Mẹ và Con - Đó là thắc mắc chung của rất nhiều bà mẹ, nhất là mẹ sinh con đầu lòng. Xung quanh câu chuyện “khi nào cổ bé cứng cáp” còn có nhiều điều mẹ phải chú ý để đảm bảo an toàn cho bé.

Theo các nhà khoa học, cổ có một vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể người. Bởi đây là vùng tập trung hai động mạch lớn, giúp dẫn máu lên não, cơ quan trung ương điều khiển toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, cổ còn có chức năng hỗ trợ đầu trong việc di chuyển các hướng, vì các cơ quan khác như mắt, mũi, miệng, tai đều tập trung ở vùng đầu.

Liên quan đến câu hỏi khi nào cổ bé cứng cáp, điều chúng ta cần nhớ là chiếc cổ tuy rất mỏng manh nhưng lại đóng một vai trò không hề nhỏ đối với sức khỏe và sự phát triển của con người, nhất là trong giai đoạn sơ sinh.

Nếu chiếc cổ không khỏe mạnh hoặc bị chấn thương, lượng máu cung cấp cho não kém, kéo theo nhiều hệ lụy như giảm mức năng lượng, hệ miễn dịch gặp sự cố, mệt mỏi, chậm phát triển, thậm chí là có thể dẫn đến tử vong.

Những điều cần biết về chiếc cổ của bé

Cổ trẻ sơ sinh rất yếu

Khi mới chào đời, trẻ rất khó khăn trong việc điều khiển chuyển động của đầu. Bởi lẽ, lúc này cổ khá yếu do các cơ chưa hoàn thiện, bộ khung xương gánh quá nhiều áp lực, thiếu cân đối do chiều dài đầu cổ lớn, chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài toàn thân.

Khi nào cổ bé cứng cáp
Khi nào cổ bé cứng cáp

Cổ sẽ dần trở nên cứng cáp 

Thông thường, một đứa trẻ sơ sinh sẽ có thể ngóc đầu khi đạt 1 tháng tuổi, có thể giữ thẳng đầu khi đạt 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi là điều khiển được toàn bộ phần đầu. Điều này có nghĩa là các cơ cổ sẽ phát triển theo thời gian và dần trở nên hoàn thiện khi trẻ 6 tháng tuổi trở lên.

Xem thêm: Giải mã tiếng khóc trẻ sơ sinh

Tuy vậy, với câu hỏi khi nào cổ bé cứng cáp thì các mốc thời gian này có thể thay đổi tùy theo thể trạng của từng trẻ. Có khi bé nhà bạn có thể cứng cáp sớm hơn hoặc muộn hơn một chút, nhưng không có nhiều bất thường kèm theo thì bạn không cần phải lo lắng.

Khi nào cổ bé cứng cáp và có cần đi khám không? 

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng và điều kiện tập luyện mà thời gian để cho chiếc cổ của bé cứng hơn là không bằng nhau.

Tuy nhiên, bố mẹ cần phải lưu ý là nếu thấy tốc độ phát triển của bé có biểu hiện bất thường như 2-3 tháng vẫn chưa thể ngóc đầu, 4 tháng tuổi đầu vẫn ngửa ra sau… bạn cần phải nhanh chóng đưa bé đi kiểm tra để kiểm tra những bất thường của vẹo cổ, cơ cổ yếu, chậm phát triển (nếu có)…

Cách bế không làm tổn thương cổ bé

Bé dưới 2 tháng tuổi

Đối với bé từ 0-2 tháng tuổi, bế theo phương nằm ngang để cố định cho đầu và thân xuôi theo một đường thẳng. Khi bế, một tay mẹ đỡ phần thân bé áp sát vào ngực, tay kia đỡ phần gáy và cổ bé.

Vào thời điểm này, bé còn khá nhỏ nên bạn không dùng hai tay xốc thẳng bé lên, bởi cổ và xương sống còn non yếu và rất dễ tổn thương như vẹo cổ, lệch đốt sống cổ…

Bé từ 3-5 tháng tuổi

Lúc này, một số bé đã có thể ngẩng đầu và giữ cố định trong một vài phút. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn vẫn là không nên bế bé thẳng đứng quá lâu vì các cơ vẫn chưa đạt độ cứng cáp nhất định, dễ gây ra những chấn thương nguy hiểm. Vì thế, tư thế bế bé tốt nhất là theo hướng nghiêng.

