Mượn… từ A đến Z!
Ngồi bộc bạch với chuyên gia tư vấn, chị Duyên thẳng thắn: “Tôi không phải người hẹp hòi đâu. Gốc miền Tây mà, có khách đến nhà còn bao nhiêu món cũng vét sạch mang ra đãi khách. Đó là đặc tính của người dân quê tôi từ trước tới giờ. Hồi lấy chồng xong, mới tháng đầu tiên sau khi cưới, khi mẹ chồng rồi em chồng hỏi mượn ít tiền, tôi cũng sẵn sàng ngay. Nhưng thật lạ! Càng ngày nhà càng mượn nhiều hơn, và mượn từ thứ lớn đến thứ nhỏ, từ tiền bạc đến xe cộ, đến bộ áo vest của chồng, đến cái laptop cũ trong nhà, đến máy chụp hình, đến cả những thứ như… đôi giày của tôi, hay mỹ phẩm, phấn son thì có lạ không kia chứ!”.
Chị bảo, riết rồi chị thấy nhà mình giống cái… nhà kho, cất trữ sẵn đồ dùng, ai cần thì hỏi mượn! Chồng thì tính xuề xòa, dễ dãi, ai hỏi gì cũng nhiệt thành đưa ngay. Riết thành nếp quen. Cứ vài tháng, nhà lại có “khách” từ quê lên chơi, ở lại dăm hôm. Rồi không chỉ ở chơi thôi, “khách” cứ thế dạo quanh nhà, rồi tắc lưỡi bảo sao món này hay món kia tốt thế mà xếp xó không dùng, thôi cho mượn tạm nhé, khi nào cần sẽ… trả!!!
Chưa hết, các chị em chồng của chị Duyên cứ mỗi lần lễ tiệc gì cần chưng diện, là gọi điện ngay cho “nàng dâu”. “Họ hỏi mượn khi thì cái giỏ xách, khi thì phấn son, khi thì chiếc đầm đẹp đẹp. Tôi hỏi sao không mua thì họ bảo: Năm thì mười thuở mới đi tiệc một lần, mua làm gì cho phí. Chị/em có sẵn thì cho mượn, xong về trả cẩn thận thôi mà!”, chị Duyên thở dài bực tức.
Tình cảnh của chị Nga (Quận 3) cũng không kém phần “gay cấn”. Không đến nỗi bị mượn những món lặt vặt, thứ duy nhất nhà chị luôn bị hỏi mượn là… tiền!! “Tôi không hiểu sao tháng nào nhà chồng cũng có lý do để hỏi mượn tiền. Khi thì chị chồng mượn chục triệu mua cái laptop cho cháu vào đại học. Khi thì mẹ chồng mượn tạm ít để sửa bếp. Khi thì bố chồng bảo mua xe thiếu độ năm bảy triệu, gửi gấp về cho bố trả nợ trước, rồi bố có tiền sẽ trả các con ngay. Vợ chồng tôi đúng là may mắn làm ăn kha khá, tiền bạc cũng dư chút đỉnh. Nhưng trong nhà còn bao nhiêu thứ cần tiết kiệm chứ đâu phải cứ lấy ra cho mượn!”, chị chia sẻ.
Cái khó cho chị, là chồng luôn quan niệm: “Bố mẹ con cái, anh em trong nhà phải giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người hỏi mượn rồi trả, chứ có lấy luôn đâu mà em hẹp hòi, cằn nhằn nọ kia. Em mang tiền đi gửi ngân hàng cũng vậy, mình có thì cho gia đình mượn, khi cần lại kêu mọi người trả chứ có mất mát đằng nào đâu!”.
Bực tức, cãi vã mãi không xong, chị tìm đến chuyên gia tư vấn: “Giúp tôi cách nào để họ đừng mượn nữa. Chứ càng ngày tiền mượn càng nhiều hơn. Đúng là họ mượn rồi trả chứ chưa ai giật bao giờ. Song, cái cảm giác lúc nào cũng bị người khác mượn, khi có việc cần đến tiền là phải gọi về, hồi hộp chờ xem họ có trả đúng hẹn không sao mà mệt mỏi quá! Đó là chưa kể có khi đến lúc mình cần thì người mượn chưa có tiền trả, hẹn chờ đến mấy tuần sau trong khi công việc của mình dở dang thì càng mệt mỏi!”.
