1. Trẻ ốm lặt vặt trong 2 năm đầu, đặc biệt những bệnh về đường hô hấp, bệnh viêm nhiễm, tiêu chảy, nghĩa là:
a) Bình thường. Trẻ nào chẳng thế.
b) Không bình thường.
c) Bình thường, nhưng cần chăm sóc trẻ cẩn thận, tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế cho con đến mức thấp nhất những bệnh này.
>> Kết quả: Đáp án đúng là câu c.
Thực tế trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi sinh ra, hệ thống miễn dịch của trẻ còn đang phát triển và chưa hoàn thiện. Vì vậy, trẻ ở tuổi này nếu hay mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh viêm nhiễm, tiêu chảy thì không phải là đáng lo ngại lắm. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là bạn… kệ trẻ.
Để hạn chế tối đa bệnh vặt và tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp con vượt qua bệnh tật dễ dàng, bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt, vì đây không chỉ là nguồn dưỡng chất mà còn là nguồn đề kháng ưu việt nhất tăng cường sức khỏe cho trẻ, chống lại các bệnh viêm nhiễm.
Ngoài ra, nên giữ mũi của trẻ sạch, giữ cho trẻ ấm và không gian phòng ngủ của trẻ cũng như trong gia đình phải sạch sẽ, thoáng đãng, không nóng bức và cũng không quá lạnh.
(Ảnh minh họa)
2. Để biết một em bé sơ sinh bú no chưa, bạn sẽ…
a) Bé không khóc quấy nghĩa là bú no rồi.
b) Bé tăng cân tốt, làm ướt tã và đi ngoài đủ số lần dự kiến (với trẻ dưới 1 tuổi là 6-8 lần ướt tã và 3-4 lần đi ngoài).
c) Bụng bé căng.
>> Kết quả: Đáp án đúng là câu b.
– Đối với những trẻ đang bú mẹ: Bạn xác định bé bú đủ, bú no bằng cách bé có khoảng phải 6 – 8 lần ướt tã, 3 – 4 lần đi ngoài. Mức tăng cân trung bình của trẻ là 112 – 240g/tuần cho vài tuần đầu và sau đó tăng khoảng 0,5 kg đến 1 kg/tháng trong vòng 6 tháng đầu.
– Đối với những trẻ đang bú bình: Trẻ bú đủ và bú no nếu trung bình mỗi lần trẻ bú khoảng 50ml đến 90ml sữa vào tuần đầu, và bú hết khoảng khoảng 90 – 120ml sữa/lần trong 1 tháng đầu. Lượng bú sữa bình được khuyến cáo là: Từ 56 – 84 gam cho 1kg trọng lượng của trẻ mỗi ngày.
– Không nên căn cứ vào các yếu tố như trẻ không đòi, không khóc, bụng trẻ căng… vì đây có thể là những dấu hiệu khác. Ví dụ khi trẻ ốm, trẻ quá mệt, không đòi bú bằng cách khóc quấy như bạn nghĩ nữa.
3. Khi bé mới sinh, quanh người bé có phủ một lớp màu trắng hay gọi là chất “gây”. Để xử trí chất này, theo bạn nên…
a) Tẩy bỏ cho sạch sẽ trong lúc lau mình, tắm bé.
b) Không nên tẩy bỏ.
c) Chỉ tẩy bỏ ở những nơi phủ dày như bẹn, cổ, nách.
>> Kết quả: Đáp án đúng là câu c.
Khi bé mới chào đời, trên người bé được bao phủ bởi một lớp màu trắng, dân gian hay gọi là chất “gây”. Nhiều người lớn tuổi có quan niệm phải tẩy bỏ chất này cho sạch sẽ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tẩy ở những nơi “gây” phủ dày hoặc ở bẹn, cổ, nách, làm sạch để tránh gây hại cho da.
Còn những chỗ khác thì đều không nên. Bởi vì chính lớp “gây” này là thứ thiên nhiên tạo ra nhằm giúp bé an toàn trong giai đoạn đầu tiên sau khi rời bụng mẹ. Lớp “gây” có khả năng bảo vệ da chống lại những tác động của không khí bên ngoài, cũng như giữ ấm cơ thể cho bé.
(Ảnh minh họa)
4. Bạn nên cho bé ăn dặm vào giai đoạn…
a) 4-6 tháng tuổi. Khởi đầu chỉ cho bé nếm một chút xíu nước canh, sau đó là trái cây nghiền thật nhuyễn, tăng từng chút một.
b) Nên cho bé ăn dặm càng sớm càng tốt. Khi nào bé đòi là đã có thể ăn.
c) Để trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 12 tháng rồi mới cho ăn dặm.
>> Kết quả: Đáp án đúng là câu a.
Bạn cần biết rằng cho trẻ ăn dặm không đúng độ tuổi có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của bé. Nếu mẹ cho bé ăn bột sớm quá (trước 4 tháng tuổi) hoặc quá nhiều so với tháng tuổi (mới 5-6 tháng đã cho ăn tới 3- 4 bữa bột/ngày) thì hoàn toàn không tốt cho hệ tiêu hóa.
Trẻ ăn không tiêu, đi ngoài phân sống, dần dần sẽ dẫn đến viêm ruột già, đi tiểu ra máu, lâu dài sẽ sinh rối loạn tiêu hóa. Ngược lại, khi trẻ ngoài 4-6 tháng tuổi mà vẫn chưa được ăn thêm thì không chóng lớn, vì đến lúc này, nguồn sữa mẹ không còn đủ sức cung cấp toàn bộ chất dinh dưỡng phục vụ cho quá trình phát triển của bé nữa.
5. Để chăm sóc và bảo vệ thị lực cho trẻ, mẹ nên…
a) Cung cấp đầy đủ vitamin A theo lượng: 400 mcg/ngày đối với trẻ dưới 3 tuổi, 500 mcg/ngày đối với trẻ từ 4 đến 6 tuổi và 700-800 mcg/ngày đối với trẻ từ 7 đến 10 tuổi.
b) Cho trẻ tham gia các trò chơi hoặc hoạt động có tác dụng kích thích thị lực phát triển và kích thích khả năng phối hợp mắt với các bộ phận khác.
c) Hạn chế không để trẻ ngồi quá lâu trước tivi để theo dõi những chương trình ca nhạc thiếu nhi hay phim hoạt hình.
d) Cả 3 câu trên đều đúng.
>> Kết quả: Đáp án đúng là câu d.
Tất cả những cách nêu trên đều có tác dụng bảo vệ thị lực cho trẻ. Những trò chơi đơn giản tốt cho thị lực của bé là xếp hình, xâu hạt thành chuỗi, gắn đồ vật vào bảng, nặn đất sét… Bạn cũng có thể khuyến khích bé vẽ. Khi ra ngoài trời, nên có kính mát loại tốt cho bé đeo, tránh sử dụng các loại kính nhựa đồ chơi chỉ 5-10 ngàn/cái sẽ kích thích mắt bé phải điều tiết nhiều, dẫn đến mệt mỏi, loạn thị, cận thị…