Mẹ&Con - Đang ở trong giai đoạn 9 tháng thai kỳ, thấy bất cứ dấu hiệu khác thường nào, nhất là chảy máu ở bất cứ đâu, bà bầu cũng phát hoảng! Chứ còn gì nữa. Một sớm mai, đang rửa mặt, mới hỉ nhẹ để vệ sinh mũi một cái, bạn ngỡ ngàng khi thấy máu… đỏ cả tay. Chảy máu cam là hiện tượng rất dễ gặp ở bà bầu. Nhưng chảy máu cam có nguy hiểm không và vì sao lại dễ bị chảy máu cam thì không phải “bầu” nào cũng biết! Phương pháp sơ cứu khi con chảy máu cam Cẩn thận bệnh tim mạch ở bầu Thay đổi của “bầu” trong 3 tháng cuối thai kỳ

Chảy máu cam nữa rồi bác sĩ ơi?

Tại sao trước kia không bao giờ hoặc rất hiếm khi bạn chảy máu cam, nhưng đến lúc bầu bí nặng nề thế này thì lại cứ bị suốt? Câu trả lời cho bạn nằm ở chỗ lớp da bên trong mũi khá mỏng manh. Một chút “động” nhẹ cũng có thể dẫn đến tình trạng chảy máu cam. Trong khi đó, suốt chín tháng thai kỳ, hormone progesterone lại làm cho các mạch máu li ti trong khoang mũi bị giãn nở mạnh. Ngoài ra, sự tuần hoàn máu khi thai nghén cũng tăng lên khoảng 50%, kích thích mũi sản xuất nhiều dịch hơn. Màng nhầy trong mũi cũng trở nên khô đi và dễ chảy máu.

Tất cả những nguyên nhân trên gộp lại sẽ khiến chuyện chảy máu cam trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đặc biệt, trong trường hợp trước khi mang thai, thai phụ đã mắc phải chứng viêm xoang. Các bác sĩ khuyên thai phụ không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng khá thường gặp. Một hai lần chảy máu cam nếu được chăm sóc tốt sẽ không để lại hậu quả gì, cũng không phải là dấu hiệu nguy hiểm đáng báo động nào với thai nhi.

lam-gi-khi-bau-chay-mau-cam

Tuy nhiên, trong trường hợp chảy máu cam liên tục, cứ trung bình khoảng một tuần lại thấy hiện tượng này một lần, hoặc tuy thỉnh thoảng mới chảy máu nhưng lại chảy nhiều, liên tục khiến bạn choáng váng, mệt mỏi, bạn mới cần đi khám bác sĩ tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân cũng như cách khắc phục.

Nên làm gì khi chảy máu cam?

Đừng hốt hoảng nếu phát hiện mình chảy máu cam. Đã từng có trường hợp bà bầu… sợ quá khi nhìn thấy máu, choáng và ngã, khiến sau đó cả gia đình phải một phen “hồn vía lên mây” khi đưa vào bệnh viện. Bạn cần giữ bình tĩnh và tự nhủ mình là không có vấn đề gì cả, chuyện này rất thường gặp.

Không nên vội vàng nằm xuống giường để nghỉ ngơi vì ở tư thế nằm ngửa, chất dịch mũi lẫn máu sẽ “trôi” ngược vào trong cổ họng, dễ khiến bạn bị sặc, nguy hiểm. Hãy dùng ngón tay cái và ngón trỏ, kẹp toàn bộ phầm mềm dưới mũi, kéo sống mũi lên phía trên, hơi ngửa nhẹ cổ và hướng mặt về phía trước. Tốt nhất không nên bỏ tay ra cho đến khi chắc chắn rằng máu đã đông hoàn toàn.

Dùng bông băng hoặc gạc sạch để lau máu, vệ sinh cẩn thận bên ngoài. Tuy nhiên, tuyệt đối không vội vàng cho bông băng vào bên trong mũi, ngoáy, lau vì sẽ có thể gây chảy máu trở lại và chảy máu nhiều hơn trước. Nếu sau 10 phút, buông tay ra mà máu vẫn chảy, bạn hãy thử trở lại các biện pháp trên thêm một lần nữa với khoảng 15 phút. Trường hợp vẫn không khỏi, người nhà nên gọi điện cho bác sĩ để được hướng dẫn hoặc đưa thai phụ đến cơ sở y tế gần nhất.

Và… Có cách ngăn ngừa không?

Mẹo cho mẹ!

Dùng đầu ngón trỏ massage khu vực da quanh mũi và mắt có thể giúp lưu thông dịch mũi, tránh được chảy máu cam.

 

Có đấy! Trước nhất, bạn nên giữ ấm cơ thể, đừng để bị cảm lạnh, nhất là trong những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu chuyển sang se se này. Trời lạnh, cơ thể lạnh là nguyên nhân khiến các mạch máu li ti trong mũi dễ vỡ, dẫn đến tình trạng chảy máu cam. Một việc khác bạn nên làm là tăng cường bổ sung những loại rau xanh, trái cây có nhiều sắt, vitamin C vì các vi chất này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu trạng thái chảy máu cam cũng như tránh cho cơ thể thiếu sắt vì bị mất máu.  

Cũng nên lưu ý uống đủ nước vì khi đủ nước, cơ thể sẽ không bị “khô”, các dịch tiết trong mũi loãng hơn giúp bạn có thể vệ sinh dễ dàng. Ngược lại, thiếu nước, các màng nhầy trong mũi trở nên “khô khốc” theo, dẫn đến tình trạng dễ chảy máu. Một lời nhắc nữa, bạn không nên dùng tùy tiện các loại thuốc nhỏ mũi, thuốc vệ sinh mũi dạng phun trong thời kỳ thai nghén. Tất cả mọi loại “thuốc”, dù chỉ là thuốc nhỏ mũi, thuốc vệ sinh mũi cũng cần được hỏi ý kiến bác sĩ, xem có được sử dụng với bà bầu không. Ngoài ra, lạm dụng các loại thuốc này có thể khiến tình trạng chảy máu cam càng trở nên thường xuyên và “khó trị” hơn.

Nếu từ trước khi mang thai, bạn đã có xu hướng dễ bị nhiễm lạnh, đang viêm xoang thì không nên ngồi suốt trong phòng máy lạnh. Nếu được, hãy mở rộng cửa sổ để hít thở khí trời. Trường hợp ở nơi công sở bắt buộc mở máy lạnh, bạn có thể thỉnh thoảng ra khỏi phòng, giữ ấm cơ thể.

Chảy máu cam là hiện tượng thường xảy ra với các bà bầu trong chín tháng thai kỳ. Nguyên nhân chính yếu là do các mạch máu ở mũi mở rộng trong quá trình mang thai, tăng cung cấp máu đến các mao mạch và tạo áp lực lớn hơn, khiến chúng dễ vỡ ra. Nó có vẻ “dễ sợ” và khiến bạn hoang mang, nhưng thực tế nó hoàn toàn vô hại với bạn cũng như em bé trong bụng bạn. 

Bác sĩ Bùi Thị Quỳnh Dao
(Trung tâm Health Care, Quận 7) 

Tags:

Bài viết liên quan