Mẹ&Con - Thời điểm lạnh nhất của năm đang tới, cũng là lúc mẹ phải đối mặt với mối lo liên quan đến các bệnh hô hấp ở con. Vậy, mẹ đã có đầy đủ kiến thức bảo vệ hệ hô hấp cho con trước các căn bệnh mùa lạnh hay chưa? Những công thức nấu cháo ngon, đủ dinh dưỡng cho con Tư vấn trực tuyến: Nấu cháo đúng cách cho bé ăn dặm Mẹ nấu cháo không đúng cách, con suy dinh dưỡng, thừa cân

Theo BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1, mặc dù giai đoạn “quá tải” bệnh hô hấp tại BV Nhi Đồng 1 đang có chiều hướng giảm, nhưng bệnh hô hấp vẫn đang là căn bệnh đáng lo ngại với các bà mẹ, đặc biệt khu vực phía Bắc. Ở các tỉnh miền Bắc, sắp đến đợt rét đỉnh điểm của năm, cũng là lúc các bệnh hô hấp của trẻ tăng cao và dẫn đến nhiều nguy cơ khác về sức khỏe.

Làm gì để bảo vệ hệ hô hấp cho con khi đợt rét đến? 5

Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 1

Con bệnh dài ngày, mẹ thấm gian nan

11h trưa, chị N.T.Mến (31 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp) ngồi ôm con gái 2 tuổi chen chúc tại khu Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chờ loa thông báo gọi tên con mình vào phòng khám. Tay quẹt mồ hôi, chị cho biết: “Bé nhà tôi sinh mổ, mỗi khi thời tiết chuyển mùa, cháu thường bị ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp trên kéo dài, thậm chí sốt cao. Tình trạng này lặp đi lặp lại hoài. Mỗi lần như vậy, tôi thường kết hợp cho cháu uống các loại thuốc nam (như quất, chanh, lê chưng với đường phèn hay mật ong) rồi đưa cháu đi khám bác sĩ tư, uống thuốc tây. Mà lần nào những triệu chứng này cũng hành cháu trên 10 ngày mới dứt.

Đợt này cháu bị lâu hơn, khoảng 11 ngày rồi, tôi đã đổi nhiều bác sĩ  nhưng không bớt nên tôi phải đưa đến bệnh viện chứ trời lành lạnh như thế này cũng sợ quá. Tôi đã cố gắng chủ động cho cháu ăn mặc thích hợp theo mùa như quần áo ấm nhưng cháu vẫn bị viêm đường hô hấp trên”.

Chia sẻ của chị Mến cũng là tâm sự của nhiều bà mẹ khác. Bệnh của con, đó là nỗi lo lắng băn khoăn về sức khỏe của con, là sự mệt mỏi, đuối sức của cha mẹ. Có nhiều mẹ phải nghỉ làm dài ngày để túc trực bên con…

Những bệnh thường gặp khi trời lạnh

Có khá nhiều bệnh mà bé có thể mắc phải khi trời lạnh. Hãy cùng Mẹ&Con điểm mặt 3 bệnh hô hấp thường gặp nhất ở trẻ khi đến mùa rét căm căm mẹ nhé!

Viêm mũi dị ứng

Đây là một bệnh bé hay gặp khi trời trở rét đột ngột. Dấu hiệu của bệnh là bé ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có bé bị nghẹt mũi. Nặng hơn, bé bị khó thở, ù tai.Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.

Cảm/cúm

Cảm do vi rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do vi rút. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh.Khi bé bị cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi… nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp.

Viêm phế quản

Sự thay đổi thời tiết đột ngột lúc giao mùa cũng dễ khiến trẻ bị viêm phế quản. Biểu hiện của bệnh là trẻ gặp khó khăn khi thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều và xuất hiện đờm. Khi thấy đờm của trẻ có màu vàng trắng tức là trẻ đã bị nhiễm trùng thứ cấp. Lúc này, người lớn không nên khiến trẻ cáu kỉnh vì khi đó trẻ sẽ hét to, việc hô hấp sẽ gặp khó khăn.

Những sai lầm thường gặp khi chăm con mùa lạnh

Không chỉ do yếu tố thời tiết, mà cách chăm con sai lầm trong mùa rết đậm cũng có thể khiến bé mắc bệnh nữa đấy!

Ủ ấm quá mức

Giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh là điều vô cùng cần thiết. Nhưng thân nhiệt trẻ thay đổi nhanh hơn người lớn, nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi. Vì thế, chỉ nên mặc đủ ấm cho trẻ. Tốt nhất là nên có một áo khoác dày bên ngoài, nếu trẻ ở trong nhà hoặc chơi đùa có thể cởi ra, lúc phải đi ngoài đường lạnh thì mặc vào dễ dàng. Nếu thấy trẻ toát mồ hôi thì hãy nhanh chóng dùng khăn lau cho trẻ để tránh nhiễm lạnh.

Tự mua thuốc cho con

Nhiều mẹ có thói quen thấy con sốt, ho, sổ mũi thì tự ý đi mua thuốc cho con. Điều này rất nguy hiểm, vì sẽ gây ra tình trạng lờn thuốc, dị ứng thuốc, đặc biệt khi cơ địa của bé không phù hợp với 1 số thành phần của thuốc. Tốt nhất là mẹ nên đưa bé đi bác sĩ khám kịp thời và áp dụng 1 số biện pháp chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ

Để nhiệt độ điều hòa cao

Nhiều bố mẹ cho nhiệt độ điều hòa cao để trẻ không bị lạnh. Nhưng như thế sẽ khiến không khí trong phòng bị bí, ngạt, khó thở và khô da. Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ là khoảng 25-28oC. Phòng của trẻ cần ấm áp nhưng không nên quá bí. Có thể dùng máy sưởi, quạt sưởi nhưng tuyệt đối không được dùng bếp than tổ ong để làm ấm phòng của cả trẻ nhỏ và người lớn.

Không cho con ra ngoài chơi

Nhiều bố mẹ không cho con ra ngoài chơi vì sợ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, giữ trẻ chỉ ở trong phòng kín sẽ khiến trẻ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn. Những trò chơi vận động ngoài trời giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm.

Chỉ cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, dạy trẻ cách tự lau mồ hôi cho mình để tránh cảm lạnh. Thời tiết quá lạnh hoặc có mưa phùn thì không được cho trẻ ra ngoài chơi.

Làm gì để bảo vệ hệ hô hấp cho con khi đợt rét đến? 6

Tư vấn trực tuyến: Bảo vệ hệ hô hấp cho con trong mùa lạnh

Từ những lo lắng, băn khoăn của các mẹ xung quanh vấn đề nâng niu hệ hô hấp cho trẻ khi thời tiết sang đông với những đợt rét mạnh sắp đến, Mẹ&Con tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ hệ hô hấp cho con trong mùa lạnh” sẽ diễn ra vào lúc 10h00 – 11h00, thứ ba ngày 2/12. Chương trình có sự tham gia tư vấn của bác sĩ Trần Anh Tuấn (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1). Với những kiến thức chuyên môn hữu ích và kinh nghiệm lâu năm trong chữa trị các bệnh về hô hấp ở trẻ, bác sĩ Trần Anh Tuấn sẽ cung cấp cho các mẹ những thông tin thiết thực và bổ ích trong việc bảo vệ hệ hô hấp cho con.

Mời các mẹ đặt câu hỏi trực tiếp trên website www.mevacon.giaoduc.edu.vn hoặc www.facebook.com/mevacon.

Tags:

Bài viết liên quan