Tôi rất khủng hoảng vì dạo gần đây (trong vòng một tháng), con gái tôi đột nhiên thường xuyên gặp ác mộng. Bé mới được 18 tháng tuổi và trước đó ngủ rất ngon, rất bình thường. Không hiểu có chuyện gì mà đột nhiên thời gian này bé cứ hay khóc ré lên giữa đêm, đầy hoảng sợ. Tôi đã mở đèn ngủ, để con nằm chung giường với mình (trước đó bé ngủ nôi riêng sát bên giường bố mẹ) nhưng vẫn không giải quyết được tình hình. Có chuyện gì với con tôi vậy? Tôi có cần thiết phải cúng kiếng hay cho bé đeo bùa để tránh ác mộng cho con?
Thái Thị Trúc Phương
(Quận 5)
Trẻ bị ác mộng khi ban ngày có những xáo trộn, âu lo, sợ hãi bất thường. Bạn nên tìm hiểu kỹ nguyên do thay vì vội nghĩ đến chuyện sử dụng các biện pháp mang tính “mê tín” như cúng kiếng, đeo bùa, đốt bùa… có thể chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé thêm mà thôi. Có những điều tưởng chừng rất bình thường với người lớn, nhưng với trẻ thì lại có khả năng làm trẻ hoảng sợ cao độ. Ví dụ như có trường hợp cha mẹ ẵm con trên tay, đứng gần một con chó lớn bị xích đang gầm gừ. Cha mẹ nghĩ không có việc gì (vì vẫn đang ẵm bé và con chó không hề tấn công) nhưng tối đó thì con gặp ác mộng vì trẻ bị ám ảnh nỗi hoảng sợ khi nhìn thấy con chó dữ gầm gừ. Ngoài ra, khi mẹ đột nhiên đi làm vễ trễ thường xuyên, ít thời gian dành cho bé, khiến bé cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn cũng dẫn đến ác mộng. Cha mẹ cãi nhau, đánh nhau trước mặt bé, cứ tưởng con mình còn nhỏ quá làm sao hiểu chuyện gì, nhưng thực tế là bé cực kỳ nhạy cảm và có thể cảm nhận được những bất ổn này.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, vì từ 9 tháng tuổi trở đi, khá nhiều trẻ có giai đoạn ngắn hoặc dài gặp ác mộng như thế, nhất là khoảng thời gian mẹ đi làm lại, tập trung vào công việc, để trẻ ở nhà cho người khác trông nom khiến trẻ cảm thấy lo sợ như bị bỏ rơi. Trước mắt, bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con, luôn âu yếm vỗ về con, thể hiện cho bé thấy là bé được an toàn và được thương yêu. Có thể cho bé nghe những bản nhạc hòa tấu êm dịu, tặng bé một con gấu bông nhỏ để bé có thể ôm “làm bạn”. Không gian phòng ốc trong nhà nên giữ cho sáng sủa. Tuyệt đối tránh thực hiện các việc làm bùa chú, lên đồng, làm phép… trước mặt bé vì những việc làm này chỉ càng khiến trẻ dễ hoảng sợ và dễ bị ác mộng hơn mà thôi. Nếu sau một thời gian nỗ lực vẫn không có kết quả, bạn có thể đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và giúp đỡ thêm.
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)