Con tôi được 7 tuổi. Ở tuổi này, tôi thấy những đứa trẻ khác khá hiếu động, nghịch ngợm, ham thích khám phá, nhưng sao con tôi lại lười quá bác sĩ ơi, dù bé là con trai. Ở lớp, cô giáo dạy gì các bạn khác đều chú ý làm theo nhưng cô “mắng vốn” là con tôi lười lắm, làm được nhưng cứ uể oải hoặc “lo ra”, không thích tập trung. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cách nào để bé… bớt lười! Tôi đã động viên con rất nhiều, nhưng đưa con ra công viên thì bé vận động uể oải. Ở nhà chỉ thích xem tivi chứ không chịu làm gì tôi yêu cầu cả. Mắng thì bé phụng phịu, vùng vằng, và sau đó mọi thứ lại về như cũ.
Nguyễn Tú Anh (Quận 1)
Trái ngược với sự hiếu động thường thấy ở các bé trai tuổi này, một số bé lại tỏ ra lười biếng trong mọi hoạt động. Vấn đề đầu tiên bạn cần xem lại là thể chất con có tốt không, bé có hay bệnh vặt, sức khỏe kém, suy nhược… dẫn đến phản ứng chậm chạp, ít thích vận động không?
Nếu đã loại trừ được yếu tố này thì thông thường việc bé “lười” có liên quan đến sự chăm sóc, cưng chiều hơi thái quá ở những gia đình hiếm con. Bé hầu như được làm thay cho tất cả mọi việc từ nhỏ, kể cả chuyện vệ sinh, tắm rửa, chuyện dọn đồ chơi sau khi chơi xong… nên lâu dần mất đi phản ứng nhanh nhạy, không còn ham vận động, thích tìm hiểu, học hỏi như một trẻ bình thường.
Bạn nên kiên trì thay đổi dần, uốn nắn con vì bé lên 7 đã đủ sức tự làm rất nhiều rồi. Ví dụ không xúc sẵn cơm, bưng đến tận nơi cho con ăn nữa mà hướng dẫn bé vào bếp, phụ mẹ dọn chén dĩa, dọn thức ăn. Không để người giúp việc làm thay cho bé việc nhà, thay vào đó yêu cầu và hướng dẫn, làm gương cho bé để tự làm các việc vừa sức như gấp chăn, dọn đồ chơi… Bạn cũng có thể đăng ký cho bé tham gia các câu lạc bộ đội nhóm, để ở đó bé dễ có môi trường bắt chước và được rèn luyện cho chăm chỉ, tự lập hơn.
Cần tập cho bé càng sớm càng tốt, vì ban đầu sự lười biếng đó chỉ đơn giản là việc thức dậy trễ, làm biếng đánh răng, rửa mặt, tắm rửa… dần dần sẽ đi đến việc làm biếng gấp chăn gối, quần áo cá nhân. Rồi thì trẻ sẽ tỏ ra lười biếng trong việc xếp dọn đồ chơi, đồ dùng cá nhân trong phòng, lười học, lười thực hiện những “nhiệm vụ” của mình ở lớp (như trực nhật).
Từng bước một, nếu không có biện pháp tác động và can thiệp kịp thời, thì mức độ lười biếng của trẻ ngày càng tăng cho đến khi bố mẹ, người thân cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa, thì lúc đó việc can thiệp tác động để điều chỉnh sẽ là một điều hết sức khó khăn, và có thể gây ra những tổn thương về mặt tâm lý. Việc lười biếng cũng sẽ dần khiến trẻ ích kỷ, không biết tham gia các hoạt động chung với mọi người chung quanh và sẽ có những khó khăn trong việc giao tiếp, ứng xử với bạn bè sau này đấy bạn.
Theo sự tư vấn của BS. Lê Phương Thúy (Chuyên khoa Tâm lý Trẻ em)