng
  • Bị giảm thể tích máu
  • Mất nước
  • Mất máu
  • Có vấn đề nội tiết
  • Mắc các bệnh lý tim mạch

Dấu hiệu tụt huyết áp

Một số triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:

  • Chóng mặt
  • Hoa mắt, mờ mắt
  • Choáng váng, mất thăng bằng
  • Mất khả năng tập trung
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Ngất xỉu

dấu hiệu tụt huyết áp

Vì chỉ số huyết áp của từng người sẽ không giống nhau nên có những trường hợp bạn có huyết áp thấp nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng gì, đặc biệt là các triệu chứng nguy hiểm đối với cơ thể thì vẫn được xem là huyết áp bình thường, không phải tụt huyết áp.

Làm gì khi bị tụt huyết áp bất ngờ?

Tụt huyết áp bất ngờ vô cùng nguy hiểm bởi lúc đó bạn không biết phải xử trí như thế nào và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe. Khi bị tụt huyết áp, xử trí càng nhanh thì càng dễ tránh được các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.

Cách xử trí khi thấy một người bị tụt huyết áp trước tiên phải xác định xem người đó có bị tiểu đường hay không để loại trừ nguy cơ hạ đường huyết. Nếu bạn bị tụt huyết áp, bạn có thể bỏ qua bước này nếu từ trước đã biết mình có bị tiểu đường hay không. Nếu không, nên xử trí theo các bước tiếp theo và sau đó đến bệnh viện để được kiểm tra chính xác xem mình có bị tiểu đường không.

Sơ cứu cho người bị tụt huyết áp:

  • Giữ bình tĩnh
  • Để người bệnh ngồi hoặc nằm ở bề mặt phẳng sao cho chân cao hơn đầu
  • Lấy nước trà đặc, trà gừng, cà phê, nước sâm,… cho người bệnh. Có thể thay bằng một món ăn mặn nào đó hoặc socola cũng được. Trong trường hợp không có các món ăn này thì có thể cho người bệnh uống nhiều nước lọc để tăng chỉ số huyết áp tạm thời do tim được kích thích đập nhanh hơn, nhịp tim tăng.
  • Nếu người bệnh đã từng bị tụt huyết áp trước đây và có thuốc theo kê đơn của bác sĩ thì cho người bệnh uống thuốc.
  • Đợi các triệu chứng tụt huyết áp dần thuyên giảm thì đỡ người bệnh ngồi dậy. Không quên nhắc người bệnh nhớ cử động tay chân trước khi ngồi.

Làm gì khi bị tụt huyết áp

Trong trường hợp tình hình tụt huyết áp không được cải thiện thì nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời điều trị.

Thường xuyên bị tụt huyết áp nên làm gì? 

Trong nhiều trường hợp, người bị tụt huyết áp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì không cần uống thuốc hay can thiệp y tế. Chỉ cần lưu ý thực phẩm ăn uống hằng ngày, những gì nên ăn và những gì không nên ăn, những gì nên làm và không nên làm là được.

Tụt huyết áp nên ăn uống gì ?

Về chế độ ăn uống, người bị tụt huyết áp nên cố gắng ăn mặn hơn bình thường một chút, tăng lượng muối dung nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn ăn quá mặn bởi lạm dụng muối trong các bữa ăn có thể dẫn đến suy tim, suy thận. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp.

Ngoài ra, nên chia nhỏ bữa ăn. Đây cũng là một cách đảm bảo năng lượng cho cơ thể hoạt động trong một ngày dài, không bị mất năng lượng, tụt huyết áp.

Một lưu ý khác về chế độ dinh dưỡng cho người bị tụt huyết áp chính là nên uống nhiều nước để tăng thể tích máu, hạn chế nguy cơ hạ huyết áp. Bên cạnh đó, uống nhiều nước cũng có thể tránh được tình trạng mất nước. Có thể uống nước lọc hoặc các dung dịch điện giản nhưng cần hạn chế caffeine và rượu bia.

Tụt huyết áp nên ăn uống gì

Huyết áp giảm cần lưu ý gì?

Ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, người thường xuyên bị tụt huyết áp nên:

  • Ngồi ở tư thế vắt chéo chân: Tư thế này có thể hỗ trợ giúp tăng huyết áp nhanh nhất, đơn giản nhất, lượng máu đưa về trung tâm sẽ nhanh hơn, hạn chế lượng máu ứ đọng ở ngoại biên và đưa máu về trung tâm.
  • Mang vớ ép y khoa: Công dụng của các loại vớ ép y khoa sẽ giúp tăng khả năng hồi lưu máu tĩnh mạch, hạn chế máu bị dồn ứ xuống chân. Như vậy, máu sẽ đi đến toàn bộ các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là tim và tĩnh mạch.
  • Dùng thuốc: Một số trường hợp cần sử dụng thuốc để tránh trường hợp tụt huyết áp. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần có bác sĩ kê đơn.

Bị tụt huyết áp nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Hy vọng bài viết sau đây có thể giúp bạn nhận biết rõ hơn về những dấu hiệu tụt huyết áp cũng như cách xử lý nếu bị tụt huyết áp bất ngờ bạn nhé!

Bài viết liên quan