Mẹ và Con - Nếu chẳng may bị kiến ba khoang cắn hay dính dịch kiến ba khoang thì nên làm gì, xử trí như thế nào là an toàn nhất? Cùng tìm hiểu xem bị kiến ba khoang cắn thì nên làm gì bạn nhé.

Kiến ba khoang là một loại côn trùng có chứa độc tố nguy hiểm gấp nhiều lần so với độc tố của rắn hổ. Khi bị kiến ba khoang cắn hoặc chẳng may dính phải dịch kiến ba khoang, nếu không xử trí kịp thời, vùng da tiếp xúc có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

Kiến ba khoang là kiến gì?

Nhận biết kiến ba khoang

Theo Cục Y tế dự phòng, kiến ba khoang là loại kiến với thân hình thon, dài, trông giống như hạt thóc. Kích thước trung bình của kiến ba khoang thường dài 1-1,2cm và ngang 2-3mm. Thân hình kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt. Các đốt của kiến ba khoang xen kẽ màu đen và màu màu cam sậm, gần giống với màu nâu đỏ.

Kiến ba khoang có thể bay và chạy rất nhanh bởi chúng sở hữu đôi cánh trong suốt dấu bên dưới cánh cứng. Vùng bụng của kiến ba khoang thường nhọn và khi bất thường, chúng bắt đầu tăng kích thước vùng bụng lên. Một điểm đặc biệt của loại kiến này chính là chúng có thể bay và chạy nhanh trên nước.

Trong mùa mưa bão hay lũ lụt, kiến ba khoang thường di chuyển đến các vùng khô ráo hơn. Kiến ba khoang có thể sống ở các cánh đồng, vườn cây, bãi rác, công trình xây dựng hay bay vào trong nhà, đậu lên chăn màn, quần áo, ghế sofa,… Ngoài tên gọi kiến ba khoang, loại kiến nguy hiểm này còn được gọi với những tên gọi khác như kiến cong, kiến gạo, kiến hoang, kiến lác, cằm cặp, kiến nhốt, kiến kim,…

bị kiến ba khoang cắn có sao không

Tác hại do kiến ba khoang gây ra đối với con người

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, dịch tiết ra từ kiến ba khoang có chứa độc tố pederin với độc tính mạnh gấp 12-15 lần so với rắn hổ. Tuy nhiên, do lượng độc tố truyền qua dịch tiết của kiến ba khoang khi kiến bò lên da hoặc khi bị kiến ba khoang cắn thường rất nhỏ nên không gây chết người mà chỉ dẫn đến hiện tượng da nổi bọng nước, có cảm giác ngứa rát. Nếu gãi thì các bọng nước này sẽ vỡ ra và gây viêm da, lở loét.

Tổn thương da thường nặng nhất ở vùng da mềm. Những vị trí dễ bị viêm da khi kiến ba khoang cắn thường là vùng đầu, cổ, tay, chân, mặt, hông, lưng,… Nếu tổn thương da không được điều trị đúng cách thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dẫn đến tử vong do viêm nhiễm.

Triệu chứng nhận biết kiến ba khoang cắn hoặc tiết dịch

Khi bị kiến ca khoang cắn hoặc tiết dịch, bạn thường cảm thấy ngứa râm ran ngay tại vùng da tiếp xúc. Sau 6-8 tiếng, da bắt đầu xuất hiện các vết ban đỏ. Sau 12-36 tiếng tính từ thời điểm tiếp xúc với dịch kiến ba khoang, bạn sẽ thấy trên da xuất hiện những dấu hiệu tổn thương đặc trưng như phồng rộp da, nổi mụn nước, ngứa ngáy,… Các dấu hiệu cụ thể bao gồm:

  • Vùng da bị kiến ba khoang cắn có những mụn nước nhỏ, cộm, có vệt đỏ
  • Khi gãi, độc tố và vi khuẩn trong dịch tiết của kiến ba khoang sẽ lây qua các vùng da lành, đặc biệt là vùng da có nếp gấp
  • Bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy, hơi đau, cảm giác như bị bỏng rát trên da.
  • Một số trường hợp nặng có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch.