Mỗi khi thay đổi tư thế, hãy đặt bé nhẹ nhàng và dùng tay đỡ sau đầu để cơ thể bé tạo thành một đường thẳng cố định cho đến khi nào cổ bé cứng cáp và tự ngẩng đầu lên nhé.

Bé từ 6 tháng tuổi

Thời điểm này rất ít trẻ còn yếu cổ. Nếu có, đây có thể là biểu hiện bất thường, bạn cần phải đưa trẻ đến cơ quan y tế để được thăm khám thật chi tiết. 6 tháng tuổi bé đã biết trườn và ngóc đầu, xoay đầu dễ dàng. Bạn có thể bế bé ở nhiều tư thế khác nhau.

Thế nhưng, khi chăm sóc hay chơi đùa cùng trẻ, bạn cùng cần chú ý giữ vùng cổ cố định để hạn chế chấn thương do động tác quá mạnh.

Có thể mẹ quan tâm: Những thói quen rung lắc của cha mẹ hại con

Cách bế không làm tổn thương cổ bé

Bài tập cho chiếc cổ bé nhanh cứng cáp

Tập nằm sấp

Cho bé nằm sấp trên một chiếc thảm sạch, không có xơ vải và mềm mại rồi đặt một ít đồ chơi xung quanh để thu hút sự chú ý và tạo kích thích trẻ tò mò ngước cổ lên.

Thực hiện trong khoảng 30 giây rồi đặt bé nằm ngửa trở lại. Khi tập, bạn phải luôn ở bên cạnh quan sát biểu hiện và theo dõi nhịp thở của trẻ. Nếu thấy trẻ thở gấp, đỏ mặt, giãy giụa hãy đỡ trẻ lên và dừng tập ngay.

Bài tập này giúp tăng khả năng vận động của cổ và tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa cổ, vai, lưng, tay. Từ đó, cơ cổ nhanh chóng cứng cáp và dẻo dai hơn, giúp bé giữ chiếc đầu tốt hơn.

Đu đưa theo nhạc

Bế trên vai hoặc địu bé và nhẹ nhàng đu đưa theo những giai điệu du dương. Bạn nên thực hiện bài tập này khi bé đang trong thời điểm thức dậy chơi để tạo điều kiện cho bé khám phá và tăng nhận thức về thế giới xung quanh. Khi thực hành bài tập này, bạn không nên cho bé bú quá no và tuyệt đối không rung lắc mạnh.

Tập thực hành thăng bằng, hỗ trợ các cơ ở cổ phát triển hoàn thiện hơn đồng thời tăng cảm giác về không gian, môi trường cho bé.

Máy bay cất cánh

Bạn nằm ngửa trên một mặt phẳng, co chân và đặt bé nằm lên phần cẳng chân song song với mặt sàn. Từ từ nâng bé lên rồi hạ xuống, di chuyển qua lại như đang bay.

Lưu ý, bài tập này chỉ phù hợp với trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và cần đỡ cổ khi thực hiện. Tương tự như bài tập trên, bạn cũng nên cho bé có thời gian tiêu hóa sữa và vận động nhẹ nhàng, tránh rung lắc mạnh.

Bài tập Máy bay cất cánh hỗ trợ cổ và cơ lưng của bé cứng cáp hơn, đồng thời củng cố khả năng nhận biết xung quanh và bồi đắp tình cảm với người chăm sóc.

Khi nào cổ bé cứng cáp là một câu hỏi thú vị, được rất nhiều mẹ quan tâm. Tuy nhiên, nếu cổ bé chưa cứng như các bạn cùng trang lứa thì mẹ cũng đừng lo lắng quá. Hãy chú ý quan sát con kỹ hơn và đưa bé đến ngay bệnh viện chuyên khoa khi cần nhé! 

Bài viết liên quan