Để không trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ!
Thật ra rộng rãi là một tính tốt. Rộng rãi với người thân như cha mẹ, anh chị em trong gia đình lại càng đáng quý. Tuy nhiên, rộng rãi đến mức tạo cho người thân tâm lý ỷ lại, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình thì là chuyện không nên!
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết: “Để điều chỉnh việc này cần đến sự hợp tác, đồng lòng của cả vợ lẫn chồng. Chứ nếu một người cứ sẵn sàng cho mượn bất kế hoàn cảnh, một người khó chịu bực tức thì mâu thuẫn sẽ xảy ra!”.
Cũng theo lời chuyên gia tâm lý Lê Khanh, vợ chồng cần bàn bạc, thỏa thuận cùng nhau những việc “cho mượn” càng sớm càng tốt, vì hầu hết gia đình đều vướng phải “sự cố” đó, không ít thì nhiều. Chẳng hạn như việc cho người thân mượn tiền. Để đảm bảo vừa giữ hòa khí với gia đình lớn, vừa không ảnh hưởng đến gia đình nhỏ, vợ chồng nên đồng lòng xây dựng kế hoạch tiết kiệm, chi tiêu chung với nhau. Nếu tổng thu của gia đình là một khoản “x” đồng, có thể chia nhỏ thành nhiều phần. Phần nào để lo sinh hoạt phí trong gia đình, phần nào để dành cho con cái, phần nào tiết kiệm làm khoản “khẩn cấp” khi nhà có việc cần. Những phần này là cố định và không được tự ý đụng vào, sử dụng khi không có việc cần. Chỉ lấy ra một khoản cố định, tùy vợ chồng tính toán với nhau để xây dựng một “quỹ”… cho mượn!
Nếu người thân có việc cần, nên hỏi rõ lý do cần tiền là gì, mượn đến khi nào, kế hoạch trả ra sao… và chỉ nên sử dụng trong phạm vi khoản “quỹ” đã thống nhất dành cho việc cho mượn. Trừ khi có trường hợp cấp bách, thật sự quan trọng thì mới nên đụng vào những khoản để dành riêng, ngoài “quỹ” này. Với cách làm đó, người vợ sẽ có thể cảm thấy thoải mái với việc chồng cho mượn, vì đã lường trước và hình dung được khoản cần cho mượn là bao nhiêu. Ngoài ra, vợ chồng cũng có thể bàn trước với nhau một số trường hợp nên từ chối. Vì nếu mượn chỉ để mua sắm những thứ chưa thật sự cần thiết như điện thoại di động “xịn”, xe máy đắt tiền, sửa nhà cửa trong khi nhà cửa vẫn ở được bình thường… thì rõ ràng là cho mượn chỉ làm tăng tính phung phí và ỷ lại.
Về những đồ đạc trong gia đình, chuyên gia tư vấn Lê Khanh chia sẻ thêm: “Khi việc mượn này hợp lý, như mượn anh em một cái áo vest vì chỉ sử dụng có đúng một lần, nếu thuê hoặc may bên ngoài sẽ rất đắt tiền thì nên rộng rãi, giúp nhau. Tuy nhiên, nếu việc hỏi mượn này xuất hiện với tần suất dày đặc, mượn liên tục hết thứ này đến thứ khác thì nên từ chối khéo. Có thể ban đầu sẽ tạo nên một chút cảm giác khó chịu, song sự từ chối đó là cần thiết, để tránh càng lúc sự chịu đựng càng nặng nề hơn. Ngoài ra, một mẹo nhỏ để dung hòa tình cảm gia đình là trong một số trường hợp, nếu thấy có những vật dụng có thể cho tặng thì nên… tặng hẳn! Điều đó khiến những người thân dần hiểu rằng bạn không hề hẹp hòi, song bạn cũng cần có một cuộc sống riêng tư của chính mình!”.