Mẹ&Con – Ồ, vượt trội thì tốt chứ sao! Lập gia đình, ai lại chẳng ước ao có được một đức lang quân giỏi giang, tài hoa, phong độ, lịch lãm, khiến người khác nhìn vào ngưỡng mộ.

Kết hôn được với “bóng tùng quân” cho phép bạn yên tâm nương tựa như thế thì còn gì phải bàn nữa. Nhưng có những chuyện “thấy vậy không phải vậy”. Làm vợ một đức lang quân “vượt trội”, xem ra chẳng dễ chút nào!

Những con “rận” trong “chăn”

Kết hôn được 5 năm, nhìn vào, đôi vợ chồng anh Tuấn – chị An (Quận 7) là một cặp “trai tài gái sắc”. Bản thân chị An hiểu rất rõ những may mắn của mình, khi mà đi đến đâu cũng nghe mọi người ca tụng chồng đến tận mây xanh. Nào là anh giỏi giang, một tay gây dựng cơ đồ, lại đẹp trai, hào hiệp, cư xử khéo léo, thông minh. Những lúc đi tiệc tùng với công ty anh, chị luôn nghe những cô gái khác nói với vẻ đầy ganh tỵ: “Anh Tuấn là nhất đó chị ơi! Thần tượng của bao nhiêu người…”

Thế nhưng, ít ai biết rằng chị thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ dù không hề đi làm vất vả gì. Thậm chí đã có lúc, chị phải lén đi khám bác sĩ chuyên khoa… tâm thần, vì có dấu hiệu trầm cảm. Thộ lộ riêng với cô bạn thân nhất của mình, chị bộc bạch: “Người ta nói, thử thách sự chung thủy của người đàn bà tốt nhất là khi người đàn ông không có gì. Còn thử thách sự chung thủy của người đàn ông tốt nhất là khi… anh ta có tất cả mọi thứ! Làm vợ một người chồng vượt trội, nói thật mình chưa bao giờ có được ngày tháng bình yên. Bao giờ vây quanh anh cũng là những bóng hồng. Mà đàn ông, ai chẳng dễ liêu xiêu trước những em gái trẻ trung, xinh xắn, đầy vẻ tôn thờ ngưỡng mộ, sẵn sàng… ngả vào lòng anh bất cứ lúc nào!!!”

Hai lần chị mang thai là hai lần chị biết anh có chuyện bên ngoài. Chưa hết, nhắm mắt làm ngơ thì thôi, chứ chỉ cần thỉnh thoảng chị lén đến gặp một thám tử tư, nhờ “theo dõi” anh mấy ngày là y như rằng, “nhẹ” nhất cũng là đi ăn trưa, cà phê với sự thân mật “trên mức bình thường” với đồng nghiệp, đối tác. “Nặng” thì… thôi chẳng cần nói nữa! Số lần chị đặt những bức ảnh tình tứ lên bàn làm việc của anh ở nhà rồi hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh đã nhiều đến mức chị chẳng còn nhớ con số bao nhiêu.

Với chị Tuyền (Quận Bình Thạnh), chồng chị được cái cũng… tương-đối-chung-thủy nên chị không đau đầu nhiều với chuyện các cô gái vây quanh như thế kia. Nhưng nỗi khổ tâm của chị lại nằm ở chuyện khác. “Anh ấy quá bận rộn và quá ít thời gian dành cho gia đình. Biết sao được! Công việc lu bù suốt cả ngày kia mà. Tôi có người giúp việc, có đầy đủ tiền bạc anh đưa, nhưng lại thiếu… một người chồng(!) đúng nghĩa để sẻ chia, cảm thông, để đỡ đần cùng mình những chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà. Nói ra thì ai cũng quay ngược sang mắng tôi, bảo trời ơi còn muốn cái gì nữa. Đúng là được voi đòi tiên! Nhưng có ở trong cuộc mới biết, hai đứa con từ khi sinh đến giờ, ngày tôi sinh không có anh ở bên, chúng đau ốm thế nào anh chưa từng biết. Tất cả chỉ là sự xoay xở của một mình tôi!”

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Người đàn ông vượt trội với công việc bên ngoài lại thường ít thời gian quan tâm đến gia đình, thêm vào đó dễ gặp phải sự lệch lạc như gia trưởng quá mức, thích định đoạt tất cả mọi thứ, ít lắng nghe, ít chia sẻ, đôi khi coi thường vợ. Những điều đó thấy thì nhỏ, nhưng nếu cứ dồn nén lâu ngày thì sẽ trở thành quá sức chịu đựng với người phụ nữ. Bởi lẽ, thực tế điều tạo nên hạnh phúc cho một mái ấm gia đình không phải là tiền bạc, địa vị hay quyền lực mà chính là những yêu thương, cảm thông, đỡ đần, chia sẻ”.