Các dấu hiệu kiến ba khoang cắn trên da dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác, đặc biệt là bệnh zona. Nếu được nhận biết và xử lý kịp thời, sau 5-7 ngày, tình trạng bệnh có thể thuyên giảm, bong vảy và để lại vết thâm trên da.

dấu hiệu bị kiến ba khoang cắn

Nên làm gì khi bị kiến ba khoang cắn hoặc dính dịch từ kiến ba khoang?

Khi tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang

Nếu bạn nghi ngờ kiến ba khoang đang bò trên da, không nên dùng tay trần để bắt hoặc giết kiến vì điều này sẽ khiến dịch kiến ba khoang dính vào da ngón tay. Tốt nhất nên thổi kiến đi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên rồi lấy ra khỏi người.

Nếu muốn bắt kiến ba khoang, bạn cần đeo găng tay. Tuy nhiên, thời gian đeo găng thường lâu và tăng thời gian kiến ba khoang tiếp xúc với da nên tốt nhất bạn hãy thổi kiến ra khỏi da càng nhanh càng tốt.

Dù bị kiến ba khoang cắn hay chỉ bò qua da thì bạn cũng có nguy cơ dính dịch tiết từ kiến ba khoang. Do đó, bạn cần:

  • Lập tức rửa sạch tay với nước mát hoặc dung dịch nước muối sinh lý. Không để vùng da đã tiếp xúc với kiến chạm vào vùng da khác.
  • Nếu thấy cảm giác ngứa trên vùng da tiếp xúc, tuyệt đối không gãi để tránh trầy xước và làm cho vết thương nghiêm trọng hơn. Khi gãi, bạn cũng có thể vô tình làm lây lan vi khuẩn hoặc bụi bẩn lên vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Có thể sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc betadine. Trường hợp không có thì cần rửa thật sạch vết thương với xà phòng, nên rửa nhiều lần.

làm gì khi bị kiến ba khoang cắn

Bôi thuốc gì khi bị kiến ba khoang cắn hoặc dính dịch từ kiến ba khoang?

Với các vết thương nhẹ, vùng tiếp xúc với kiến ba khoang nhỏ và chỉ nổi các nốt nhỏ như hồng ban thì bạn có thể dùng các loại kem dưỡng ẩm, làm dịu da để cải thiện phản ứng viêm do kiến ba khoang cắn, tiếp xúc với dịch của kiến ba khoang.

Nếu bị kiến ba khoang cắn với mức độ tổn thương trung bình, có thể dùng thuốc mỡ steroid hoặc thoa các loại dung dịch sát khuẩn, làm dịu da như hồ nước, dung dịch jarish, milian, castellani, betadine,…

Với các vết thương bị kiến ba khoang cắn hoặc tiếp xúc với dịch kiến ba khoang nghiêm trọng, vùng tổn thương lớn thì có thể cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn chính xác.

Lưu ý bôi và dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp bôi thuốc quá mức có thể khiến vết thương tiếp xúc với dịch kiến ba khoang trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách phòng chống với kiến ba khoang và tiếp xúc với chúng

Để phòng chống kiến ba khoang, ngăn ngừa nguy cơ bị kiến ba khoang cắn, bạn nên chú ý đóng cửa, kéo rèm và hạn chế bật đèn sáng vào ban đêm. Đặc biệt, khi ở nhà cao tầng hoặc chung cư thì cần chú ý trang bị lưới chống côn trùng ở cửa sổ, ban công,…

Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm và các vùng cỏ dại quanh nhà cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng bị kiến ba khoang cắn.  Khi ngủ, nên ngủ trong màn và mặc quần áo dài tay. Nếu làm việc ở đồng ruộng, vườn hoặc nơi có nhiều cây cối, cần mặc quần áo dài tay và đội mũ nón, đeo khẩu trang, đi ủng.

Xem thêm: Cách làm tinh dầu đuổi kiến ba khoang và côn trùng hiệu quả

Đặc biệt, trước khi mặc quần áo, sử dụng chăn mền thì nên giũ mạnh, tránh trường hợp kiến ba khoang ẩn nấp trong vải và bám vào cơ thể.

Dịch của kiến ba khoang không chỉ gây khó chịu mà còn có thể mang theo nguy cơ nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Vì thế, hãy lưu và chia sẻ ngay đến những người thân yêu của mình bí quyết xử lý khi bị kiến ba khoang cắn, tiếp xúc với dịch kiến ba khoang bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.