Mẹ&Con – 3 tháng cuối thai kỳ tưởng chừng không còn những biến chứng thai kỳ rình rập nên nhiều mẹ tự cho phép mình thả lỏng sở thích và thói quen. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn quan trọng vẫn cần thực hiện nhiều kiêng cữ để kết thúc thai kỳ thành công.
1. Kiêng đi đường xa
Trải qua 6 tháng đầu thai kỳ, lúc này, thai nhi đã lớn hơn nhiều. Thời điểm này, tử cung mẹ căng giãn để chứa bào thai. Các cơ vùng kín cũng giãn theo, mềm yếu đi, không còn dẻo dai như trước. Xương cốt của mẹ cũng yếu hơn do canxi bị “hút cạn” đi nuôi thai nhi… Tất cả những điều này khiến mẹ bầu trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Chính vì thế, di chuyển đường xa, mẹ rất dễ bị nhức mỏi, động thai, thậm chí là vỡ ối sinh non, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
2. Kiêng nằm ngửa 3 tháng cuối thai kỳ
Kích thước, trọng lượng của thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ đã khá lớn. Mẹ cần tránh nằm ngửa để không tạo áp lực lên cột sống gây đau lưng, ảnh hưởng tới ruột và cản trở lưu thông máu. Tư thế nằm ngủ thích hợp cho mẹ trong giai đoạn này là nằm nghiêng bên trái.
3. Xoa bụng và kích thích đầu ti
Khi bụng bầu đã “lùm lùm”, bản thân mẹ và cả người thân, bạn bè sẽ rất thích xoa lên bụng như một cách giao tiếp với em bé bên trong. Tuy nhiên, xoa bụng nhiều và mạnh có thể kích thích tử cung co thắt dẫn đến sinh non.
Tương tự, việc kích thích đầu ti hay vắt sữa non đều cần tránh để đề phòng chuyển dạ sớm.
4. Ăn kiêng, ăn mặn
Mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ thường nhanh đói và ăn rất nhiều. Mẹ cũng sẽ tăng cân nhanh chóng vì thai nhi đang gấp rút hấp thu dinh dưỡng để hoàn thiện cơ thể sẵn sàng cho ngày chào đời. Nếu lúc này mẹ ăn uống kiêng khem thiếu dinh dưỡng thì con sinh ra dễ nhẹ cân, ảnh hưởng tới trí não và thể chất. Mẹ chỉ cần hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, nước có gas và tăng cường những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng lành mạnh.
Bên cạnh đó, dù cảm thấy nhạt miệng thế nào, mẹ bầu cũng phải cố gắng giảm lượng muối trong thức ăn. Ăn nhạt giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con, phòng tăng huyết áp, tiền sản giật, tích nước, phù nề tay chân, thai nhi bị rối loạn hấp thu dưỡng chất.
5. “Yêu” quá nhiều
Chuyện ấy với chồng trong 3 tháng cuối thai kỳ sẽ chẳng cần phải kiêng cữ gì nếu thai kỳ của mẹ hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc gì cũng nên có mức độ, nếu bố mẹ không biết cách “hành sự” hợp lý, không biết điểm dừng thì rất dễ gây động thai, sinh non. Với các mẹ thai yếu thì phải kiêng hẳn để đảm bảo an toàn nhé.
6. Mặc quần lót màu tối
Đây là một kiêng cữ khoa học mà mẹ nên chú ý. Nếu mặc đồ lót tối màu, mẹ có thể sẽ không phát hiện ra dịch âm đạo có màu bất thường hay thậm chí máu báo sắp sinh đã xuất hiện.
Quần chíp màu sáng (trắng, vàng hoặc xanh nhạt, hồng nhạt) sẽ giúp mẹ dễ dàng theo dõi dịch tiết âm đạo, kịp thời phát hiện và phân biệt những bất thường như viêm nhiễm phụ khoa hay rỉ ối, ra máu… nhờ đó nhanh chóng vào bệnh viện kịp thời.