Mẹ&Con - Đột nhiên tôi phát hiện ra ở cổ (vùng phía dưới lỗ tai bên phải) có một khối u nhỏ. Đáng ngại là con không hề thấy đau như kiểu mụt nhọt khi tôi sờ vào... Có nên cho con làm quen với vị mới? Có nên cho con uống nhiều nước sâm, nước mát? Làm sao cho con chịu uống sữa?

Bé nhà tôi 4 tuổi, đang học mẫu giáo. Tất cả mọi dấu hiệu về sức khỏe của con hiện tại đều bình thường (chiều cao, cân nặng đúng chuẩn; không sụt cân; không bỏ ăn, sốt hay quấy khóc…). Duy có hồi mấy tháng đầu sau sinh thì bé hơi yếu (bé sinh non). Rồi bây giờ, đột nhiên tôi phát hiện ra ở cổ (vùng phía dưới lỗ tai bên phải) có một khối u nhỏ. Đáng ngại là con không hề thấy đau như kiểu mụt nhọt khi tôi sờ vào. Thật sự tôi rất sợ vì đã từng biết vài trường hợp trẻ còn rất nhỏ mà bị các bệnh nan y (tôi không dám nói ra, nhưng chắc bác sĩ hiểu tôi định nói gì rồi). Tôi nên làm gì bây giờ thưa bác sĩ?

Lê Uyên
(Quận Tân Phú)

 chuyen gia mevacon

Trong bất kỳ trường hợp nào, ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu phát hiện trên cơ thể xuất hiện u, cục hoặc hạchđều cần thiết phải được bác sĩ kiểm tra. Lời khuyên của tôi là bạn nên bình tĩnh, đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thêm để bạn đừng vội nghĩ đến tình huống xấu (căn bệnh bạn không dám nhắc đến kia), vì thực tế trong cơ thể người, các hạch nằm ở nhiều nơi, như vùng cổ, nách, bẹn… Bình thường thì hạch không sờ thấy được, đến khi phải hoạt động để chống lại bệnh tật thì hạch sẽ sưng to, sản xuất kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 4-10 rất dễ bệnh nên cũng dễ nổi hạch. Có khi một cái hạch như thế chỉ là do nguyên nhân răng miệng bé đang bị tổn thương, viêm amiđan… chẳng hạn, và bạn tưởng nhầm là “khối u”. Để xác định, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ bằng cách sờ nắn qua tay, tìm những ổ viêm ở vùng lân cận, cấy dịch, mủ… Trường hợp đặc biệt có nghi ngờ là ung thư, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tỉ mỉ và chi tiết hơn. Bạn cứ bình tĩnh và đưa con đi khám đã nhé. 

Tags:

Bài viết liên quan