Khi chang vuot troi

(Ảnh minh họa)

Sóng bước cùng “độ trội” của chàng!

Ai đó đùa rằng, làm một người vợ bình thường đã khó, làm vợ một đức lang quân vượt trội lại càng… khó hơn gấp bội phần! Điều này rất đúng. Người ngoài dễ nhìn vào bạn, dễ so sánh. Bởi thế nên bạn luôn phải gồng mình lên để… xinh đẹp, để sang trọng, để có thể tươi tắn rạng ngời ở bên chồng. Có những lúc giận nhau chuyện gì, thay vì dễ “bùng nổ”, đôi khi bạn lại phải lặng im, nén chịu, phải âm thầm cư xử thật khéo để giữ vững danh tiếng, địa vị, công việc của chồng.

Không ít người, chỉ sau một thời gian chung sống với đức lang quân vượt trội đành phải… rút lui, thở dài nhìn mái ấm của mình vỡ tan, vì chịu không nổi những áp lực dồn dập từ bên trong lẫn bên ngoài. Có chị than: “Khi vợ chồng hàn vi, mái ấm gia đình là tất cả mục đích và lẽ sống nên ai cũng chăm chăm gìn giữ, dồn hết sức lực vào. Còn một khi chồng đã vượt quá xa, thì tâm lý của anh lại cho rằng bao nhiêu người ước ao sóng bước cùng mình, nếu vỡ với người này thì… làm lại ngay với người khác chứ có gì đâu!”

Sóng bước với một người chồng vượt trội, vì thế không hề đơn giản. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Bạn sẽ phải học cách nghĩ thoáng, đồng thời tập cách luôn… nâng cấp bản thân mình để tương xứng với sự vượt trội của chồng. Đừng bao giờ cho rằng chồng đi làm là đã đủ thì mình chỉ cần ở nhà nội trợ, làm một người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Một khi không biết cách tự nâng cấp bản thân, phụ nữ dễ bị thụt lùi, sau đó thì… bị bỏ lại đằng sau!”

Rất đồng cảm với lời khuyên này, chị T.T.N (Quận 2) bật mí chuyện của riêng mình: “Dù chồng muốn tôi ở nhà để toàn tâm toàn ý lo cho con, nhưng tôi vẫn trao đổi để giữ một công việc của riêng mình. Vì tôi tự thấy, cứ ở nhà là mình ỳ ra, thụ động, ít còn chăm chút cho bản thân, ít còn tự tin khi bàn bạc với chồng việc gì. Đi làm cũng khiến tinh thần mình thoáng hơn, có những niềm vui và những mối quan hệ, bạn bè riêng. Chồng thấy mình luôn nỗ lực tự nâng cấp, luôn vui tươi và giao thiệp rộng thì cũng chịu khó lo lo, biết quan tâm hơn đến vợ, đến gia đình!”

Ngoài ra, hãy biết rằng tuy trong mắt người ngoài, bạn có thể chỉ là một người phụ nữ “ăn sung mặc sướng”, nhưng để làm tròn vai trò của mình, để giữ lửa trong một mái ấm có người chồng vượt trội, chắc chắn bạn sẽ phải hi sinh rất nhiều. Sự hi sinh ấy nằm ở chỗ cảm thông nhiều hơn đòi hỏi, tạo cảm giác bình yên khi trở về thay vì chỉ chăm chăm vào những chuyện không hay. Thời gian anh dành cho gia đình ít hơn, cũng có nghĩa là bạn phải âm thầm gánh vác tạo nên từng mối dây kết nối cho anh và con, phải dành nhiều thời gian hơn dạy dỗ con cái, chăm sóc các mối quan hệ gia đình.

Tuy nhiên, nói như lời chia sẻ kinh nghiệm chân thành của một người phụ nữ “may mắn” lấy chồng vượt trội: “Tôi đỡ đần, gánh vác, nhưng không làm thay hết tất cả cho anh. Tôi không muốn rồi một lúc anh thấy mình lạc lõng như người khách trong mái ấm của mình. Đôi khi tôi hỏi ý kiến anh chuyện này chưyện kia, không phải vì không tự giải quyết được mà muốn anh hiểu rằng, dù có là gì ở bên ngoài, thì với gia đình, anh vẫn là người chồng, người cha. Làm vợ của một đức lang quân giỏi giang, tài hoa, xem ra hoàn toàn không dễ thở. Nhưng bạn sẽ làm được điều đó, nếu như có những kỹ năng khéo léo và rất nhiều những yêu thương…”

Tags:

Bài viết liên quan